Trong chiến tranh hiện đại, xăng dầu được ví như “dòng máu” để đảm bảo sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia. Sức mạnh đó không thể được đảm bảo vững chắc nếu phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu cho quân đội, nhất là khi bị đối phương cấm vận, đánh phá. Vì vậy, việc tham mưu, đề xuất và triển khai thành công Đề tài nghiên cứu điều chỉnh công nghệ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (từ đây viết tắt là NMDQ) sản xuất nhiên liệu phản lực hàng không và nhiên liệu diesel sử dụng cho vũ khí trang bị quân sự do Liên bang Nga (và Liên Xô trước đây) sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước cũng như tăng cường sức mạnh quân sự - quốc phòng của Việt Nam.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là công trình trọng điểm quốc gia, có tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Nhà máy được bắt đầu triển khai xây dựng theo phương án Việt Nam tự đầu tư từ năm 2003. Đến tháng 02/2009, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động và cho ra lô sản phẩm đầu tiên. Việc xây dựng thành công và đưa NMDQ vào vận hành có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần đẩy mạnh tiến trình CNH- HĐH đất nước cũng như góp phần tăng cường đáng kể tiềm lực quốc phòng cho nước nhà. Đây là công trình đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam. Với nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu là dầu thô của mỏ Bạch Hổ (dầu ngọt nhẹ) và dầu thô từ các mỏ dầu có chất lượng tương đương, NMDQ luôn cho ra những dòng sản phẩm có chất lượng cao và hiện nay đang đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong cả nước (xăng RON 92 từ 1.400.000 -1.800.000 tấn; xăng RON 95 từ 600.000 - 700.000 tấn; nhiên liệu bay Jet A-1 từ 300.000 - 400000 tấn và khoảng 3 triệu tấn diesel). Trong đó, phần lớn là những sản phẩm thông dụng mà các phương tiện quân sự mặt đất của ta đang thường xuyên sử dụng.
 |
Cục Xăng dầu và chuyên gia Nga bàn kế hoạch triển khai thực hiện Đề tài nghiên cứu điều chỉnh công nghệ NMDQ. Ảnh: CTV. |
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết và ý nghĩa to lớn về việc tự chủ nguồn cung ứng trong nước đối với một số loại nhiên liệu đặc chủng dùng cho trang bị khí tài quân sự hiện đại của quân đội ta. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu ban đầu về công nghệ và chất lượng sản phẩm của NMDQ, ngay từ đầu năm 2010, Cục Xăng dầu đã báo cáo, đề xuất với Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần và Bộ Quốc phòng về việc sử dụng thử nghiệm nhiên liệu bay Jet A-1 cho một số loại máy bay của quân đội ta. Song song với việc thử nghiệm, Cục Xăng dầu cũng chủ động đề xuất việc hợp tác với phía Liên bang Nga nhằm nghiên cứu điều chỉnh công nghệ của NMDQ để sản xuất được nhiên liệu phản lực có chất lượng tương đương nhiên liệu TC-1 và nhiên liệu diesel có chất lượng tương đương DO L 0,2 – 62 do Liên bang Nga sản xuất. Đề xuất trên đã được Bộ Quốc phòng nhất trí, phê duyệt, giao cho Cục Xăng dầu, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (TTNĐVN) hợp tác với NMDQ cùng các đối tác của Liên bang Nga triển khai Đề tài nghiên cứu điều chỉnh công nghệ NMDQ sản xuất nhiên liệu phản lực hàng không và nhiên liệu diesel sử dụng cho vũ khí trang bị quân sự do Liên bang Nga sản xuất.
Sau gần 3 năm nghiên cứu, với 2 giai đoạn của Đề tài giai đoạn 1: “Đánh giá khả năng công nghệ của NMDQ trong việc sản xuất nhiên liệu cho động cơ phản lực và nhiên liệu diesel dùng trên các trang bị kỹ thuật quân sự do Liên bang Nga sản xuất, nghiên cứu xây dựng các biện pháp hiệu chỉnh”; giai đoạn 2: “Sự đảm bảo về mặt khoa học kỹ thuật và phương pháp để cấp giấy phép sử dụng nhiên liệu phản lực Jet A-1 và nhiên liệu diesel do NMDQ sản xuất cho các trang bị kỹ thuật quân sự”. Tại các trung tâm khoa học của Liên bang Nga và NMDQ, các chuyên gia Nga và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của NMDQ, Cục Xăng dầu và TTNĐVN đã tiến hành phân tích, đánh giá khả năng công nghệ của Nhà máy; phân tích, đánh giá chất lượng nguyên liệu đầu vào (dầu thô), chất lượng các sản phẩm hiện tại và chất lượng các cấu tử thu được từ quá trình chưng cất trực tiếp của NMDQ. Trên cơ sở đó, tính toán, pha chế thử nghiệm, lập trình phần mềm mô phỏng và đưa ra qui trình điều chỉnh công nghệ vận hành vừa đảm bảo an toàn, vừa có khả năng cho ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu chỉ tiêu kỹ thuật của Liên bang Nga. Với sự nỗ lực nghiên cứu, ngày 06/3/2014, NMDQ đã sản xuất thành công lô sản phẩm công nghiệp nhiên liệu bay và nhiên liệu diesel đáp ứng được theo yêu cầu chất lượng của Liên bang Nga và sau quá trình phân tích, nghiên cứu thử nghiệm chuyên sâu tại các cơ sở khoa học và cơ quan cấp phép của Liên bang Nga, ngày 28/10/2014, tại Thủ đô Matxcova, phía Liên bang Nga đã chính thức trao cho Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định cấp phép sử dụng đối với nhiên liệu Jet A-1K đạt Tiêu chuẩn TCVN/QS 1755 : 2014 và nhiên liệu diesel DO L-62 đạt tiêu chuẩn TCVN 1754: 2014 do NMDQ sản xuất được phép sử dụng cho trang bị khí tài quân sự đặc biệt.
Trong quá trình phối hợp nghiên cứu sản xuất 2 loại nhiên liệu trên, dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, NMDQ đã rất coi trọng nhiệm vụ an ninh - quốc phòng, sẵn sàng cung cấp các tài liệu kỹ thuật liên quan cùng hàng nghìn lít mẫu các loại; huy động nhiều cán bộ kỹ thuật giỏi của tất cả các phòng, ban và các phân xưởng sản xuất của Nhà máy để cùng với Cục Xăng dầu, TTNĐVN và chuyên gia Nga nghiên cứu, thử nghiệm, điều chỉnh công nghệ và đã sản xuất thành công lô sản phẩm công nghiệp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu chất lượng của Liên bang Nga cho trang bị khí tài quân sự. Ghi nhận kết quả và thành tích nói trên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định tặng Bằng khen cho Cục Xăng dầu, TTNĐVN và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (NMDQ).
Trong Lễ đón nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Đinh Văn Ngọc - Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã phát biểu: “Có thể nói, đây là một bước phát triển mới rất quan trọng, thể hiện khả năng làm chủ công nghệ lọc hóa dầu và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm của NMDQ. Nhà máy không chỉ sản xuất các sản phẩm xăng dầu thông dụng, phục vụ nhu cầu dân sự mà còn có thể sản xuất ra được các sản phẩm chất lượng cao, có yêu cầu nghiêm ngặt về qui trình sản xuất và qui trình đảm bảo chất lượng phục vụ cho các trang bị hiện đại của quân đội. Đây là niềm vinh dự rất lớn đối với ngành Lọc hóa dầu của nước ta nói chung và của NMDQ nói riêng - vì trên thế giới hiện nay, ngoài các nước thuộc Liên Xô trước đây, Việt Nam ta là một trong số rất ít các nước có khả năng sản xuất được hai loại nhiên liệu này có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Liên bang Nga”.
Thành công của Đề tài đã cho phép Quân đội ta (vốn trước đây hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu hai loại nhiên liệu trên) sẽ chủ động nguồn cung trong nước cho trang bị khí tài quân sự, tuyệt đại đa số là do Liên bang Nga (Liên Xô trước đây) sản xuất. Thành công này càng có ý nghĩa quan trọng hơn đối với nền quốc phòng Việt Nam trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị hiện nay trên thế giới và khu vực đang ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong thời gian tới, được sự nhất trí của lãnh đạo các cấp, Cục Xăng dầu sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với NMDQ triển khai công tác qui hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng để kịp thời cung cấp hai loại sản phẩm trên cho Quân đội; đồng thời, tiếp tục hợp tác nghiên cứu sản xuất thêm một số chủng loại xăng dầu khác để đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho Quân đội ta trong tương lai. Có thể khẳng định, trong thời gian không xa, nước ta hoàn toàn chủ động việc sản xuất và đáp ứng được đầy đủ các chủng loại xăng dầu cho Quân đội, góp phần quan trọng tăng cường tiềm lực quân sự - quốc phòng, đáp ứng yêu cầu công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Đại tá ĐẬU ĐÌNH ĐOÀN (Cục trưởng Cục Xăng dầu)