Ngày 28-11-2012, Thường vụ Quân ủy Trung ương ban hành Chỉ thị số 709-CT/QUTW, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (BQP) ký Quyết định số 4664/QĐ-BQP cho phép triển khai thực hiện Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe quân nhân theo hình thức bảo hiểm y tế (BHYT). Sau một năm thực hiện, bước đầu, Đề án đã khẳng định được tính ưu việt và chỉ ra những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Để giúp bạn đọc nghiên cứu, hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện Đề án, Tạp chí Hậu cần Quân đội xin giới thiệu bài viết của đồng chí Thiếu tướng Hồ Thủy, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Bộ Quốc phòng về vấn đề này.
Ngày 19-2-2014, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án thí điểm chăm sóc sức khỏe (CSSK) quân nhân tại ngũ theo hình thức bảo hiểm y tế (BHYT). Kết luận Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Đề án, khẳng định: Kết quả bước đầu sau 13 tháng thực hiện Đề án (từ tháng 12/2012 đến hết tháng 12/2013) tại 3 đơn vị: Học viện Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và Bộ đội Biên phòng (BĐBP) là tương đối tốt; có lợi nhiều hơn cho quân nhân so với thực hiện theo hình thức khám, chữa bệnh (KCB) hiện hành; một số băn khoăn như: công tác quản lý quân số-bảo đảm sẵn sàng chiến đấu qua thời gian thí điểm chưa phát hiện có ảnh hưởng gì...Hội nghị thống nhất đề nghị kéo dài thời gian và mở rộng đối tượng thực hiện thí điểm để có đủ căn cứ đánh giá, kiểm nghiệm khách quan, toàn diện hơn về Đề án.
Bốn tác động tích cực của Đề án
-Tham gia Đề án thí điểm CSSK quân nhân theo hình thức BHYT, quyền lợi về CSSK và KCB của quân nhân được tăng lên. Quân nhân không phải đóng BHYT mà hoàn toàn do ngân sách nhà nước bảo đảm theo mức bằng 3% tiền lương (đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp) hoặc 3% mức lương cơ sở (đối với hạ sĩ quan, binh sĩ); được cấp thẻ BHYT; được KCB ban đầu hoặc chuyển tuyến chuyên môn ở bất kỳ cơ sở quân y hoặc dân y nơi thuận tiện nhất, không phân biệt cấp cứu hay KCB thông thường.
Việc quân nhân được KCB ban đầu và chuyển tuyến chuyên môn ở bất kỳ cơ sở quân y hoặc dân y thuận tiện nhất, không những giảm được chi phí và tiết kiệm công sức, thời gian đi lại cho quân nhân, mà còn cải thiện, nâng cao khả năng quân nhân được tiếp cận các kỹ thuật y tế hiện đại trong hệ thống dân y. Điều này thể hiện rất rõ ở các đơn vị BĐBP, trong số quân nhân đi KCB ở tuyến bệnh viện, có 64,05% KCB tại bệnh viện dân y. Ngay như Học viện Quốc phòng gần các bệnh viện lớn của quân đội, cũng có tới 28,85% quân nhân đi KCB tại bệnh viện dân y trên tổng số quân nhân đi KCB ở tuyến bệnh viện.
Quân nhân tham gia Đề án được hưởng 100% chi phí KCB theo chỉ định chuyên môn, với mức hưởng cao nhất so với các đối tượng tham gia BHYT khác và do 2 nguồn kinh phí bảo đảm: từ quỹ BHYT và từ ngân sách quốc phòng. Nếu phần chi phí KCB của quân nhân vượt phạm vi của BHYT thì ngân sách quốc phòng sẽ chi trả. So sánh chi phí KCB của quân nhân (theo hình thức BHYT) với chi phí khám chữa bệnh của công nhân viên quốc phòng và thân nhân quân nhân năm 2013 cho thấy: chi phí KCB của quân nhân tham gia BHYT tại cơ sở quân y và dân y nhiều gấp 1,87 - 2,62 lần khi điều trị ngoại trú và từ 2,76 -3,02 lần khi điều trị nội trú.
- Thực hiện Đề án làm thay đổi hoàn toàn phương thức bảo đảm tài chính phục vụ trực tiếp việc KCB của quân nhân. Theo Đề án, cơ chế bảo đảm kinh phí KCB (từ 3% BHYT do ngân sách nhà nước bảo đảm) được thực hiện theo quý, từ cơ quan quản lý quỹ BHYT (BHXH BQP) trực tiếp tới bệnh viện, bệnh xá quân đội; có sự điều tiết giữa các đơn vị chi tiêu theo số thẻ và nhu cầu KCB. Điều này khác cơ bản với cơ chế bảo đảm từ ngân sách quốc phòng như hiện nay là thực hiện trong năm tài chính, theo hệ thống dọc từ Cục Quân y tới quân y đơn vị (thông qua cơ quan tài chính các cấp) với mức ấn định bằng kế hoạch và không có sự điều tiết giữa các đơn vị. Một điểm khác biệt nữa, với hình thức bảo đảm từ ngân sách quốc phòng như hiện nay cả bằng hiện vật và kinh phí thì hình thức bảo đảm của Đề án bằng 100% kinh phí tự chi để bệnh viện, bệnh xá chủ động quản lý, sử dụng cho việc KCB.
-Nguồn tài chính BHYT phục vụ trực tiếp cho việc CSSK và KCB của quân nhân ngày càng tăng (do mức lương cơ sở tăng hằng năm) và ổn định ở mức cao so với quy định hiện hành về bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ (bao gồm cả bảo đảm tiêu chuẩn vật chất quân y) quy định tại Nghị định số 65/2009/NĐ-CP. Thực tế ở Học viện Quốc phòng đã cho thấy, năm 2013 ngân sách quốc phòng bảo đảm cho công tác CSSK và KCB của quân nhân theo Nghị định số 65/2009/NĐ-CP mới đạt 266 triệu đồng, trong khi số tiền BHYT đã quyết toán chi cho công tác KCB BHYT tại bệnh xá Học viện Quốc phòng thời gian tham gia Đề án đã là 965,5 triệu đồng, chi CSSK (8%) là 134,5 triệu đồng.
- Tăng cường quyền tự chủ, nâng cao trách nhiệm, năng lực chuyên môn cho hệ thống quân y (từ quân y đơn vị đến các bệnh xá, bệnh viện quân đội) và tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y từ quỹ BHYT thông qua KCB BHYT.
Quỹ KCB BHYT ngoài việc chi mua thuốc, hóa chất, vật tư y tế còn có phần chi phí dịch vụ (tiền công) KCB, do đó có một phần bù đắp cho thu nhập của cán bộ, nhân viên quân y. Điều này có tác động tích cực đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm, năng lực, trình độ và tạo sự yên tâm gắn bó với nghề, với đơn vị của đội ngũ quân y cơ sở. Thông qua mô hình KCB BHYT, đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y đơn vị từng bước nâng cao năng lực quản lý, điều hành và trình độ chuyên môn để dần tiến tới thực sự tham gia KCB BHYT cho nhân dân trên địa bàn, khi đất nước tiến tới BHYT toàn dân. Mặt khác, thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án sẽ là bước chuẩn bị ngay từ thời bình cho tình huống khi có chiến tranh xảy ra; các cơ sở y tế trong và ngoài quân đội có sự liên thông, tập dượt công tác CSSK bộ đội, phục vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh trong tác chiến khu vực phòng thủ; đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng.
Một số vướng mắc và phương hướng giải quyết
Thí điểm CSSK quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT là việc hoàn toàn mới, vì vậy, 13 tháng thực hiện Đề án thí điểm, có những khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết; cán bộ, chiến sĩ ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn những băn khoăn trong tổ chức thực hiện; tổng hợp lại, nổi lên 6 vấn đề cần được làm rõ:
Một là, một số quân nhân hiểu rằng, khi tham gia Đề án thí điểm, quân nhân phải tự đóng BHYT. Như trên đã đề cập, ngân sách nhà nước đóng toàn bộ BHYT cho quân nhân, quân nhân không phải đóng BHYT từ tiền lương của mình (theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Phần II, Điều 1, Quyết định số 4664/QĐ-BQP). Do không nghiên cứu kỹ các văn bản và công tác phổ biến, tuyên truyền quy định mới không thấu đáo nên đã dẫn đến hiểu sai nội dung này.
Hai là, một số ý kiến cho rằng thủ tục đi KCB BHYT còn rườm rà. Về vấn đề này, theo quy định hiện hành của BQP: Quân nhân đi KCB trong hệ thống quân y phải mang theo giấy giới thiệu do quân y đơn vị cấp, có xác nhận của thủ trưởng quân chính. Đối với quân nhân các đơn vị tham gia Đề án, khi đi KCB, ngoài việc thực hiện quy định của Bộ thì phải xuất trình thêm thẻ BHYT và chứng minh thư, hoặc một loại giấy tờ tùy thân có dán ảnh để cơ sở KCB xác định đúng đối tượng và bảo đảm quyền lợi theo quy định của Đề án. Để giảm bớt thủ tục về giấy tờ, nếu Đề án được triển khai rộng sẽ thực hiện dán ảnh của quân nhân trên thẻ BHYT, khi đó chỉ cần xuất trình thẻ BHYT có dán ảnh thay thế cho chứng minh thư hoặc một loại giấy tờ tùy thân như hiện nay.
Ba là, sĩ quan cao cấp tham gia BHYT không được bệnh viện ưu tiên KCB và không được xe đưa, đón như trước đây. Vấn đề này, các đơn vị tham gia Đề án phải có trách nhiệm bảo đảm phương tiện hoặc thanh toán chi phí cho quân nhân đi KCB và do ngân sách quốc phòng bảo đảm (theo quy định tại Điểm m, Khoản 7, Phần II, Điều 1, Quyết định 4664/QĐ-BQP). Đơn vị không thực hiện chế độ này là do chưa nghiên cứu kỹ văn bản, thực hiện không đúng quy định, gây bức xúc cho lãnh đạo, chỉ huy và quân nhân.
Đối với cơ sở dân y, quân nhân tham gia Đề án khi đi KCB cũng bình đẳng như đối tượng tham gia BHYT khác, chỉ khác là chế độ, quyền lợi KCB của quân nhân được bảo đảm ở mức cao nhất (hơn cả người có công và công an nhân dân). Nếu Đề án được tiếp tục triển khai, cán bộ cao cấp nếu có nguyện vọng sẽ được đăng ký KCB tại phòng khám sức khỏe cán bộ của Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố nơi đơn vị đóng quân (việc này Bộ Y tế, Ban bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương đã thống nhất với Cục Quân y-BQP).
Bốn là, một số ý kiến phản ánh quân nhân phải bỏ “tiền túi” để chi trả chi phí KCB. Thực tế có tình trạng này xảy ra ở thời gian đầu thực hiện, các cơ sở KCB và cơ quan BHXH ở một số địa phương chưa kịp quán triệt, triển khai nội dung của Đề án nên một số ít quân nhân phải cùng chi trả KCB 20%. Sau khi nhận được thông tin, BHXH BQP đã phối hợp với BHXH Việt Nam và các tỉnh truy trả lại cho quân nhân. Tuy nhiên, với một số quân nhân khi đi KCB vượt tuyến, trái tuyến hoặc KCB ở cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT; KCB ở cơ sở y tế ngoài công lập mà không phải trong tình trạng cấp cứu, hoặc không thuộc trường hợp đi công tác, đi phép; KCB đúng nơi quy định nhưng lựa chọn thầy thuốc, lựa chọn buồng bệnh, hoặc có nguyện vọng sử dụng các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế không thuộc danh mục quy định của BHYT thì quân nhân vẫn phải tự chi trả một phần viện phí. Nguyên nhân là do đơn vị, quân nhân và cơ sở KCB quân y, dân y chưa nghiên cứu kỹ văn bản hướng dẫn, chưa nắm chắc các quy định về nơi KCB và chuyển tuyến chuyên môn quy định tại Quyết định 4664/QĐ-BQP.
Năm là, có ý kiến cho rằng khi quân nhân tham gia BHYT sẽ phải mở rộng và tăng biên chế của ngành Quân y. Việc quân nhân tham gia BHYT về lâu dài sẽ góp phần giảm tổ chức biên chế và lực lượng của ngành Quân y, đáp ứng được chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội trong tình hình mới, bởi khi quân nhân KCB theo hình thức BHYT có 2 lực lượng y tế bảo đảm là hệ thống quân y và dân y. Khi tham gia BHYT, quân y cơ sở phải nâng cao năng lực trình độ chuyên môn và được cung cấp trang thiết bị y tế tốt hơn, đầy đủ hơn. Nếu không đáp ứng được nhu cầu KCB, quân nhân có quyền đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở quân y, dân y khác ở nơi thuận tiện và có trình độ tốt hơn.
Sáu là, một số ý kiến cho rằng BHYT là kinh doanh, là lợi ích nhóm. Đây là nhận thức, thông tin hoàn toàn sai lệch. Bởi BHYT là một trong 3 trụ cột của chính sách an sinh xã hội, mang tính xã hội cao, theo nguyên tắc số đông bù số ít, người khỏe bù đắp cho người ốm. Theo Đề án, ngân sách Nhà nước đóng BHYT cho quân nhân để thực hiện nhiệm vụ CSSK và giao BHXH Bộ Quốc phòng quản lý, điều tiết giữa các cơ sở KCB của Quân đội một cách linh hoạt, khác hẳn với cơ chế ấn định mức kinh phí và cấp phát bằng hiện vật như trước đây. Người đứng đầu cơ sở quân y có trách nhiệm và có quyền chủ động trong quản lý, khai thác, sử dụng nguồn kinh phí được giao và được giám sát sử dụng thông qua báo cáo, giám định BHYT và thanh quyết toán hằng quý (trước đây chỉ là hằng năm và không có giám định y tế). Cách làm này khắc phục cơ chế xin - cho; khắc phục sự trông chờ, ỷ lại; đồng thời, đề cao trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và của cơ sở quân y các cấp trong quản lý, CSSK quân nhân, đồng nghĩa với việc loại trừ lợi ích nhóm (nếu có).
Thí điểm CSSK cho quân nhân bằng BHYT là một nội dung hoàn toàn mới, bước đầu đã đạt được kết quả tốt. Phương thức này nếu được áp dụng triển khai thực hiện sẽ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng cường, củng cố và phát huy mô hình quân dân y kết hợp; sẵn sàng bảo đảm điều trị thương binh, bệnh binh và nhân dân trong tác chiến khu vực phòng thủ khi có chiến tranh xảy ra. Đồng thời, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, chăm lo sức khỏe cho quân nhân ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng Quân đội chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng HỒ THỦY