Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến đánh giá kết quả thực hiện, bài học kinh nghiệm và một số kiến nghị, đề xuất. Tạp chí Hậu cần Quân đội xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu:

Thiếu tướng Trịnh Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường SQLQ1: Cần coi trọng khâu bảo đảm ăn uống cho bộ đội huấn luyện dã ngoại, diễn tập

Hằng năm, Trường SQLQ1 tổ chức 2 đợt diễn tập, thời gian mỗi đợt từ 08-16 ngày, với quân số tham gia hàng nghìn người. Để bảo đảm ăn uống cho học viên, Trường chủ động phối hợp với nhà thầu nắm chắc tình hình mọi mặt, làm tốt công tác chuẩn bị, phân công, điều hành công việc chặt chẽ, hợp lý. Tại khu thao trường dã ngoại, Trường xây dựng trung tâm Dã ngoại có nhà ăn, nhà bếp và được lắp đặt bếp lò hơi cơ khí với trang bị dụng cụ cấp dưỡng đồng bộ, phục vụ đủ cho 400 người ăn. Nhà thầu hiệp đồng với trung tâm Dã ngoại của Trường mượn dụng cụ cấp dưỡng, trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, vận chuyển lương thực, thực phẩm, chất đốt, bố trí lực lượng tổ chức nấu ăn phục vụ học viên.

 

Khi học viên học tập dã ngoại ở nhà dân, chỉ huy đơn vị, tổ quản lý hiệp đồng chặt chẽ với nhà thầu, liên hệ trước với nhà dân bố trí nơi nấu ăn cho bộ đội. Sau đó, nhà thầu tổ chức lực lượng, phương tiện vận chuyển lương thực thực phẩm, chất đốt, dụng cụ cấp dưỡng… để nấu ăn.

Khi học viên huấn luyện, diễn tập ở địa hình rừng núi, việc bảo đảm ăn uống khó khăn hơn rất nhiều, do thời tiết mưa nắng thất thường, nước sinh hoạt khan hiếm, đường sá đi lại phức tạp, khó khai thác, tiếp tế lương thực thực phẩm. Theo yêu cầu chiến thuật qui định, học viên được biên chế thành các khung nên phải tổ chức bếp ăn cấp trung đội, khẩu đội, sử dụng bếp Hoàng Cầm để nấu ăn. Để giảm bớt khối lượng công việc cho nhà thầu, đồng thời bảo đảm sát thực tiễn chiến đấu, Trường xây dựng thực đơn, khai thác, cung cấp thực phẩm tươi, cấp phát lương khô…; việc nấu ăn hằng ngày do bộ đội tự đảm nhiệm; nhà thầu cơ động theo đội hình và nấu ăn cho cán bộ, giảng viên khung diễn tập. Thời gian tới để bảo đảm tốt hơn cho huấn luyện dã ngoại và diễn tập, đề nghị nhà thầu nghiên cứu bảo đảm xe ô tô chuyên dụng để vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ ăn uống cho bộ đội được tốt hơn.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Học viện KTQS: Cần hợp đồng cụ thể, chặt chẽ với nhà thầu về tiêu thụ sản phẩm TGSX

Để duy trì nền nếp công tác TGSX, tạo nguồn thực phẩm sạch, giá rẻ phục vụ bộ đội, trước khi thực hiện XHH công tác NDBĐ, Học viện đã xin chủ trương của trên và làm việc với nhà thầu, yêu cầu tiếp nhận toàn bộ số lượng sản phẩm tại khu TGSX tập trung của Học viện. Giá được qui định thống nhất theo mức của Hội đồng giá (nhà thầu cùng tham gia khảo sát giá), chất lượng được xác định cụ thể trong hợp đồng. Do đó, Học viện vẫn duy trì hiệu quả công tác TGSX, sử dụng nguồn thu đúng nguyên tắc tài chính, tự túc trên 85% nhu cầu rau, củ, quả, 95% nhu cầu thịt lợn và 100% nhu cầu trứng gia cầm cho bếp ăn XHH, với giá rẻ hơn thị trường 5-25%. Riêng năm 2015, nhà thầu đã nhập 255 tấn rau, củ, quả các loại; 28 tấn cá; 222.000 quả trứng... của Học viện bảo đảm cho các bếp ăn XHH.

 

Cùng với đó, Học viện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện lộ trình rút giảm quân số nuôi quân dư thừa theo đúng hướng dẫn của cấp trên. Ban Quân lực, Quân nhu tích cực rà soát từng nhân viên, gặp gỡ nắm bắt tâm tư nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, tuổi đời, tuổi quân, cấp bậc, trình độ chuyên môn... để xây dựng kế hoạch sử dụng, luân chuyển và phương án đào tạo lại trong toàn Học viện. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ, Học viện đã giải quyết được 80 nhân viên nuôi quân dôi dư, đảm bảo đúng quy định và quyền lợi.

Đại tá Đỗ Tấn Hồng- Phó CNHC QCHQ: Cần tập trung làm tốt khâu xây dựng kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, chấm thầu, lựa chọn nhà thầu.

 

QCHQ thực hiện XHH tại Học viện Hải quân và Trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân. Để việc XHH đạt được yêu cầu đề ra, Hậu cần Quân chủng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu kỹ các kế hoạch, hướng dẫn của các cơ quan chức năng. Hai đơn vị đã tổ chức các đoàn tham quan một số mô hình bếp ăn XHH ở các đơn vị trong và ngoài Quân đội để tham khảo kinh nghiệm; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giám sát; xây dựng, ban hành các quy chế. Chọn những đồng chí, cơ quan chức năng có nhiều kinh nghiệm trong đấu thầu tham gia thành phần hội đồng đấu thầu, xét thầu, tổ chuyên gia chấm thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình. Thông qua tổ chức đấu thầu, xét duyệt hồ sơ chặt chẽ, các đơn vị trên đã chọn được nhà thầu có đủ năng lực về tài chính, nhiều kinh nghiệm trong bảo đảm ăn uống bếp ăn tập thể. Qua 3 năm hoạt động, 2 bếp XHH đã đáp ứng tốt các yêu cầu đề ra, được bộ đội đánh giá tốt về chất lượng phục vụ bảo đảm ăn uống, nâng cao đời sống bộ đội.

Đại tá Trần Thanh Sơn-Phó CNHC Quân khu 9: Cần mở rộng đối tượng được thanh toán phí phục vụ tại các trường quân sự

 

Quân khu 9 có tổng số 9 bếp ăn đang thực hiện XHH công tác NDBĐ với quân số ăn gần 2.500 người thuộc Trường Quân sự Quân khu và trường quân sự bộ CHQS 5 tỉnh, thành phố, do 6 nhà thầu đảm nhiệm. Từ khi triển khai thực hiện XHH, chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội tại bếp ăn XHH có sự chuyển biến rõ rệt, định lượng thực phẩm luôn đạt và vượt qui định; cơ cấu món ăn phong phú, đa dạng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác thống kê, theo dõi tại bếp ăn được ghi chép kịp thời, rõ ràng, đầy đủ, chính xác, làm cơ sở thanh toán tiền ăn, tiền nhân công. Tuy nhiên, hằng năm, bếp ăn XHH của trường quân sự các tỉnh, thành phố phải bảo đảm ăn cho sinh viên tham gia huấn luyện quân sự với số lượng lớn nhưng không được thanh toán tiền chi phí phục vụ. Số tiền công phục vụ trả cho nhà thầu được trích từ tiền ăn do sinh viên nộp nên chất lượng bữa ăn thấp hơn so với đối tượng khác. Vì vậy, đề nghị Ban chỉ đạo XHH công tác NDBĐ Bộ Quốc phòng nghiên cứu, đề xuất mở rộng đối tượng sinh viên huấn luyện quân sự tại các trường được thanh toán tiền công phục vụ.

Đại tá Nguyễn Văn Thành, CNHC Quân chủng PK-KQ: Làm tốt công tác bảo vệ an ninh, an toàn, bí mật khi thực hiện XHH.

 

Hiện nay toàn Quân chủng PK-KQ có 9 bếp XHH, với 7 nhà thầu tham gia. Để bảo đảm an ninh, bí mật, an toàn…, ngoài việc bảo đảm tốt các tiêu chí pháp lý trong hồ sơ, Quân chủng đưa ra tiêu chí lựa chọn các nhà thầu phải có nhiều năm hợp tác và có kinh nghiệm phục vụ trong Quân đội. Kết hợp với cơ quan an ninh, kiểm tra chặt chẽ lý lịch cán bộ, nhân viên nhà thầu để phòng ngừa không để kẻ địch, phần tử xấu lợi dụng xâm nhập, cài cắm móc nối vào nội bộ; kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực hoặc có nhận thức sai lệch với chủ trương XHH công tác NDBĐ.Triển khai xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy định về quan hệ tiếp xúc và khu vực được phép ra vào; bảo đảm an ninh an toàn thực phẩm. Nhiều nhà thầu đã ký hợp đồng nhân sự với người lao động là vợ, con của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp tại đơn vị hoặc những nhân viên nấu ăn đã nghỉ chế độ nhưng vẫn còn sức khỏe để phục vụ bộ đội. Cách làm này vừa tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho gia đình quân nhân, vừa bảo đảm yếu tố an ninh, bảo vệ nội bộ cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đại tá Nguyễn Văn Hanh- CNHC Bệnh viện Quân y 103: Cần đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong các bếp XHH

 

Bệnh viện Quân y 103 là đơn vị đầu tiên thuộc khối Bệnh viện  Quân đội triển khai thực hiện XHH trong bệnh viện. Đặc điểm bếp ăn XHH phải bảo đảm nhiều chế độ ăn theo bệnh lý, nhiều lứa tuổi khác nhau, quân số ăn tại bếp thường xuyên biến động. Khi thực hiện XHH, Bệnh viện đặc biệt coi trọng công tác bảo đảm an toàn ăn bệnh lý vệ sinh thực phẩm; Bệnh viện giao cho Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng bám sát yêu cầu điều trị toàn diện của Bệnh viện, phối hợp chặt chẽ với bác sỹ điều trị chỉ định chế độ ăn uống theo diễn biến bệnh lý người bệnh. Đối với nhà thầu phải chịu sự kiểm tra, giám sát và chỉ đạo về chuyên môn của Khoa Dinh dưỡng và tổ chức nấu ăn theo yêu cầu chỉ định đối với từng mặt bệnh, người bệnh, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định lượng, giờ ăn, bữa ăn. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ lương thực, thực phẩm của nhà thầu; sử dụng bộ Kit test nhanh an toàn vệ sinh thực phẩm, duy trì chế độ vệ sinh nhà ăn, nhà bếp; Bệnh viện còn tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho cán bộ, nhân viên nhà thầu trực tiếp làm việc tại bếp ăn XHH để phát hiện các bệnh truyền nhiễm, nhằm bảo đảm an toàn trong ăn uống. Thời gian tới, để nâng cao chất lượng bữa ăn cho thương binh, bệnh binh, bệnh nhân, đề nghị Bộ Quốc phòng đầu tư cho Bệnh viện các dụng cụ, trang thiết bị hiện đại để kiểm tra ATTP nhằm quản lý ăn uống theo quy trình nuôi dưỡng bệnh nhân, đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình-Phó Chủ nhiệm Hậu cần BTL BĐBP: Cần tăng giá nhân công đối với đơn vị đặc thù.

 

Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức bếp ăn XHH tại khối cơ quan Bộ Tư lệnh, Học viện Biên phòng và Trường Trung cấp Biên phòng. Các đơn vị này quân số đông, chủ yếu tập trung vào bữa trưa, nhất là bếp ăn khối cơ quan; trong khi đó, đối tượng phục vụ với nhiều tiêu chuẩn ăn khác nhau; một số bếp ăn có học viên huấn luyện dã ngoại dài ngày; bếp ăn XHH khối cơ quan phục vụ cán bộ cao cấp sử dụng điều hòa, thiết bị điện hiện đại… Những yếu tố trên gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do đó, đề nghị Ban Nghiên cứu XHH BQP cần cân nhắc, đề xuất tăng giá trần nhân công cho các bếp ăn XHH đối với đơn vị đặc thù như: bộ đội chỉ ăn 1 bữa/ngày, thường xuyên hoạt động dã ngoại cơ động… Qui định cụ thể giá nhân công đối với bữa ăn chính, phụ của bếp ăn XHH có quân số biến động cao, nhất là khối cơ quan. Bên cạnh đó, cần qui định cụ thể cơ chế quản lý, khấu hao dụng cụ cấp dưỡng và bổ sung kinh phí để các đơn vị trang bị bộ test kiểm tra, bảo đảm tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm trong các nhà ăn quân đội.

Phan Văn Kiên-Giám đốc Công ty TNHH PNK: Cần nghiên cứu ban hành các văn bản qui định cụ thể, phù hợp, tạo điều kiện cho nhà thầu

 

Công ty TNHH PNK đã bảo đảm ăn trong quân đội 7 năm liền, với trên 13.000 người ăn thuộc các đơn vị khu vực phía Bắc. Thời gian qua, các đơn vị đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho doanh nghiệp  đầy đủ, chi tiết các hạng mục cần thiết để vận hành bếp, định hướng rõ chi phí và cung cấp nguồn điện, nước ổn định…

Tuy nhiên, hiện nay, chi phí điện trong bảng phân tích giá phí phục vụ chỉ bao gồm điện chiếu sáng, quạt điện và điện vận hành thiết bị bếp đơn thuần. Nếu bếp sử dụng thiết bị hiện đại như điều hòa, bếp từ… nhà thầu không có nguồn thu để  trả tiền điện. Do vậy, đề nghị những đơn vị sử dụng thiết bị hiện đại hỗ trợ chi phí tiền điện; các cơ quan chức năng cần hướng dẫn, qui định chi tiết, cụ thể chi phí điện trong bảng phân tích giá cho từng thiết bị.

Hiện tại lợi nhuận dự kiến cho doanh nghiệp là 5% tổng phí phục vụ, có đơn vị phí phục vụ thấp hơn giá trần rất nhiều. Với lợi nhuận 5%, doanh nghiệp không có khả năng tái đầu tư, mở rộng quy mô phục vụ và phát triển theo hướng cơ bản, nên đề nghị tăng mức lợi nhuận (dự kiến là 10%).

Doanh nghiệp tham gia XHH hoạt động theo Luật doanh nghiệp và theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/11/2014 quy định về mức lương tối thiểu của công nhân, bắt buộc phải thực hiện tăng lương nếu lương tối thiểu tăng. Theo hướng dẫn của BQP, khi lương tối thiểu tăng, phí phục vụ tăng, nhưng lương tối thiểu vùng tăng thì phí phục vụ không được tăng. Để có kinh phí chi trả tăng lương tối thiểu cho người lao động, rất mong các cơ quan liên quan cân nhắc tạo điều kiện và hướng dẫn điều chỉnh tăng phí phục vụ, nhất là khi lương tối thiểu vùng tăng. Ngoài ra, đề nghị các đơn vị qui hoạch nhà thầu dài hạn để doanh nghiệp đầu tư mua sắm trang thiết bị hiện đại, bảo đảm phục vụ chuyên nghiệp hơn.