Những năm qua, tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn trên thế giới diễn biến rất phức tạp; các sự cố do thiên tai gây ra có xu hướng ngày càng tăng. Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, vì vậy cũng thường xuyên phải đối mặt với bão, lũ... gây tổn thất lớn về người và tài sản. Chỉ tính 10 năm gần đây, thiên tai đã làm thiệt hại cho nền kinh tế nước ta khoảng 1,5% GDP. Trong quân đội, do tích cực, chủ động, phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, các đơn vị đã thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão -tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN), giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Song thiệt hại do thiên tai gây ra hàng năm vẫn rất lớn.
 

Quận Đồ Sơn diễn tập phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn năm 2011

Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCLB -TKCN tại các đơn vị quân đội trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, chủ động làm tốt công tác qui hoạch doanh trại và thiết kế công trình chuẩn bị đầu tư.

Khi lập quy hoạch xây dựng doanh trại, các đơn vị cần chú ý đến cao độ khu đất và hướng gió chính khi có bão, lụt, giông lốc để bố trí các công trình cao tầng, nhà chính, các nhà kho, khu kỹ thuật và hệ thống điện, thoát nước phù hợp với cao độ tự nhiên của địa hình. Tránh bố trí nhà kho ở vị trí thấp, trũng, dễ bị ngập úng. Với các công trình nhà cấp 4, nhà thấp tầng, không nên bố trí trực diện với hướng gió chủ đạo. Chiều cao kiến trúc nên bố trí thấp dần về cuối hướng gió chủ đạo, tránh hiện tượng gió âm khi bão giật. Các trục đường giao thông và hàng cây nên bố trí song song theo chiều gió chủ đạo, tạo không gian lưu thoát gió nhanh, tránh được gió quẩn. Hệ thống thoát nước chung ngoài nhà nên chảy xuôi theo độ dốc tự nhiên của địa hình khu đất để nước thoát nhanh khi có bão, giông lốc kèm theo mưa lớn xảy ra.

Ở những địa bàn thường xảy ra nhiều bão, lốc, khi thiết kế các công trình xây dựng kiểu mái chảy lợp tôn, phibrô xi măng, ngói nung, cần bổ sung thêm hệ thống thanh thép neo phía trên để chống tốc mái hoặc hệ thống thép hình (chữ L và I) để tăng khả năng chống tốc mái khi bão giật. Các tường thu hồi, mái chảy phải có lớp giằng bê tông cốt thép tại chỗ, có râu thép liên kết với xà gồ mái lợp để chống tốc mái. Các vách kính, ô cửa kính lớn phải có thanh thép liên kết chịu được gió bão từ cấp 9 trở lên. Các cửa đi, cửa sổ phải có các móc, chốt hãm, tránh gió thổi gây va đập vào tường, làm hư hỏng. Hệ thống thoát nước mái phải có rọ chắn rác, lá cây rụng và thường xuyên làm vệ sinh máng, sê-nô mái, ống thoát nước. Hệ thống cấp điện hạ thế nên sử dụng dây cáp có vỏ bọc nhựa, không dùng dây trần và sử dụng các cột dạng tròn (cột ly tâm), hạn chế và thay thế dần các cột điện chữ H.

Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị trước mùa mưa, bão.

Trước hết, cần kiểm tra nhà cửa, kho tàng, đường dây điện, cây cối, vườn rau, ao cá, chuồng trại chăn nuôi. Kiểm tra toàn bộ doanh trại (đặc biệt nhà cấp 4, nhà tạm) về mái nhà, các giằng chống bão, lốc; nếu hư hỏng, chưa có hoặc đã có nhưng chưa bảo đảm phải bổ sung, sửa chữa ngay. Những nhà lợp bằng mái tôn, phi brô xi măng hoặc nhà cấp 4, nhà tạm, có thể tăng cường các thanh nẹp bằng thép hoặc tre, luồng, dùng dây thép 3-5 mm đan ô vuông 1mx1m, buộc các bao cát từ 5-10 kg/bao đặt so le đè trên các mối thép ly đan ô vuông trên mái nhà để chống tốc mái. Kiểm tra hệ thống chống sét nhà kho, khu kỹ thuật, nhà ở bộ đội... đảm bảo đạt tiêu chuẩn kỹ thuật (chú ý những khu vực quan trọng, như kho xăng dầu, quân nhu...); nếu các dây dẫn bị han gỉ, đứt chân thì phải củng cố, sửa chữa ngay. Kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa, củng cố các then cài, ốc vít, bản lề bảo đảm chắc chắn, đóng chặt khi có bão, lốc. Kiểm tra và khơi dọn sạch sẽ hệ thống thoát nước mưa trên mái, máng xối, cống rãnh, hố ga... giúp thoát nước dễ dàng khi mưa to.

Những công trình ở khu vực trũng hoặc đã xuống cấp, có nguy cơ sụp đổ, cần nhanh chóng di chuyển người, tài sản, trang thiết bị đến nơi an toàn. Các công trình đang sửa chữa hoặc đang xây dựng trong mùa mưa bão, lũ lụt, phải che đậy các loại vật liệu dễ bị nước cuốn trôi, thấm nước; có biện pháp chống sập đổ, chống bay (rơi) vật liệu gây mất an toàn. Các trang bị trong nhà, như: giường, tủ, bàn ghế... cần dự kiến di chuyển hoặc kê xếp, chằng buộc chu đáo khi bão, lốc làm sập trần, tốc mái, ngập lụt...

Đối với nhà kho hàng hóa, khu kỹ thuật, cầu cảng, cần kiểm tra kỹ, kịp thời sửa chữa, bổ sung hệ thống chống sét, các giằng mái nhà, cửa, ốc vít, then cài... Các nhà kho chứa hàng cần che kín mái, xung quanh tường và cửa. Các loại hàng hoá dễ ẩm ướt, thấm nước, như thuốc men, quân trang... phải có giấy dầu hoặc ni lon để che đậy kỹ, tùy theo yêu cầu bảo quản. Các loại hàng kim loại phải dùng dầu mỡ phủ 1 lớp bên ngoài để chống nước mưa hắt và chống nước mưa ăn mòn. Có kế hoạch di chuyển những vật tư, hàng hoá, trang bị, phương tiện ở những khu nhà kho có nguy cơ sập đổ, ngập úng.

Chú ý kiểm tra cột điện và các đường dây điện, nếu có hiện tượng chùng chập, rò điện hoặc các cột điện có hiện tượng sắp gẫy đổ, phải sửa chữa ngay. Với những cột điện góc ngã 3 hoặc cuối đường dây, cần kiểm tra kỹ các dây néo, kịp thời có biện pháp gia cố bổ sung. Phân công người phụ trách hệ thống điện hạ thế để khi cần thiết có thể cắt điện được ngay. Chặt bớt những cành, tán to, các cây có nguy cơ gẫy, đổ; các cây to gần nhà ở, đường điện, trạm biến thế phải chặt bỏ.

Những vườn rau, củ, quả đến kỳ thu hoạch phải tổ chức thu hoạch và có kế hoạch bảo quản, sử dụng hợp lý. Những vườn rau, củ quả còn non cần che đậy cẩn thận, tránh dập nát, hư hỏng. Các ao cá phải tổ chức be bờ và khơi thông các cống, rãnh thoát nước, có lưới hoặc đăng che chắn tránh ngập, tràn. Chuồng trại gia súc, gia cầm phải che chắn, khơi thông cống rãnh, tránh ngập úng; nếu chuồng trại ở khu vực trũng thấp, dễ bị ngập úng cần di chuyển gia súc, gia cầm đến vị trí an toàn; chuẩn bị đủ lượng thức ăn trong những ngày mưa bão.

Đặc biệt, cần thường xuyên duy trì đủ quân số trực theo quy định, sẵn sàng cơ động phương tiện ra khỏi khu vực nguy hiểm. Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của xe máy, tàu thuyền và các trang bị kèm theo trước khi tránh bão (các tàu cần bổ sung đủ cơ số nhiên liệu, lương thực, thực phẩm theo tàu phục vụ phòng, chống bão; khi có lệnh đưa tàu thuyền ra neo đậu tại các khu vực quy định; riêng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển cần nhanh chóng tìm nơi neo đậu bảo đảm an toàn).

Ba là, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang bị thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão, lụt.

Tổ chức lực lượng, phương tiện, trang bị PCLB -TKCN theo các phương án trong kế hoạch của đơn vị. Tăng cường các kíp trực và lực lượng trực bảo đảm 24/24h. Củng cố, nâng cấp hệ thống thông tin - liên lạc, có phương án bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống. Chuẩn bị đầy đủ lượng lương thực, thực phẩm dự trữ, chủ yếu là các loại lương khô, mì tôm... Tăng cường dự trữ nước sạch, đề phòng nguồn nước bị nhiễm bẩn khi ngập lụt. Chuẩn bị sẵn đèn nạp, ắc quy, đèn pin, nến sáp... để bảo đảm ánh sáng.Thường xuyên theo dõi diễn biến bão, lụt qua các phương tiện thông tin đại chúng và chỉ đạo của cấp trên; chủ động phối hợp, hiệp đồng PCLB -TKCN với các đơn vị bạn, chính quyền địa phương nơi đóng quân.

Trong và sau khi xảy ra mưa bão, lũ lụt, cần tổ chức theo dõi, nắm chắc diễn biến qua thông báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương và chỉ đạo của trên, kịp thời thông báo, chỉ huy, chỉ đạo đơn vị triển khai thực hiện. Kiểm tra, đôn đốc việc PCLB -TKCN của các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang bị sẵn sàng tham gia ứng cứu theo điều động của cấp trên. Riêng đối với các đơn vị tàu, thuyền, cần tổ chức canh trực đầy đủ, đúng nguyên tắc; nổ máy thường trực (máy phụ); tuỳ theo cấp độ của bão khi cần thiết phải nổ máy chính để chống bão theo các phương pháp phòng tránh bão.

Đặc biệt, cần tổ chức lực lượng, phương tiện, trang bị kịp thời xử trí các tình huống do mưa bão gây ra. Người, phương tiện nếu không trực tiếp tham gia PCLB -TKCN thì không được rời vị trí thường xuyên; không cho bộ đội tắm mưa tránh xảy ra tai nạn. Nhanh chóng ổn định chỗ ăn, ở, sửa chữa khắc phục kịp thời những thiệt hại về nhà ở, doanh cụ, điện nước, vườn rau, ao cá...; bảo đảm tốt đời sống, sinh hoạt, sức khoẻ cho bộ đội. Tổ chức tổng vệ sinh trong khu vực đóng quân; hiệp đồng với chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân phun thuốc diệt ruồi, muỗi, khai thông cống rãnh, đường sá, bảo đảm đủ nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt bộ đội. Những trang thiết bị, vật tư kỹ thuật, nguyên liệu, doanh cụ... bị ẩm ướt phải tổ chức phơi sấy, lau chùi để đưa vào sử dụng. Kiểm tra, thống kê, đánh giá số lượng, chất lượng các vật tư, trang thiết bị hư hỏng, mất mát, lập biên bản báo cáo cấp trên. Thu hồi các loại trang bị, phương tiện PCLB -TKCN và tổ chức bảo dưỡng, bảo quản để dùng cho những lần sau, năm sau. Tổ chức rút kinh nghiệm về công tác PCLB -TKCN; kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ PCLB -TKCN, phê bình, kiểm điểm những tập thể, cá nhân chưa thực hiện tốt...  

Mong rằng, những giải pháp đề xuất trên đây sẽ được các cơ quan, đơn vị tham khảo nghiên cứu, vận dụng phù hợp đặc điểm, nhiệm vụ được giao, thực hiện có hiệu quả công tác PCLB -TKCN năm 2012 và những năm tiếp theo.

Thượng tá Đỗ Thanh Sơn (Bộ Tham mưu TCHC)