Thực hiện chủ trương của Bộ và Tổng cục Hậu cần về việc đầu tư kinh phí xây dựng trạm xay xát, chế biến tập trung các sư đoàn bộ binh đủ quân, tạo điều kiện cho đơn vị chủ động nguồn lương thực, thực phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý, góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội; năm 2014, Đề án xây dựng trạm xay xát, chế biến tập trung Sư đoàn 324 được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép triển khai, với tổng mức đầu tư là 15,2 tỷ đồng, từ nguồn vốn quốc phòng thường xuyên, thời gian thực hiện trong 2 năm (2014-2015). Trong đó, kinh phí mua sắm trang bị, lắp đặt dây chuyền xay xát thóc 1,71 tỷ đồng; sản xuất đồ hộp 1,38 tỷ, chế biến thức ăn gia súc 0,84 tỷ; máy ép củi, trấu 0,48 tỷ; nước uống tinh khiết 72 triệu đồng, còn lại là kinh phí xây dựng hệ thống nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn, cơ sở hạ tầng và chi phí tư vấn đầu tư, quản lý dự án. Để tạo điều kiện cho Trạm chủ động trong việc hoạt động, Sư đoàn cho ứng 500 triệu đồng làm vốn lưu động.
Trạm được xây dựng trong khu vực trường bắn của Sư đoàn; biên chế gồm 25 đồng chí (1 sĩ quan, 6 quân nhân chuyên nghiệp và 18 chiến sĩ) do đồng chí Trợ lý Quân lương (thuộc Ban Quân nhu) trực tiếp chỉ huy, điều hành. Sau khi có quyết định tổ chức biên chế, Sư đoàn cử cán bộ của Trạm đi học hỏi kinh nghiệm tổ chức xay xát, sản xuất đồ hộp của Quân đoàn 3 kết hợp với tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật vận hành do doanh nghiệp lắp đặt chuyển giao công nghệ. Các đồng chí quân nhân chuyên nghiệp được bố trí làm trưởng bộ phận xay xát; chế biến cá hộp, thịt hộp; sản xuất nước tinh khiết đóng chai; giết mổ lợn, làm đậu phụ; sản xuất trấu, mùn cưa ép...
Một góc dây chuyền sản xuất thịt hộp, cá hộp.
Dây chuyền xay xát thóc của Sư đoàn.
Sư đoàn thành lập Ban Quản lý Dự án và ký hợp đồng với Công ty xây dựng Hưng Phúc (Nghệ An) chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng dân dụng xây dựng hệ thống nhà xưởng; nhà ở, nhà ăn cán bộ, nhân viên và các công trình phụ trợ khác. Tháng 6/2015, dự án hoàn thành, các dây chuyền chính thức đi vào hoạt động. Sư đoàn ký hợp đồng mua hệ thống máy xay xát của Công ty cơ khí máy nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (Thành phố Hồ Chí Minh), là cơ sở có trên 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Dây chuyền hoạt động liên hoàn, công suất 1,2 tấn/h, khép kín từ khâu nhận thóc, xay xát, phân tách riêng gạo, tấm, cám. Nguồn thóc bảo đảm cho xay xát được Sư đoàn khai thác tại Nghệ An, Thanh Hóa và Hà Tĩnh (chủ yếu là Nghệ An). Chuẩn bị vào vụ thu hoạch, Ban Quân nhu cử cán bộ tới một số địa phương thông báo thu mua thóc với bà con nông dân theo các chỉ tiêu cụ thể về cảm quan, độ ẩm, loại thóc và thanh toán bằng tiền mặt. Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho xay xát, Sư đoàn cho phép mua dự trữ thường xuyên 300 tấn. Giá thu mua do Hội đồng giá Sư đoàn quyết định trên cơ sở tham khảo thông báo giá của Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Nghệ An và giá thực tế thị trường tự do trên địa bàn. Vì vậy, giá thóc thu mua rẻ do không phải chịu chi phí lưu kho, bảo quản và các chi phí gián tiếp khác. Hằng tháng, Trạm bố trí thời gian xay xát khoảng 20-23 ngày, đảm bảo đủ 100% nhu cầu gạo ăn trong tháng; số ngày còn lại nghỉ vệ sinh, bảo dưỡng công nghiệp. Căn cứ tổng hợp nhu cầu của các đơn vị, Hậu cần Sư đoàn tổ chức vận chuyển cấp trực tiếp xuống từng bếp ăn trong Sư đoàn (2 lần/tháng), giao nhận theo hình thức tay ba (Quân nhu Sư đoàn, trung đoàn và phân đội). Các sản phẩm phụ như trấu được ép thành chất đốt; cám được phối trộn với một số làm nguyên liệu khác (bột ngô, bột cá và các loại vi chất) để sản xuất thức ăn gia súc.
Về dây chuyền sản xuất đồ hộp do Công ty Thiết bị công nghệ VPM (Thành phố Hà Nội) là doanh nghiệp chuyên thi công các dây chuyền sản xuất đồ hộp thực phẩm lắp đặt và chuyển giao công nghệ. Nguồn lợn hơi để sản xuất thịt hộp do các đơn vị trong Sư đoàn nhập về Trạm theo kế hoạch của Ban Quân nhu. Riêng cá biển (cá thu, cá nục) để làm cá hộp, Ban Quân nhu Sư đoàn ký hợp đồng với đại lý thu mua ở Diễn Châu vận chuyển đến đơn vị. Các sản phẩm đồ hộp (kể cả nước uống đóng chai tinh khiết) đều được Sở Y tế tỉnh Nghệ An kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và cho phép sản xuất, lưu hành. Hiện nay, Sư đoàn chỉ sử dụng đồ hộp thực hiện ăn đổi món (2 bữa/tuần) và bảo đảm phục vụ bộ đội trong diễn tập, hoạt động ngoài doanh trại, thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão lụt, cháy rừng, tìm kiếm cứu hộ-cứu nạn…Đối với dây chuyền máy ép mùn cưa có trị giá 400 triệu đồng, ép trấu 80 triệu, tổng công suất 250-300kg thành phẩm/h. Nguyên liệu mùn cưa được Sư đoàn mua ngoài thị trường tại các cơ sở chế biến gỗ; trấu tận dụng từ nguồn xay xát, đảm bảo đủ nguyên liệu cho 2 dây chuyền hoạt động, cung cấp 100% nhu cầu chất đốt cho các bếp trong toàn Sư đoàn (trừ Trung đoàn 3 có máy ép riêng, Sư đoàn không bảo đảm). Trạm còn được đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất nước uống tinh khiết đóng bình loại 20 lít và chai 0,5 lít, năng lực sản xuất 100.000 lít/tháng, bảo đảm các các đơn vị phục vụ bộ đội huấn luyện ngoài thao trường, các hội nghị, hội thi, hội thao, uống thường xuyên… Ngoài các dây chuyền nói trên, Trạm còn tổ chức một bộ phận chuyên giết mổ lợn, làm đậu phụ và giò nạc, đảm bảo cho các bếp ăn phân đội trực thuộc và khối cơ quan Sư đoàn bộ.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trạm xay xát, chế biến tập trung của Sư đoàn hoạt động ổn định, đảm bảo đủ nhu cầu gạo ăn, chất đốt, nước uống và một số loại thực phẩm chính (trừ rau xanh) cho các bếp ăn. Đặc biệt, giá sản phẩm thấp hơn so với thị trường trên địa bàn đóng quân trong cùng thời điểm (do tổ chức thu mua vào thời điểm giá hạ, khai thác tận gốc và chỉ hạch toán chi phí vận chuyển, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, thiết bị vào giá thành, không tính lãi). Cụ thể: giá gạo đưa vào ăn bình quân 10.600 đ/kg (trong khi giá thị trường là 11.200 đ/kg); tương tự, thịt hộp loại 450g (39.000/50.000 đ/hộp), cá hộp loại 450g (26.000/35.000 đ/hộp); trấu, mùn cưa ép (1.700/2.100 đ/kg); nước uống tinh khiết (500/1.000 đ/lít); thịt lợn xô lọc (60.000/65.000 đ/kg); đậu phụ (10.000/13.000 đ/kg); giò nạc (92.000/100.000 đ/kg)… Nhờ đó, chất lượng bữa ăn hằng ngày của bộ đội được nâng lên rõ rệt. Qua các lần kiểm tra mới đây, Quân khu, Cục Quân nhu và Tổng cục Hậu cần đều đánh giá cao về hiệu quả hoạt động của mô hình này.
Để tiếp tục phát triển mô hình này, Sư đoàn đề nghị cấp trên đầu tư kinh phí kết hợp với nguồn vốn của đơn vị, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô 300-500 con lợn thịt; 20-30 con lợn nái; 100-120 con trâu, bò; 2.000 con gà thịt. Cải tạo và đào mới ao nuôi thả cá nước ngọt. Xây dựng kho lạnh có khả năng bảo quản được 10-15 tấn cá nguyên liệu phục vụ chế biến cá hộp… nhằm khai thác tối đa công suất thiết bị và chủ động nguồn thực phẩm phục vụ sản xuất, chế biến.
Bài, ảnh: HỒNG TRANG