Vừa qua, Học viện Quốc phòng được Bộ Quốc phòng (BQP) chọn là 1 trong 3 đơn vị triển khai thí điểm Đề án chăm sóc sức khỏe (CSSK) quân nhân tại ngũ theo hình thức bảo hiểm y tế (BHYT). Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, Đề án đã thu được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng CSSK cán bộ, giảng viên, nhân viên, học viên, chiến sĩ trong Học viện. 

Tích cực triển khai đề án

Thực hiện Chỉ thị số 709-CT/QUTW ngày 28/11/2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Quyết định số 4664/QĐ-BQP ngày 28/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Học viện Quốc phòng được lựa chọn là 1 trong số 3 đơn vị triển khai Đề án thí điểm CSSK quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT từ ngày 01/12/2012 đến ngày 31/12/2013. Ngay sau khi nhận được Chỉ thị của Thường vụ Quân uỷ Trung ương và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Ban Giám đốc Học viện đã xác định chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc; thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chính ủy làm trưởng ban; xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án thí điểm phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của Học viện; làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Đề án chặt chẽ, đúng quy định. Đã chủ động phối kết hợp với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) BQP tổ chức quán triệt Chỉ thị, Quyết định của trên và hướng dẫn triển khai thực hiện chi tiết, cụ thể các nội dung Đề án cho toàn thể cán bộ, nhân viên của Học viện. Thường xuyên chủ động tổ chức tuyên truyền, quán triệt, giáo dục bằng nhiều hình thức. Sau sơ kết 6 tháng và 1 năm làm thí điểm, Học viện đã tập trung làm rõ những vấn đề vướng mắc nảy sinh để tìm cách tháo gỡ và đề xuất, kiến nghị lên cấp trên giải quyết. Qua đó, cán bộ, giảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, hạ sỹ quan - chiến sỹ toàn Học viện nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu của Đề án CSSK từ đó tích cực tham gia, ủng hộ.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Quá trình triển khai thực hiện Đề án, Học viện có những thuận lợi cơ bản là: Nhiệm vụ chính trị của Học viện ổn định, quân số không đông, chủ yếu là cán bộ cao cấp; vị trí đóng quân tại trung tâm Thủ đô, gần các bệnh viện lớn của Quân đội và dân sự, vì vậy rất thuận lợi cho chuyển tuyến chuyên môn. Học viện có một bệnh xá được trang bị tương đối tốt, đội ngũ bác sỹ điều trị được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn vững. Đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y nhiệt tình, tận tụy với người bệnh. Công tác CSSK, khám chữa bệnh (KCB) cho quân nhân, nhất là cán bộ cao cấp trong những năm qua được Học viện tổ chức chặt chẽ, chu đáo, có nền nếp.

Bên cạnh đó, Học viện cũng gặp một số khó khăn, đó là: thời gian chuyển đổi sang cơ chế bảo đảm mới gấp, hệ thống văn bản hướng dẫn chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và giữa các cơ sở KCB quân, dân y có lúc, có nơi chưa tốt nên gây khó khăn nhất định cho việc CSSK, KCB của quân nhân. Quá trình thực hiện Đề án ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm, nhất là sử dụng phần mềm tin học, vì vậy, trong tổ chức thực hiện có lúc, có việc còn lúng túng. Công tác cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ cho KCB có thời gian còn gặp khó khăn do kinh phí đến chậm. Ngoài ra, KCB cho quân nhân theo chế độ BHYT là một phương thức hoàn toàn mới, có sự thay đổi về chế độ, quyền lợi, thủ tục khám, chữa bệnh và bảo đảm tài chính... nên đã tác động đến tư tưởng, tình cảm, thói quen của quân nhân. Nhất là Học viện có số cán bộ cao tuổi nhiều, số đồng chí mắc bệnh hiểm nghèo, mắc bệnh mãn tính phải điều trị khá đông. Trước đây, khi thực hiện KCB theo hình thức cũ, các đối tượng này được sự ưu tiên, ưu đãi theo chế độ và được sự quan tâm chăm sóc của quân y đơn vị. Thực hiện theo chế độ mới, do các bước triển khai thực hiện gấp, chưa đồng bộ nên khi đi khám bệnh ở một số bệnh viện, còn gặp nhiều thủ tục hành chính rườm rà; phải xếp hàng chờ đợi đến lượt khám, trong khi một số chế độ ưu đãi điều trị không còn, nên gây ra một số ý kiến bức xúc, bất bình. Một số ít ý kiến cho rằng chất lượng chữa bệnh theo hình thức mới thấp hơn.

Sau Hội nghị rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Đề án 6 tháng đầu năm 2013, trên cơ sở kết luận của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Thành Cung, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và kinh nghiệm từ các đơn vị bạn, Ban chỉ đạo của Học viện đã triển khai tập trung vào việc tiếp tục nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, quán triệt sâu sắc hơn để quân nhân toàn Học viện có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn, thấy rõ xu hướng tất yếu và tính ưu việt của hình thức BHYT, tạo sự đồng thuận ngày càng cao với chủ trương  của Thường vụ Quân uỷ Trung ương và BQP. Tổ chức phân công nhiệm vụ, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, cá nhân; chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá đúng thực chất những mặt tích cực, hạn chế của Đề án, kịp thời rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Chủ động bám sát sự chỉ đạo của BHXHBQP để giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc. Tiếp tục bồi dưỡng cho các cơ quan chuyên môn, nhất là hệ thống quân y; tập trung nâng cao tinh thần trách nhiệm và y đức cho đội ngũ y, bác sỹ.

Hiệu quả bước đầu của dự án

Qua một năm thực hiện Đề án, Học viện Quốc phòng đã đạt được một số kết quả nổi bật là: Công tác CSSK, KCB cho quân nhân vẫn được bảo đảm tốt, có một số mặt được bảo đảm tốt hơn. Quá trình thực hiện Đề án không ảnh hưởng đến các hoạt động của đơn vị, không gây xáo trộn và không tạo “khoảng trống” trong việc CSSK, KCB cho bộ đội. Đến nay, nhận thức của quân nhân đã có bước chuyển quan trọng, đầy đủ hơn về những ưu điểm của Đề án, nhất là những cán bộ mắc bệnh phải chuyển viện điều trị, trường hợp mắc bệnh mãn tính ... Hầu hết các quân nhân đã thay đổi căn bản tư duy về nơi đăng ký KCB ban đầu, không còn tư tưởng nhất thiết phải đăng ký ở các bệnh viện lớn, mà lựa chọn địa điểm thuận lợi nhất. Một ưu điểm nữa, đó là quân nhân được hưởng thụ quyền lợi cao hơn, đầy đủ hơn, được tiếp cận các kỹ thuật y tế hiện đại trong hệ thống quân, dân y; có quyền lựa chọn nơi KCB phù hợp với bệnh lý và thuận lợi trong đi lại. Đối với những quân nhân mắc các bệnh mãn tính phải theo dõi, điều trị hàng tháng như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, rối loạn chuyển hóa nếu đăng ký KCB ban đầu ở Bệnh xá Học viện thì không mất thời gian đi khám, kiểm tra ở các bệnh viện, thuốc điều trị bệnh bảo đảm đủ, chất lượng tốt, tiết kiệm được thời gian. Trường hợp phải cấp cứu hoặc mắc các bệnh cần chuyển các viện chuyên khoa đầu ngành của dân y, thủ tục nhanh, gọn, điều trị hiệu quả, thanh toán theo chế độ bảo hiểm đúng quy định. (Năm 2013, Học viện có 4 trường hợp chuyển Bệnh viện Phụ sản, Bạch Mai, Bệnh viện Thể thao đều được tiếp nhận điều trị theo chế độ bảo hiểm, tất cả đều nhận xét CSSK theo hình thức mới là ưu việt).

Thực hiện Đề án, kinh phí bảo đảm cho KCB dồi dào hơn, đơn vị được chủ động bảo đảm thuốc theo đúng cơ cấu bệnh tật, chất lượng thuốc tốt hơn. Kinh phí bảo đảm cho KCB ban đầu nếu chi không hết, kết dư được sử dụng để mua sắm thêm trang thiết bị y tế phục vụ CSSK bộ đội, qua đó, nâng cao chất lượng khám, điều trị tại bệnh xá của Học viện. Ngoài ra, thực hiện Đề án đã tạo điều kiện tăng thu nhập chính đáng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên quân y bằng tiền thù lao KCB mà trước đây không có. Đồng thời, giúp cho các bác sỹ tuyến bệnh xá có điều kiện khám, theo dõi, điều trị bệnh nhân nhiều hơn trước đây, góp phần củng cố nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Những chủ trương, biện pháp thực hiện đề án trong thời gian tới

Sau 1 năm làm thí điểm, BQP đã tiến hành hội nghị rút kinh nghiệm; Thường vụ Quân uỷ Trung ương đã kết luận nhất trí chủ trương đưa Quân đội vào đối tượng điều chỉnh của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT theo Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 22/3/2014 của Chính phủ. Là đơn vị được chọn tiếp tục làm điểm thực hiện Đề án từ ngày 01/7 đến 30/12/2014, Học viện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao trước hết là các cấp uỷ, chỉ huy, đội ngũ quân y và toàn thể quân nhân. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao trình độ, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện cho đội ngũ cán bộ tham gia Đề án, nhất là bồi dưỡng kiến thức pháp luật về BHYT và khai thác, sử dụng phần mềm tính toán BHYT. Các thành viên Ban chỉ đạo, cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, kiểm tra, phát hiện những thiếu sót, tồn tại, kịp thời có chủ trương, biện pháp nhằm bảo đảm tốt công tác CSSK, KCB cho quân nhân. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan làm tốt công tác chuẩn bị, phối hợp nhịp nhàng, triển khai thực hiện chặt chẽ, đúng hướng dẫn của trên. Thường xuyên trao đổi thông tin, phản ánh kịp thời những khó khăn, vướng mắc với các cơ quan chức năng có liên quan của BQP để phối hợp giải quyết.

Thí điểm CSSK quân nhân tại ngũ theo hình thức BHYT là việc hoàn toàn mới, đòi hỏi sự đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến cách thức quản lý, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng, của cơ sở y tế cả trong và ngoài quân đội. Để Đề án được thực hiện hiệu quả, chúng tôi đề nghị BHXHBQP cần phối hợp chặt chẽ với Cục Quân y, Cục Tài chính trong chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung các nội dung còn vướng mắc. Sau đợt làm điểm này cần tổ chức đánh giá đúng tác động của Đề án đối với chất lượng CSSK, KCB của quân nhân, nhất là các đơn vị mới được lựa chọn làm điểm, các đơn vị đặc thù, trên cơ sở đó đề xuất chính sách, định mức chế độ tiêu chuẩn phù hợp với đặc thù hoạt động quân sự nhằm nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ bộ đội, bảo đảm được tỷ lệ quân số khoẻ phù hợp với hình thức BHYT. Cần nghiên cứu cơ chế, chính sách ưu đãi đối với quân nhân tại chức khi đi KCB tại các cơ sở y tế quân đội, nhất là đối với các cán bộ cao cấp, là lãnh đạo, chỉ huy đơn vị. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hơn nữa, đảm bảo phát triển kỹ thuật và năng lực cung ứng dịch vụ KCB cho các cơ sở khám, chữa bệnh quân y phù hợp với nhu cầu hiện nay.

Thiếu tướng BÙI VĂN TÂM (Phó Chính ủy Học viện Quốc phòng)