Bằng việc đầu tư xây dựng Nhà máy xay xát thóc, với biên chế tổ chức hợp lý, gần 20 năm qua, ngành Hậu cần Quân đoàn 4 đã chủ động cung ứng 100% nhu cầu gạo chất lượng tốt cho các bếp ăn trong Quân đoàn và thu lãi hàng tỷ đồng mỗi năm từ nguồn bán sản phẩm phụ.
Do yêu cầu, nhiệm vụ, hầu hết các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 đóng quân ở khu vực trọng điểm kinh tế phía Nam, các thành phố, thị xã, khu công nghiệp... Tại đây, giá lương thực thường cao hơn nhiều so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Để chủ động khai thác nguồn lương thực bảo đảm cho các bếp ăn trong toàn Quân đoàn, ngay từ cuối năm 1991, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh đã mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng, xây dựng Cơ sở xay xát thóc tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ để tổ chức thu mua lúa, xay xát thóc tập trung cung cấp gạo ăn cho các đơn vị. Cơ sở xay xát được trang bị dây chuyền công suất 2,5 tấn/h, bố trí sát bờ sông Ô Môn và gần đơn vị vận tải thủy của Quân đoàn, tổng diện tích hơn 3.000 m2. Thời gian đầu đi vào hoạt động, do quy mô nhỏ, trang bị, phương tiện còn hạn chế nên số lượng, chất lượng gạo không đáp ứng được nhu cầu cung cấp cho các bếp ăn ổn định, lâu dài. Vì vậy, năm 1997, Quân đoàn tiếp tục đầu tư 4,3 tỷ đồng, nâng cấp thành Nhà máy xay xát, lắp đặt hệ thống xay xát hiện đại, với 2 dây chuyền liên hoàn, công suất 5 tấn/h, và củng cố lại 2.500m2 nhà kho, nhà xưởng. Hệ thống xay xát vận hành tự động hóa hoàn toàn từ khâu chuyền thóc nguyên liệu đến xát, tách tự động ra gạo thành phẩm, trấu, tấm và cám riêng rẽ. Năm 2015, Quân đoàn đầu tư 90 triệu mua cân tự động đóng bao thành phẩm, bảo đảm chính xác tuyệt đối. Hiện nay, Nhà máy được biên chế 3 đồng chí (gồm chỉ huy, kế toán, thủ kho) và 1 công nhân kỹ thuật hợp đồng; đặt dưới sự chỉ đạo, quản lý của Cục Hậu cần; Phòng Quân nhu chịu trách nhiệm trực tiếp về hướng dẫn chuyên môn. Ngoài biên chế nói trên, Nhà máy được phép vận dụng ký hợp hợp đồng thuê nhân công tại địa phương theo thời vụ để đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ được giao.
Hệ thống máy xay xát liên hoàn của nhà máy. Ảnh CTV.
Hằng năm, vào vụ lúa Đông Xuân (từ tháng 2 đến tháng 3 Dương lịch), sản lượng thóc thu hoạch nhiều, chất lượng gạo tốt và rẻ hơn các vụ khác từ 7-10%, Quân đoàn tiến hành thu mua từ 2.200-2.500 tấn thóc dự trữ cho việc xay xát. Để việc thu mua thóc đảm bảo chặt chẽ, hạn chế thất thoát, lãng phí hoặc tiêu cực, Quân đoàn tổ chức Hội đồng thu mua do chỉ huy Cục Hậu cần chủ trì, thành viên là đại diện các cơ quan tài chính, quân nhu, tham mưu, chính trị... Hội đồng có chức năng khảo sát giá thị trường và quyết định giá thu mua phù hợp nhất. Căn cứ vào số lượng thóc và giá thu mua, tài chính Quân đoàn sẽ chuyển tiền cho Nhà máy để chi trả cho các cơ sở, đại lý cung ứng và người bán. Thóc nhập kho được kiểm tra chất lượng bằng phương pháp cảm quan kết hợp với sử dụng máy đo độ ẩm; được kê xếp các kệ gỗ pallet, ghi rõ chủng loại, số lượng, độ ẩm, ngày tháng, thuận tiện cho việc theo dõi, đảo xáo và tổ chức xay xát.
Căn cứ nhu cầu gạo của các đơn vị và kế hoạch hằng tháng do Cục Hậu cần gửi xuống, Nhà máy tổ chức xay xát trong 15-20 ngày (khoảng 250 tấn gạo thông thường). Những ngày không tổ chức xay xát, thì tiến hành vệ sinh công nghiệp, lau chùi, bảo dưỡng kỹ thuật máy móc, dây chuyền sản xuất... Sau nhiều năm nghiên cứu, hiện nay, Phòng Quân nhu đã xây dựng hoàn chỉnh định mức sản xuất, tỷ lệ thu hồi sản phẩm (gạo, tấm, cám…) cho mỗi loại thóc theo từng mùa vụ làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát và thanh quyết toán. Để tận dụng hoạt động của lực lượng vận tải, Bộ Tư lệnh cho phép Cục Hậu cần sử dụng lực lượng vận tải thủy với 2 tàu công suất 130 tấn/tàu, vận chuyển gạo từ Nhà máy về bến tàu thủy ở Tân Cảng (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó sử dụng lực lượng vận tải ô tô của Quân đoàn tiếp chuyển cấp cho từng bếp ăn theo lịch trình mỗi tháng hai lần. Quá trình vận chuyển cả đường thủy và đường bộ đều có cán bộ quân nhu giám sát chặt chẽ trong suốt hành trình từ khi bốc xếp lên phương tiện đến khi giao hàng về tận bếp ăn các đơn vị. Với cách làm này, thời gian gạo lưu kho tại các bếp ăn không quá một tháng, do đó luôn đảm bảo tốt về chất lượng, không để xảy ra hiện tượng hao hụt, mất mát hoặc hư hỏng.
Do có biện pháp tổ chức hạch toán sản xuất hợp lý, chặt chẽ, chính xác, xây dựng các định mức sát với thực tế nên giá gạo đưa vào bữa ăn hàng ngày của bộ đội luôn ổn định, rẻ hơn so với thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và quy định của Bộ từ 8-12% trong cùng thời điểm. Ngoài chi khấu hao máy móc, thiết bị (bình quân từ 500-700 triệu đồng/năm), Nhà máy còn nộp lãi cho Quân đoàn gần 3 tỷ đồng/năm từ bán trấu, tấm, cám... Ngoài ra, hằng năm, Nhà máy còn trích từ 180-200 triệu đồng ủng hộ địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, tham gia quỹ khuyến học, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, các cháu học sinh học giỏi... góp phần thắt chặt mối đoàn kết quân dân trên địa bàn đóng quân. Với những đóng góp đó, Nhà máy đã được Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển giao thông nông thôn, giai đoạn 2010-2014; Bằng khen về thành tích đóng góp an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới năm 2014-2015.
NGUYỄN HỒNG