Từ ngày 18-19/5/2015, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Sơ kết PTTĐ “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”. Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến tham luận phản ánh sinh động các hoạt động thi đua của ngành Hậu cần toàn quân. Tạp chí Hậu cần Quân đội xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu để bạn đọc tham khảo, học tập.
* Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình - Phó Tư lệnh Quân khu 7:
Kết hợp phát huy nội lực với tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp
5 năm qua, PTTĐ “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy” trên địa bàn QK 7 có bước phát triển mạnh mẽ. Thông qua PTTĐ, các đơn vị đã phát huy tốt nội lực kết hợp với tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Từ năm 2010-2015, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã hỗ trợ 2.734 tỷ đồng cho các hoạt động hậu cần của LLVT Quân khu. Nhờ đó, đến nay, 9/9 tỉnh, thành phố và 31/108 quận, huyện trên địa bàn Quân khu đã xây dựng hoàn chỉnh đề án quy hoạch căn cứ hậu cần-kỹ thuật với hàng chục ngàn héc-ta đất. Xây dựng và đưa vào sử dụng 1.080/1.338 trụ sở làm việc ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn. Cải tạo, nâng cấp hàng chục khu tăng gia sản xuất tập trung theo hướng công nghiệp, quy mô lớn.
 |
Mua sắm nhiều phương tiện vận tải, trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh, trang phục cho dân quân tự vệ và dự bị động viên... Từ thực tiễn triển khai PTTĐ, Quân khu 7 rút ra một số kinh nghiệm đó là: Phát huy sự đồng thuận, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nắm chắc thông tư liên Bộ Quốc phòng với các bộ, ngành Trung ương làm cơ sở để tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền trong huy động các nguồn lực, nhất là nguồn ngân sách, phù hợp với đặc điểm, tình hình, khả năng kinh tế của từng địa phương. Tranh thủ sự ủng hộ của các sở, ban, ngành trong từng lĩnh vực chuyên ngành tương ứng với Hậu cần Quân đội. Quản lý tốt và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ. Thường xuyên tổ chức sơ tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời; tổ chức tham quan, học tập giữa các đơn vị, địa phương; phổ biến những kinh nghiệm tốt, cách làm hay của các đơn vị; đồng thời nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong toàn Quân khu.
* Thiếu tướng Phạm Xuân Điệp-Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân:
Thông qua PTTÐ đã xuất hiện nhiều cách làm mới và hiệu quả trong bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
 |
QCHQ đã nghiên cứu, đề xuất triển khai phương thức bảo đảm hậu cần (BĐHC) cho tàu xuất phát nhanh, hoạt động dài ngày trên biển; tăng cường huấn luyện tiếp tế bổ sung lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc men, cấp cứu ngoại khoa trên biển, ăn ở dài ngày dưới hầm hào, công sự; tăng lượng dự trữ bảo quản thực phẩm tươi cho khối tàu, đảo, nhà giàn DK1. Phối hợp với Qk5, Qk7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng huấn luyện 260 lượt y, bác sỹ làm nhiệm vụ trên biển. Hậu cần Quân chủng đã chỉ đạo Vùng 2 và Vùng 4 tổ chức vận chuyển bảo đảm LTTP từ 2 đợt lên 4 đợt/năm bằng cách kết hợp giữa tàu vận chuyển vật chất chuyên dụng với các tàu trực, tàu thay quân…Do vậy, khối lượng thực phẩm tươi vận chuyển ra đảo nhiều hơn trước, giảm thời gian dự trữ gạo và thực phẩm đóng hộp, thực phẩm khô. Định lượng rau xanh tăng 74,3%; thịt lợn hơi tăng 300%. Số bữa ăn có rau xanh tăng từ 10-15% so với phương thức bảo đảm cũ (đảo chìm đạt 70%, đảo nổi đạt 85%, nhà giàn DK1 đạt 90%); số bữa ăn có thịt, cá tươi của đảo chìm đạt 80%, đảo nổi đạt 70%. Ngoài ra, Quân chủng đã thí điểm xây dựng chuồng nuôi lợn trên đảo Đá Tây, Sinh Tồn và Song Tử Tây đang phát triển tốt. Để tăng cường chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và ngư dân được tốt, Quân chủng đã đóng mới 01 tàu quân y, cải hoán 02 tàu vận tải để lắp đặt buồng phẫu thuật; trang bị dụng cụ y tế hiện đại như: máy siêu âm màu, máy thở…, các đảo trung tâm được trang bị hệ thống Telemedicine kết nối với Bệnh viện Quân y 175, tàu bệnh viện để hỗ trợ trong khám, cấp cứu, điều trị.
* Thiếu tướng Lê Việt Hòe - Phó Tư lệnh Quân chủng PK-KQ:
PTTÐ đã góp phần bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện bay và SSCÐ
 |
Bảo đảm hậu cần cho nhiệm vụ huấn luyện bay được Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng xác định là một nội dung quan trọng trong thực hiện PTTĐ; vì vậy, 5 năm qua, Quân chủng đã chỉ đạo ngành Hậu cần hướng PTTĐ làm tốt công tác này, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Quân chủng PK-KQ. Kết quả nổi bật là, nhiều sân bay được đầu tư nâng cấp, đủ điều kiện tiếp nhận các máy bay thế hệ mới, hiện đại. Đảm bảo đầy đủ, kịp thời, chất lượng tốt nhiên liệu, dầu mỡ đặc chủng cho nhiệm vụ bay. Các tiêu chuẩn, chế độ của phi công được đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Nơi ăn, ở, sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi của phi công được đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới, theo hướng cơ bản, chính quy. Công tác hàng y được duy trì thường xuyên và chặt chẽ... Nhờ đó, Hậu cần Quân chủng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cho các đợt diễn tập PK-KQ của Bộ; tổ chức ném bom, bắn đạn thật của các đơn vị PK-KQ; phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm chuyên cơ phục vụ các đồng chí lãnh đạo đảng, Nhà nước, Quân đội đi công tác.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác huấn luyện bay trong thời gian tới, Quân chủng đề nghị cấp trên đầu tư nâng cấp các đường băng, sân đỗ máy bay; nhà ở, khu huấn luyện thể lực cho phi công; hệ thống kho xăng dầu; khu hoá nghiệm xăng dầu. Đầu tư xây dựng cơ sở doanh trại, hậu cần- kỹ thuật đồng bộ với các vũ khí, phương tiện, khí tài mới.
* Đại tá Nguyễn Đông Tùng - Chính ủy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh:
Triển khai nhiều mô hình hậu cần mới và hiệu quả, góp phần đẩy mạnh PTTÐ
 |
Hưởng ứng PTTĐ “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy”, BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình như: Mô hình “Kết nghĩa công tác hậu cần giữa đơn vị tuyến núi với tuyến biển”; “Trồng rau trên cát, chế biến hải sản tại các đơn vị tuyến biển”; “Phát triển kinh tế trang trại ở đơn vị tuyến núi”; “Xây dựng doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp ở đồn biên phòng…”. Nhờ làm tốt việc xây dựng và nhân rộng các mô hình này, đến nay, hầu hết các đầu mối đơn vị đã được xây dựng cơ bản; hệ thống doanh trại từng bước được quy hoạch đúng quy định; vườn rau của tất cả các đồn biên phòng đều có mái che kiên cố, hệ thống phun tưới bán tự động. Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư của trên, đến nay, 100% đồn biên phòng có hệ thống tắm nước nóng phục vụ bộ đội vào mùa rét. Công tác kết hợp quân-dân y được quan tâm, đẩy mạnh. Hiện nay Bộ CHBĐBP tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp 06 phòng khám đa khoa KHQDY tại các xã biên giới; giúp bạn Lào xây dựng 01 trạm KHQDY có đầ y đủ phòng điều trị, các trang thiết bị như máy siêu âm; máy xét nghiệm với tổng số tiền trên 4,2 tỉ đồng. Ngoài ra, BĐBP tỉnh còn hỗ trợ 02 xã biên giới xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ 03 bản của tỉnh Khăm Muộn (Lào) xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội. Nhờ đó, thắt chặt tình cảm quân-dân và tình cảm láng giềng hữu nghị trên tuyến biên giới.
* Đại tá Đoàn Văn Nhạn -Phó Chỉ huy trưởng - Bộ CHQS tỉnh An Giang:
PTTÐ góp phần quan trọng giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới
 |
Tỉnh An Giang có đường biên giới tiếp giáp với 2 tỉnh Candal và TàKeo (Vương quốc Campuchia), có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Thời gian qua, cùng với việc làm tốt các mặt bảo đảm hậu cần, Bộ CHQS tỉnh tập trung hoàn thành việc xây dựng các công trình chiến đấu, chốt dân quân, đường ra chốt dân quân, chốt biên phòng trên tuyến biên giới; đầu tư xây dựng mới Trung đoàn bộ binh 892, nhà nghỉ sĩ quan độc thân, đội K93 và một số công trình khác, với tổng diện tích 124.855m2 nhà, kinh phí đầu tư 278,482 tỷ đồng. Đến nay, doanh trại các cơ quan, đơn vị cơ bản được xây dựng kiên cố, cải thiện nơi ăn, nghỉ, sinh hoạt, học tập phục vụ bộ đội. Công tác tăng gia, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh. Năm 2014, thu từ TGSX, trồng lúa và các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ bình quân đạt 9,25 triệu đồng/người, thiết thực cải thiện đời sống cán bộ, chiến sỹ. Công tác quân y đã duy trì tỷ lệ quân số khỏe đạt 99% trở lên; tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí cho trên 8.000 lượt người dân nghèo trên địa bàn và gần 5.500 lượt người dân Campuchia, tạo nên mối đoàn kết gắn bó, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới.
* Đại tá Lê Văn Thắng - Phó chỉ huy trưởng BCHQS tỉnh Bắc Giang:
Lựa chọn nội dung đột phá phù hợp để nâng cao hiệu quả PTTÐ
 |
Từ trước năm 2010, hầu hết cơ sở doanh trại thuộc các ban chỉ huy quân sự (CHQS) cấp huyện, thành phố (gọi tắt là huyện) thuộc Bộ CHQS tỉnh bị xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, ảnh hưởng đến việc hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Để góp phần thực hiện hiệu quả PTTĐ “Ngành HCQĐ làm theo lời Bác Hồ dạy”, Đảng uỷ, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh thống nhất ưu tiên tập trung đột phá vào việc cải tạo, nâng cấp, di chuyển, xây mới các ban CHQS cấp huyện. Được sự nhất trí của Ban Thường vụ, Đảng uỷ Quân sự tỉnh và Bộ Tư lệnh Quân khu, Bộ CHQS tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, nghị quyết về vấn đề này. Theo đó, nguốn vốn bố trí đầu tư cải tạo, nâng cấp ban CHQS cấp huyện theo tỷ lệ 50% ngân sách quốc phòng, 50% ngân sách địa phương; di chuyển, xây mới có tỷ lệ tương ứng là 20% và 80%. Trên cơ sở đó, Bộ CHQS tỉnh chủ động phối hợp với huyện uỷ, HĐND, UBND các huyện triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình: Cải tạo, nâng cấp ban CHQS cấp huyện có diện tích trên 1 ha; di chuyển, xây mới ban CHQS huyện có diện tích hẹp (dưới 1 ha) ra vị trí đóng quân mới; sau đó, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Quá trình trình triển khai, Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng, quản lý chặt chẽ các nguồn vốn kết hợp huy động công sức lao động của bộ đội; tập trung đầu tư dứt điểm từng đơn vị, không dàn trải. Từ 2010 – 2015, với tổng nguồn vốn 341 tỷ đồng (ngân sách nhà nước 97 tỷ, quốc phòng 64 tỷ, địa phương 180 tỷ), Bộ CHQS tỉnh đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, di chuyển, xây mới 5/10 huyện; theo kế hoạch, đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ bản cơ quan quân sự tỉnh và huyện. Những doanh trại đã hoàn thành và đưa vào sử dụng có diện tích rộng rãi, đảm bảo khang trang, chính quy, sạch, đẹp; góp phần cải thiện đáng kể điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, làm việc của bộ đội.
* Đại tá Nguyễn Đăng Khải - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 - Quân khu 2:
PTTÐ đã tạo được bước đột phá trong thực hành tiết kiệm xăng dầu
 |
Hưởng ứng PTTĐ của Ngành, những năm qua, Sư đoàn 316 đã triển khai toàn diện các nội dung, mục tiêu mà PTTĐ đề ra, trong đó, tập trung tạo bước đột phá trong công tác thực hành tiết kiệm, nhất là tiết kiệm xăng dầu. Trong 5 năm, mặc dù khối lượng bảo đảm lớn, nhiều nhiệm vụ đột xuất, địa bàn hoạt động rộng, song, Sư đoàn đã bảo đảm đầy đủ xăng dầu cho nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện chiến đấu và vận chuyển vật chất phục vụ diễn tập hàng năm. Trong đó, có những nhiệm vụ đột xuất như: bảo đảm xăng dầu cho cơ động lực lượng tham gia chữa cháy rừng Hoàng Liên Sơn (huyện Sa Pa-Lào Cai); giúp dân di dời vùng hồ thủy điện Sơn La năm 2013; khắc phục lũ quét, lũ ống tại xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Đặc biệt, đầu năm 2014, Sư đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo xăng dầu cho vận chuyển vật chất, lực lượng phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Cũng trong năm 2014, Sư đoàn còn được giao nhiệm vụ phục vụ đoàn tham quan hội nghị tập huấn xăng dầu toàn quân, được đánh giá là điểm sáng trong công tác xăng dầu cấp chiến thuật. Do làm tốt công tác quản lý, bảo quản, cấp phát, sử dụng nên trong 5 năm, Sư đoàn đã tiết kiệm được hơn 60.000 lít xăng dầu.