Bệnh viện 4, Quân đoàn 4 (sau đây gọi là Bệnh viện 4) đứng chân trên địa bàn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Bệnh viện có nhiệm vụ thu dung cứu chữa thương binh, bệnh binh cho các đơn vị thuộc Quân đoàn 4 và một số đơn vị khác trên địa bàn theo phân tuyến điều trị của Cục Quân y. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm thu dung cứu chữa cho quân đội, bệnh viện còn có nhiệm vụ thu dung cứu chữa cho nhân dân tại địa phương, trong đó có cán bộ, công nhân thuộc khu công nghiệp Sóng Thần.

Hiện tại Bệnh viện 4 có 350 cán bộ, nhân viên gồm 64 bác sĩ, 7 dược sĩ đại học, 4 cử nhân điều dưỡng, 220 nhân viên y tế trung cấp, sơ cấp và 55 cán bộ, nhân viên không chuyên môn y dược. Bệnh viện triển khai 450 giường bệnh với 12 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Trong 3 năm gần đây, Bệnh viện 4 đã trực tiếp thu dung cứu chữa nạn nhân của 11 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở các cơ sở sản xuất thuộc khu công nghiệp Sóng Thần, trong đó vụ nhiều người mắc nhất là 94 bệnh nhân (BN). Trong quá trình xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm, Bệnh viện 4 đã nghiên cứu xây dựng cơ số điều trị ngộ độc thực phẩm với 15 loại thuốc và các dụng cụ thiết yếu. Đặc biệt, ngày 27/9/2012, Bệnh viện 4 đã tiếp nhận và xử lý cấp cứu các công nhân bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại Công ty Hansoll Vina bao gồm 739 người, kết quả 100% công nhân khỏi bệnh và sau 3 ngày điều trị đều trở về công ty làm việc bình thường (tại thời điểm xử lý vụ ngộ độc này bệnh viện đang điều trị 330 BN, trong đó có 20 BN nặng).

Từ thực tiễn xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm có hàng loạt người mắc bệnh, chúng tôi trao đổi một số kinh nghiệm thu dung cứu chữa để các đồng nghiệp trong và ngoài quân đội nghiên cứu, tham khảo.

1. Tóm tắt quá trình thu dung và cứu chữa 739 trường hợp ngộ độc thực phẩm của Công ty Hansoll Vina:

- Ngày 27/9/2012, lúc 16 giờ 30 phút, công nhân ăn bữa chiều gồm 2 loại suất ăn: bún và chả cá (chủ yếu); cơm, thịt kho và rau muống luộc. Sau khi ăn khoảng 45 phút, hàng loạt công nhân xuất hiện các triệu chứng: chóng mặt, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, đau bụng, có người ngất xỉu. Lãnh đạo công ty lập tức thông báo cho Bệnh viện 4 biết và dự kiến sẽ có khoảng 1000 công nhân được đưa vào bệnh viện. Công ty đã tự huy động các loại phương tiện (xe cứu thương, xe tải, taxi…) vận chuyển nạn nhân về Bệnh viện 4 (quãng đường dài khoảng 2 km, thời gian 10 phút).

Sau khi nhận được thông báo của Công ty Hansoll Vina, trực chỉ huy bệnh viện cùng các kíp trực đã nhanh chóng triển khai một số công việc cụ thể sau:

- Sử dụng mạng thông tin nội bộ thông báo cho 5 khoa lâm sàng dồn dịch BN hiện có để sẵn sàng thu nhận số lượng lớn nạn nhân ngộ độc, đồng thời thông báo cho cán bộ nhân viên trong khu tập thể và ở nhà riêng gần bệnh viện đến ngay khu vực nhà thể thao của bệnh viện để nhận nhiệm vụ.

- Nhanh chóng điều lực lượng và phương tiện đến nhà thể thao để tiến hành phân loại người bệnh. Tại khu vực này (2 sân bóng chuyền và nhà thi đấu cầu lông, bóng bàn với diện tích khoảng 500 m2), chúng tôi đã tập trung 250 ghế nhựa đơn, 100 chiếu cói, 20 tăng nylon, 10 bàn inox, 20 xe cáng nằm, 20 xe đẩy ngồi.

- Số cán bộ, nhân viên bệnh viện điều động đột xuất đến làm nhiệm vụ có 70 người (10 bác sĩ, 8 dược sĩ đại học và trung học, 37 điều dưỡng, 15 nhân viên không chuyên môn y dược). Số bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên không chuyên môn y dược được chia thành 5 tổ làm nhiệm vụ phân loại và vận chuyển nạn nhân về các khoa lâm sàng; tổ dược (8 dược sĩ được tăng cường thêm 2 nhân viên không chuyên môn y dược) làm nhiệm vụ cấp phát, vận chuyển thuốc men đến khu vực nhà thể thao và các khoa lâm sàng.

Công nhân ngộ độc thực phẩm hàng loạt được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện 4.

- Tại khu vực nhà thể thao với 5 tổ phân loại, trong thời gian gần 2 giờ đã tiến hành phân loại xong 739 BN, với chẩn đoán sơ bộ là ngộ độc thực phẩm (sau này chúng tôi xét nghiệm xác định nguyên nhân gây ngộ độc là do hóa chất), cụ thể:

+ 280 BN (37,9%) ngộ độc mức độ nhẹ với các triệu chứng: buồn nôn, không nôn, đau đầu, chóng mặt nhưng tỉnh táo, đi lại được. Số BN này được hướng dẫn ngồi trên ghế tại nhà thể thao và tiến hành điều trị bằng các loại thuốc: Berberin 100 mg x 2 viên, Ciprofloxacine 0,5g x 2 viên, Carbogas x 2 viên. Sau 2 giờ, 280 BN này cơ bản đều ổn định, hết các triệu chứng ngộ độc, được công ty nhận về nghỉ ngơi điều trị tiếp.

+ 459 BN (62,1%) ngộ độc mức độ nặng với các triệu chứng: mệt lả, da xanh mét, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn và nôn, chóng mặt, nhức đầu, không đi lại được hoặc đi lại khó khăn, một số ít BN bị sốt nhẹ và đại tiện phân lỏng. Số BN này được chuyển về điều trị cấp cứu tại 5 khoa lâm sàng (Truyền nhiễm, Nội chung, Ngoại chung, Ngoại chuyên khoa, Chấn thương) bằng các phương tiện (cáng đẩy, xe đẩy) và người dìu. Do số lượng BN lớn nên bệnh viện phải tận dụng cả giường gấp, nệm trải giường trải xuống nền nhà kể cả trong phòng bệnh lẫn hành lang mới đủ chỗ thu dung hết. Tất cả các BN nặng đều được xử trí cơ bản theo một phác đồ thống nhất gồm: truyền dịch tĩnh mạch (Ringer lactat 500 ml, Glucose 5% x 500 ml), tiêm dưới da Atropin 1/4 mg x 1 ống, tiêm bắp Vinconnid 10 mg x 1 ống, uống Ciprofloxacine 0,5g x 2 viên, Berberin 100 mg x 2 viên, Carbogas 2 viên và Oresol 1 gói. Sau 6 giờ điều trị, 384 BN đã thuyên giảm các triệu chứng ban đầu (hết buồn nôn, giảm đau bụng); mặc dù còn chóng mặt và nhức đầu nhẹ nhưng do số lượng BN đông nên bệnh viện đã chuyển giao số BN này về công ty để điều trị tiếp tại đó. Còn lại 75 BN nặng hơn được giữ lại bệnh viện điều trị tiếp, sau 3 ngày các BN này cũng hoàn toàn ổn định và ra viện.

- Để bảo đảm cho công tác thu dung cứu chữa 739 BN trên, chúng tôi đã sử dụng hết 18 cơ số xử trí ngộ độc do bệnh viện tự xây dựng (mỗi cơ số có thể cứu chữa cho 40 BN). Trong thực tế bệnh viện luôn có sẵn 10 cơ số dự phòng xử trí cấp cứu ngộ độc, 8 cơ số huy động thêm phục vụ cứu chữa trong vụ ngộ độc này được cấp phát theo lệnh của chỉ huy bệnh viện.

Như vậy, với tổng số 739 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm hàng loạt, bằng việc tổ chức phân loại và tiến hành điều trị kịp thời, chúng tôi đã cho ra viện 280 BN (37,9%) ngộ độc mức độ nhẹ sau 2 giờ điều trị, 384 BN (52%) sau 6 giờ điều trị và 75 BN (10,1%) sau 72 giờ kể từ khi vào viện. Công tác cấp cứu, điều trị bảo đảm an toàn về mọi mặt.

2. Một số bài học kinh nghiệm:

Từ kết quả của việc thu dung, cứu chữa 739 BN bị ngộ độc hàng loạt và 11 vụ trước đây bệnh viện đã triển khai thực hiện, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

2.1. Các bệnh viện đứng chân trên địa bàn dân cư có nhiều khu công nghiệp lớn cần phải có phương án xử trí các tình huống khẩn cấp như ngộ độc thực phẩm, sự cố cháy nổ... Thực tế tại Bệnh viện 4 cho thấy, chỉ trong vòng 3 năm đã phải xử trí thu dung cứu chữa 12 vụ ngộ độc thực phẩm với số lượng từ vài chục đến hàng trăm người mắc.

- Phương án xử trí thu dung, cứu chữa các tình huống khẩn cấp phải được xây dựng cụ thể cả về cơ chế điều hành, huy động và sử dụng lực lượng, cơ số thuốc men, phương tiện trang bị và lựa chọn một khu vực để thu dung phân loại. Chính vì Bệnh viện 4 đã có sự chuẩn bị trước, nên trong quá trình xử trí tình huống không bị lúng túng, tiến hành nhanh gọn, kịp thời và có hiệu quả.

Tuy vậy, khi xây dựng phương án, vấn đề phải chú ý nhiều nhất là sử dụng lực lượng sao cho phù hợp. Theo chúng tôi, có thể phân theo mức độ số người bị nạn: với số lượng từ 50 BN trở xuống có thể chỉ cần sử dụng lực lượng kíp trực nếu vào giờ nghỉ; với số lượng từ trên 50 đến 100 BN, trên 100 đến 200 BN, trên 200 BN... thì huy động lực lượng bao nhiêu là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu cho phù hợp. Khi tình huống khẩn cấp xảy ra vào giờ hành chính thì đương nhiên toàn thể bệnh viện phải được huy động vào việc thực hiện nhiệm vụ này.

2.2. Khi có số lượng lớn người bị bệnh đến cùng một lúc, người chỉ huy phải hết sức bình tĩnh, tập trung nhân lực cho khâu phân loại để phân loại kịp thời và có chất lượng. Đây là vấn đề khó nhất trong thu dung cứu chữa người bị thương, bị bệnh hàng loạt với số lượng lớn. Nếu tổ chức được nhiều tổ (kíp) phân loại sẽ phân loại nhanh, giúp cho việc tổ chức điều trị sớm và có hiệu quả. Với Bệnh viện 4 để tiến hành phân loại 739 BN, 5 tổ phân loại đã phải làm việc cật lực trong thời gian gần 2 giờ.

Đồng thời trong quá trình phân loại, bộ phận phân loại ngoài nhiệm vụ phân loại và vận chuyển BN về các khoa lâm sàng, còn có nhiệm vụ điều trị ngay cho những BN nhẹ tại khu vực phân loại.

2.3. Có sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa bệnh viện với khu công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp và các cơ sở y tế trên địa bàn trong xử trí tình huống ngộ độc thực phẩm cũng như các tình huống khác. Sự phối hợp hiệp đồng phải được thể hiện trên các văn bản giữa bệnh viện với người sử dụng lao động (Ban giám đốc bệnh viện với Ban quản lý khu công nghiệp, Ban giám đốc các công ty, nhà máy, xí nghiệp...). Trong văn bản hiệp đồng cần có những nội dung quy định cụ thể về mặt thông báo sớm tình hình khi xảy ra vụ việc; trách nhiệm vận chuyển; khi nào và mức độ nào thì bệnh viện chỉ cần cử lực lượng đến hỗ trợ xử lý, khi nào và mức độ nào thì vận chuyển người bệnh về bệnh viện để phân loại cứu chữa.

Sau khi giải quyết xong vụ việc, phải họp rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân, truy cứu trách nhiệm để góp phần làm giảm các vụ việc tương tự có thể xảy ra.

2.4. Thường xuyên ra soát bổ sung hoàn thiện các phương án xử trí thu dung, cứu chữa người bị bệnh hàng loạt để có phương án hoàn thiện nhất, đáp ứng tốt nhất khi có tình huống xảy ra. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm hết sức cần thiết đối với việc xử trí các tình huống có hàng loạt người bị thương, bị bệnh với số lượng lớn. Bởi vì khi xây dựng phương án, đó mới chỉ là phương án mang tính lý thuyết. Muốn đánh giá phương án đó đạt yêu cầu chưa thì phải được thông qua kiểm nghiệm thực tế. Chính vì vậy, mỗi lần xử trí sẽ là một lần hoàn thiện phương án, điều chỉnh lại phương án cho phù hợp nhất và chắc chắn khi có tình huống sẽ không bị động, chất lượng tổ chức cứu chữa sẽ tốt lên về mọi mặt.

Trong quá trình hoàn thiện các phương án, phải chú trọng đến việc xắp xếp bố trí dây truyền công năng của bệnh viện khi phải tiếp nhận xử trí số lượng lớn người bệnh trong một thời gian ngắn. Chú ý đến việc bố trí khu vực thu dung phân loại, sau đó tính đến việc sử dụng lực lượng, phương tiện hiện có tại chỗ để tránh lãng phí. Vì lực lượng và phương tiện chỉ phục vụ trong phạm vi nhất thời, nếu mua để đó và chỉ dùng khi có tình huống là không cần thiết; song riêng với cơ số thuốc thì phải luôn luôn cập nhật để bảo đảm tính hiệu quả trong sử dụng.

Theo chúng tôi, những bài học kinh nghiệm trên không chỉ áp dụng xử trí tình huống ngộ độc thực phẩm mà còn có thể áp dụng cho việc xử trí các tình huống khẩn cấp khác của một bệnh viện quân đội.

BSCKII. Trịnh Đức Minh - Bệnh viện 4, Quân đoàn 4

Duyệt bài: TS. Chu Tiến Cường