Công tác điều dưỡng là một mặt công tác quan trọng trong bệnh viện, là sự kết hợp giữa điều trị với chăm sóc và nuôi dưỡng phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, người điều dưỡng phải sử dụng kiến thức, kỹ năng ứng xử để gần gũi, an ủi, động viên giúp đỡ bệnh nhân trong việc duy trì sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật, xoa dịu đi nỗi đau về thể chất lẫn tinh thần để có thể chiến thắng bệnh tật. Nhiều tài liệu trong và ngoài nước đã khẳng định: Điều dưỡng là một khoa học, một nghệ thuật về chăm sóc người bệnh.
Ở Việt Nam, trước đây, nhân viên điều dưỡng thường được gọi chung là y tá, nghĩa là người phụ tá của thầy thuốc. Ngày nay, điều dưỡng đã được xem là một nghề độc lập trong hệ thống y tế, với nhiều cấp bậc, trình độ và đã được qui định rất cụ thể, chi tiết trong hệ thống ngạch bậc công chức theo các văn bản quy định của Nhà nước. Cùng với sự phát triển của nền y học nước nhà, những năm gần đây, ngành Điều dưỡng tại Việt Nam đã có những bước nhảy vọt về kỹ năng thực hành, chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhà nước và ngành Y tế cũng đang rất quan tâm đến vấn đề đào tạo chuyên khoa, thạc sỹ về điều dưỡng. Theo thống kê năm 2013, ngành Điều dưỡng của cả nước có 2 tiến sỹ, 166 thạc sỹ và 12,5% điều dưỡng có trình độ cao đẳng, đại học; 82,9% điều dưỡng trình độ trung cấp, chỉ còn 4,6% có trình độ sơ cấp. Sự phát triển về chất lượng đào tạo điều dưỡng đã góp phần quan trọng để nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực điều dưỡng, đồng thời, nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh một cách toàn diện.
 |
Đội ngũ điều dưỡng Bệnh viện Quân y 354 chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: CTV.
|
Trong Quân đội hiện nay có tổng cộng 29 bệnh viện, trong đó, cán bộ, nhân viên điều dưỡng chiếm 60 - 70% quân số. Những năm gần đây, lực lượng điều dưỡng đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của chỉ huy các cấp, nhất là sự chỉ đạo chuyên môn của Cục Quân y và các cơ quan nghiệp vụ. Qua đó, đã xây dựng đội ngũ điều dưỡng có trình độ, kỹ năng cơ bản, đáp ứng được mục tiêu chung của hệ thống Y tế Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, đem lại sự hài lòng cho người bệnh. Theo thống kê của Cục Quân y, hiện đội ngũ điều dưỡng trong quân đội vẫn còn hơn 84% điều dưỡng có trình độ trung học; tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ thấp (2,21/1 so với quy định 3-3,5/1); trình độ ngoại ngữ và tin học của điều dưỡng nhìn chung còn rất hạn chế (hơn 90% không có chứng chỉ ngoại ngữ). Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, thái độ ứng xử của đội ngũ điều dưỡng trong quân đội hiện vẫn chưa đáp ứng được chuẩn yêu cầu. Những hạn chế trên cùng với thực trạng thiếu nhân lực, áp lực công việc, số lượng bệnh nhân ngày càng nhiều…đang là những yếu tố làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng chăm sóc người bệnh của điều dưỡng trong các bệnh viện quân đội.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do tư duy, nhận thức về ngành điều dưỡng chưa theo đúng chức năng, vị trí của ngành trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Công tác đào tạo, đãi ngộ chưa được chú trọng đúng mức, nên ngành Điều dưỡng thiếu đội ngũ chuyên gia đầu ngành, số điều dưỡng viên được đào tạo ở trình độ sau đại học còn rất hạn chế. Về phía mình, mặc dù được đánh giá là có vai trò rất quan trọng nhưng bản thân người điều dưỡng tính chuyên nghiệp còn chưa cao, còn tự ti, thiếu tính tự chủ trong thực hành chăm sóc người bệnh, chủ yếu phụ thuộc vào y lệnh của bác sỹ; thực hiện nhiệm vụ hành chính nhiều, thời gian chăm sóc người bệnh chưa đủ theo yêu cầu. Nhiều điều dưỡng chưa tâm huyết và trách nhiệm với công việc, tính nhân văn, yêu nghề còn hạn chế. Mặt khác, đội ngũ các điều dưỡng trong quân đội hiện nay không được đào tạo nhiều về kiến thức xã hội nhân văn, kỹ năng chăm sóc người bệnh. Họ không có lý luận nền tảng, thiếu và yếu về kỹ năng lâm sàng chăm sóc thực tế. Đặc biệt, theo nhiều khảo sát cho thấy, vẫn còn một số lượng không nhỏ điều dưỡng viên tại các bệnh viện không nhiệt tình trong chăm sóc, thiếu niềm nở khi làm việc, tiếp xúc với bệnh nhân, chưa thật sự thông cảm, chia sẻ, còn cáu gắt với bệnh nhân và gia đình; ít quan tâm chăm sóc, động viên tinh thần người bệnh, mới chỉ quan tâm đến những kỹ thuật điều trị cơ bản.
Những hạn chế trên đã làm cho vai trò, hình ảnh người điều dưỡng chưa thực sự được xã hội đánh giá và quan tâm đúng mức, giá trị nghề nghiệp chưa được nâng cao. Trước thực trạng đó, theo đề xuất của Hội Điều dưỡng Việt Nam ngày 12/4/2013, Bộ Y tế đã có Quyết định số 1215/QĐ-BYT ban hành Chương trình hành động Quốc gia tăng cường công tác điều dưỡng, hộ sinh giai đoạn từ năm 2013 đến 2020. Chương trình tập trung vào 5 mục tiêu chính: tăng cường chất lượng dịch vụ điều dưỡng, hộ sinh; hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm tính tự chủ, độc lập và vị thế của nghề điều dưỡng, hộ sinh; tăng cường nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh; củng cố hệ thống quản lý; tăng cường vai trò của hội điều dưỡng, hộ sinh trong tư vấn, thẩm định, xây dựng và giám sát các chính sách, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Để thực hiện Chương trình hành động của Bộ Y tế, ngành Quân y về công tác điều dưỡng tại các bệnh viện, bệnh xá, theo tôi, thời gian tới, ngành Quân y cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ điều dưỡng viên, đảm bảo học đi đôi với hành. Trước mắt, cần nâng cấp 2 trường trung cấp quân y thành cao đẳng và tổ chức đào tạo điều dưỡng.Về lâu dài, cần thành lập trường đại học điều dưỡng, chuẩn hóa cơ sở thực hành.Song song với đó, cần mở các lớp tập huấn cho giáo viên và người quản lý; nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo các bậc học có nội dung ngang bằng với các nước trong khu vực và quốc tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy được đào tạo cơ bản chuyên ngành điều dưỡng là cử nhân điều dưỡng bậc đại học, tiến tới xóa bỏ việc sử dụng cán bộ giảng dạy điều dưỡng trong quân đội chủ yếu là bác sĩ như hiện nay. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật chăm sóc theo chuẩn mực của các nước khu vực, đầu tư các cơ sở vật chất, y dụng cụ và điều kiện làm việc của điều dưỡng, có chế độ, chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người điều dưỡng nói riêng và nhân viên y tế nói chung.
Đối với các bệnh viện, cần củng cố, hoàn thiện thống nhất tổ chức biên chế điều dưỡng theo quy định; bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Khi phân công nhiệm vụ cần dựa theo văn bằng và chính sách tuyển dụng chuyên khoa; qui định về chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ, văn bằng đào tạo, tăng cường nghiên cứu trong các lĩnh vực quản lý, đào tạo cho ngành điều dưỡng. Hàng năm cần tổ chức các chương trình tập huấn, thi nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp và nguyên tắc ứng xử cho đội ngũ điều dưỡng với nội dung chương trình phù hợp. Thường xuyên tổ chức khảo sát ý kiến người bệnh về tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ điều dưỡng để có biện pháp khen thưởng, xử phạt kịp thời nhằm nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất hoàn thiện một số chế độ, chính sách với điều dưỡng như: phụ cấp, chế độ làm ngoài giờ, làm tăng ca, trực, tuổi nghỉ hưu...Đặc biệt, cần tổ chức nghiên cứu, đề xuất chuyển diện sĩ quan một số chức danh điều dưỡng quan trọng.Cùng với đầu tư trang, thiết bị, các bệnh viện cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống quản lý công tác điều dưỡng, chăm sóc bệnh nhân bằng phần mềm công nghệ thông tin, thực hiện số hóa các dữ liệu quản lý bệnh nhân.
Về phía mình, mỗi người điều dưỡng phải có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tự tin trong thực hành thao tác kỹ thuật, trang bị đầy đủ kiến thức, xây dựng được các kế hoạch chăm sóc người bệnh một cách phù hợp. Chủ động tiếp cận và trau dồi kỹ năng giao tiếp, trình độ lý luận nền tảng nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, xây dựng hình ảnh chuẩn mực của ngành điều dưỡng.Ngoài trình độ chuyên môn, cần tích cực trau dồi thêm kiến thức ngoại ngữ, tin học, làm chủ các phần mềm ứng dụng quản lý trong bệnh viện, có thể giao tiếp, chăm sóc tốt cho các bệnh nhân người nước ngoài. Mỗi cán bộ, nhân viên điều dưỡng cần nâng cao tính tự chủ trong chăm sóc, có hướng can thiệp độc lập theo đúng chuyên môn riêng, tránh phụ thuộc toàn bộ vào việc thực hiện y lệnh của bác sỹ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Cùng với những chương trình hành động thiết thực của ngành Y tế, sự quan tâm của ngành Quân y, tin tưởng rằng, thời gian tới, công tác điều dưỡng trong các bệnh viện quân đội sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, phục vụ tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân trong tình hình hiện nay.
Thiếu tá CN TRẦN THỊ PHƯƠNG LAN (Bệnh viện 354-TCHC)