Hiện nay, mô hình trồng gừng trong bao ở Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346-Quân khu 1) đang phát triển mạnh, đem lại hiệu quả cao; với khoảng 4.500 bao đất trồng gừng, năm 2015 Trung đoàn thu hoạch 2,5 tấn củ tươi, thu lãi 40 triệu đồng.

Đầu năm 2012, ngoài việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất phục vụ bữa ăn bộ đội, Hậu cần Trung đoàn 246 chủ trương phát triển trồng gừng cao sản, vì loại cây này vốn đầu tư không nhiều, ít bị sâu bệnh, thời gian bảo quản dài, có thể trồng với qui mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Được lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn nhất trí, Hậu cần Trung đoàn dành 300 m2 đất để trồng thí điểm giống gừng cao sản tại khu tăng gia sản xuất tập trung. Tuy nhiên, sau 9 tháng trồng, mỗi gốc chỉ thu được 0,2-0,3kg củ, năng suất đạt thấp. Nguyên nhân do đơn vị trồng và chăm sóc chưa đúng kỹ thuật. Qua tham khảo sách, báo thấy cây gừng ưa phát triển trong điều kiện râm mát, đất tơi xốp, độ ẩm cao, nhưng không chịu được ngập úng;  trồng gừng trong bao  kỹ thuật đơn giản, dễ chăm sóc, năng suất cao hơn nhiều so với trồng theo luống thông thường. Năm 2013, Hậu cần Trung đoàn chuyển hướng chỉ đạo các đơn vị tận dụng bao tải, xi măng, túi ni lon…đổ đất mùn trộn trấu, phân chuồng hoai mục để trồng thí điểm 500 khóm gừng. Kết quả, cuối năm thu hoạch được trên 300 kg củ tươi, năng suất tăng gấp 2 lần so với trồng theo luống như trước. Đặc biệt, trồng gừng trong bao tận dụng được diện tích đất dưới các gốc cây, giàn cây leo; dễ dàng di chuyển vị trí khi cần; củ to đều, ít rễ, không bị gãy, tróc vỏ, thu hoạch thuận tiện. Từ thành công trên, năm 2014, Hậu cần Trung đoàn giao chỉ tiêu cho mỗi người phải trồng từ 2-3 khóm gừng trong bao; năm 2015, chỉ tiêu tăng lên từ 3-5 khóm. Kết quả thu hoạch năm 2015, ngoài số gừng dùng làm gia vị trong bữa ăn hằng ngày, Trung đoàn thu được 2,5 tấn củ gừng tươi, thu lãi 40 triệu đồng.

Chiến sĩ Trung đoàn chăm sóc vườn gừng. Ảnh: CTV

Theo kinh nghiệm của Trung đoàn 246, để trồng gừng trong bao phát triển tốt, năng suất cao, trước hết phải làm tốt khâu chuẩn bị bao và đất trồng. Bao đựng đất có thể tận dụng bao tải cũ, bao xi măng, túi ni lon... Nếu là túi nilon thì  phải đục từ 5-7 lỗ dưới đáy. Mỗi bao có thể chứa được 10kg đất trồng. Đất trồng phải có độ mùn cao, tơi xốp, trộn với trấu, phân chuồng hoai mục với tỷ lệ 70% đất, 30% phân chuồng. Sau khi thu hoạch, đổ đất khỏi bao, phơi khô để diệt nấm gây bệnh, sau đó bổ sung thêm phân chuồng, trấu (hoặc mùn cưa) và phân đạm tổng hợp. Đối với gừng giống, nếu mua ngoài thị trường phải chọn cơ sở uy tín. Gừng giống mua về cắt thành từng đoạn (trên đó phải có mầm khoẻ), sau đó đem ủ trong cát ẩm khoảng 15-20 ngày, khi thấy chồi mầm thì đem trồng vào bao. Thời điểm trồng phù hợp nhất là vào tháng 3-4 dương lịch hằng năm. Sau khi  trồng gừng vào trong bao cần phủ lên một lớp trấu hoặc mùn cưa để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại mọc;1kg gừng giống có thể trồng được 20-25 bao.

Sau khi trồng khoảng 1 tháng, thấy mầm chồi lên thì bổ sung thêm đất và đưa vào nơi râm mát giúp cây phát triển nhanh, rước khi thu hoạch khoảng 30-45 ngày, mang ra nắng để củ gừng chắc và cay hơn. Cây gừng thường bị bệnh héo vàng thối rũ, rất khó trị, nên phải kiểm tra thường xuyên và phun thuốc phòng ngừa các loại nấm gốc.

Phương pháp trồng gừng trong bao có nhiều ưu điểm nổi trội so với trồng trên luống, vừa tiết kiệm diện tích đất, phân bón, công chăm sóc, vừa thu hoạch dễ dàng, đạt năng suất cao. Các đơn vị có thể vận dụng để trồng qui mô lớn để phục vụ bữa ăn hằng ngày và bán ra thị trường tạo nguồn thu cải thiện đời sống bộ đội.

LƯƠNG THẢO