Sau gần 2 năm tổ chức nuôi thả cá trê phi thương phẩm trong bể nổi, đến nay, trung bình mỗi năm, Đồn Biên phòng Nhật Lệ-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình thu lãi từ 45-50 triệu đồng.

Đồn Biên phòng Nhật Lệ đóng quân gần biển, diện tích đất đai tăng gia sản xuất (TGSX) hạn hẹp, chủ yếu là cát trắng nên việc nuôi cá nước ngọt rất khó khăn. Để tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ phục vụ bữa ăn bộ đội và tăng thêm nguồn thu quỹ vốn, năm 2012, lãnh đạo, chỉ huy Đồn chủ trương phát triển đa dạng vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế đơn vị. Sau khi tham quan một số hộ dân trên địa bàn đóng quân nuôi cá nước ngọt hiệu quả và tham khảo ý kiến tư vấn của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình, chỉ huy đơn vị nhận thấy: Nuôi cá trê phi tập trung trong bể nổi mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của Đồn. Vì cá trê phi dễ nuôi, ít dịch bệnh, sinh trưởng nhanh, có thể nuôi trong bể, ao nhỏ vài chục mét vuông; có khả năng thích nghi trong điều kiện môi trường khắc nghiệt như ao tù, thời tiết nắng nóng, hàm lượng oxy trong nước thấp. Cá trê có đặc tính ăn tạp, nên dễ kiếm thức ăn, chủ yếu là động vật như cá tạp, tận dụng phụ phẩm từ trại chăn nuôi, trạm chế biến, thức ăn thừa từ nhà ăn, nhà bếp…

Nuôi cá trê phi của Đồn Biên phòng Nhật Lệ.

Sau khi thống nhất về chủ trương và cách làm, Đồn xây một bể nổi có diện tích hơn 30 m2 ngay tại khu chăn nuôi tập trung.Tường bể xây bằng gạch, cao 80 cm và trát phẳng; đáy bể lát phẳng bằng hỗn hợp xi măng, cát, sỏi.Phía trong bể (từ đáy đến miệng) được lót bạt nhựa màu đen và thả bèo tây để tránh thấm nước và chống nóng cho cá.Ngoài ra, bể còn có hệ thống cấp và thoát nước.Tổng chi phí xây dựng hết 10 triệu đồng.Tháng 8/2012, Đồn mua 600 con cá trê phi tại cơ sở sản xuất cá giống thành phố Đồng Hới về thả.Việc chăm sóc cá hàng ngày được giao cho nhân viên nuôi quân thay phiên nhau. Để đảm bảo thức ăn cho cá, hàng ngày, nhân viên tiếp phẩm đặt mua cá tạp của ngư dân tại các cảng cá về và kết hợp với thực phẩm dư thừa từ nhà ăn, nhà bếp. Quá trình nuôi, Đồn thường xuyên trao đổi với nhân viên kỹ thuật của cơ sở sản xuất cá giống để được tư vấn về kỹ thuật.

Lứa đầu tiên, sau hơn 3,5 tháng nuôi, trọng lượng cá chỉ đạt 1-1,5 kg/con, tỷ lệ sống khoảng 75%, thu lãi trên 8 triệu đồng, chưa đạt yêu cầu đề ra. Nguyên nhân là do chưa có kinh nghiệm chăm sóc: Lượng thức ăn chưa điều chỉnh hợp lý từng giai đoạn; chưa biết cách phân chia thức ăn trong ngày, nhất là khi cá còn nhỏ, nên bị dư thừa, gây ô nhiễm nguồn nước. Khi cá đạt khoảng 0,5 kg/con trở lên, mật độ cá quá dày nhưng không được thu tỉa hoặc san bớt sang bể khác. Lượng nước trong bể chưa duy trì đúng kỹ thuật và chưa thay mới theo định kỳ… Do đó cá chậm lớn và chết nhiều. Rút kinh nghiệm lứa cá đầu tiên, từ lứa cá thứ 2 trở đi, phương pháp chăm sóc đã được điều chỉnh đúng kỹ thuật, nên tỷ lệ cá sống đạt trên 90%, trọng lượng cá đạt từ 1,5-2 kg/con, thu lãi từ 15-17 triệu đồng/lứa.

Trung úy Đinh Thanh Đồng-Nhân viên Quân nhu Đồn Biên phòng Nhật Lệ cho biết: Để bảo đảm cá mau lớn, tỷ lệ sống cao, trước hết phải chú ý khâu chọn cá giống. Cá giống phải chọn mua ở cơ sở có uy tín, kích thước đồng đều nhau, không bị xây xát, dị tật.Mật độ thả từ 15-20 con/m2 mặt nước là phù hợp, khi thả cá nên chọn lúc trời mát, trước khi thả cần cân bằng nhiệt độ nước trong dụng cụ vận chuyển và trong bể. Về thức ăn, cá trê ăn tạp nhưng thiên về động vật nên có thể tận dụng phụ phẩm từ chế biến, nhà ăn, nhà bếp, cá tạp để giảm chi phí. Lượng thức ăn hằng ngày bằng từ 3-10% so với trọng lượng cá nuôi trong bể. Thức ăn cho cá dưới 1 tháng tuổi cần trộn thêm trứng gà, vịt để bổ sung đủ dinh dưỡng giúp cá mau lớn. Do cá trê phi có tập tính ăn theo đàn nên cần cho cá ăn vào một số giờ nhất định; mỗi ngày cho ăn từ 2- 4 lần và nên cho cá ăn ở nhiều vị trí khác nhau để chúng ăn đều hơn.

Về nguồn nước, tuy cá trê có thể sống được nơi ao tù nước đọng, nhưng nguồn nước cũng phải đảm bảo đủ độ sạch. Cần giữ mức nước trong bể từ 0,5-0,6 m, trên mặt thả bèo tây để chống nóng và tạo nguồn thức ăn (bèo non) cho cá, đồng thời góp phần làm sạch nước. Định kỳ 1 tháng thay nước 1 lần, trường hợp  nước quá bẩn, có mùi hôi thối phải thay ngay. Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp sao cho vừa đủ, thường dao động từ 5-7% trọng lượng đàn cá. Ngoài ra, cần định kỳ trộn thêm vitamin C (60–100 mg/kg thức ăn) và chất khoáng để tăng cường sức đề kháng, giúp cá sinh trưởng tốt hơn. Cá đạt trọng lượng từ 0,8-1kg/con có thể thu hoạch tỉa dần để giảm mật độ cá trong bể.

Mô hình nuôi thả cá trê phi ở Đồn Biên phòng Nhật Lệ tuy không mới, song phù hợp với các đơn vị có diện tích đất đai TGSX hạn hẹp hoặc thiếu nguồn nước ngọt, các đơn vị có thể tham khảo và áp dụng.

Bài, ảnh: THẢO HÀ