Căn cứ vào 2 sắc lệnh trên, ngày 16/4/1946, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 12/NĐ thành lập Quân y Cục do Bác sỹ Vũ Văn Cẩn làm Cục trưởng và quy định nhiệm vụ, tổ chức của Quân y Cục. Từ đó, ngày 16/4/1946 được xác định là ngày thành lập Cục Quân y và là ngày truyền thống của ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cùng với sự trưởng thành, phát triển của Quân đội, 70 năm qua, ngành Quân y đã không ngừng phát triển, lớn mạnh, lập nhiều thành tích cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân làm nên những chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, toàn Ngành vừa tập trung xây dựng tổ chức lực lượng, vừa trực tiếp phục vụ chiến đấu. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), lực lượng nòng cốt đầu tiên của ngành Quân y là những bác sĩ, dược sĩ, y tá được đào tạo dưới thời Pháp thuộc tình nguyện tham gia quân đội cách mạng. Số lượng cán bộ, nhân viên rất ít. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo; kết hợp quân dân y, huy động mọi nguồn lực; đào tạo tại chỗ, tạo nguồn tại chỗ với chi viện tích cực của hậu phương, chỉ sau thời gian ngắn, lực lượng quân y đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Các lớp đào tạo cứu thương, y tá, dược tá được mở tại các khu, các trung đoàn. Một phân hiệu quân y đại học được tổ chức bên cạnh Trường Đại học Y khoa để đào tạo bác sĩ cho Quân đội. Ngày 28/8/1948, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh mở hai trường đào tạo quân y sĩ, năm 1950, mở trường Quân dược sĩ; theo đó các cơ sở chế tạo dụng cụ và sản xuất thuốc để phục vụ chiến đấu cũng đã được thành lập. Hệ thống tổ chức chỉ huy Ngành từ Quân y Cục đến tuyến đơn vị được củng cố; hình thành lý luận về tổ chức bảo đảm quân y chiến dịch; tổ chức cứu chữa thương binh, bệnh binh (TBBB) theo bậc thang điều trị; tiếp tế quân y theo cơ số; điều lệ xử trí vết thương chiến tranh, điều lệ vệ sinh phòng dịch... Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã đạt được những thành tích đặc biệt xuất sắc. Đã tổ chức được một hệ thống tổ chức cứu chữa, vận chuyển TBBB liên hoàn, có chiều sâu, có đủ khả năng cứu chữa TBBB ngay tại mặt trận; cứu chữa cho hàng vạn thương binh, với cơ cấu tổn thương phức tạp và trên 4.000 bệnh binh góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước (giai đoạn 1954-1975): Đã xây dựng được một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của các chiến trường. Xây dựng được hệ thống tổ chức lực lượng tương đối hoàn chỉnh gồm: Điều trị, vệ sinh phòng dịch, huấn luyện, sản xuất tiếp tế. Năm 1954, toàn Ngành mới chỉ có 59 bác sĩ; thì đến năm 1975 chỉ riêng các chiến trường miền Nam và Đoàn 559 đã có 1.453 bác sĩ, 6.012 y sĩ. Từ chỗ tổ chức bảo đảm quân y của Ngành còn thô sơ, đã phát triển thành một ngành Quân y tương đối hiện đại, với nhiều chuyên khoa sâu, phục vụ cho cả ba lực lượng là Lục quân, Hải quân và Phòng không - Không quân. Các khu vực bảo đảm quân y được xây dựng sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của từng chiến trường. Chủ động tham mưu tổ chức hệ thống bệnh viện, đội điều trị hoàn chỉnh, liên hoàn, kết hợp chặt chẽ quân y với dân y để thu dung, cấp cứu, điều trị TBBB và nhân dân, hình thành các khu vực bảo đảm quân y có khả năng độc lập giải quyết cứu chữa TBBB trong khu vực. Triển khai đồng bộ 3 biện pháp: Xây dựng phong trào quần chúng, khoa học kỹ thuật và điều lệnh hóa công tác vệ sinh phòng dịch; do vậy tỉ lệ quân số mệt mỏi, nghỉ việc/tháng trung bình từ 5,56% (năm 1955) xuống chỉ còn 1,42% (1955-1975).
Để đảm bảo nhiệm vụ cứu chữa, vận chuyển TBBB ở các chiến trường miền Nam và chiến trường C, K trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ và ác liệt; Ngành đã xây dựng được hệ thống tổ chức cứu chữa hợp lý, thích ứng với những đặc điểm địa hình và chiến đấu ở miền Nam. Trên tuyến đường chuyển thương chiến lược từ Nam ra Bắc theo đường giao liên 559 đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng của cán bộ, nhân viên ngành Quân y quên mình cứu chữa TBBB, không để thương binh bị thương lần thứ hai. Tinh thần “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền” đã được phát huy cao độ trong sự phát triển cao của thế trận chiến tranh nhân dân.
Công tác huấn luyện và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là lĩnh vực y học quân sự; phục vụ chiến đấu, phục vụ TBBB và bộ đội được tập trung đầu tư, đạt chất lượng, hiệu quả ngày một cao hơn. Bằng cách kết hợp chặt chẽ đào tạo tại trường với học tập tại chức, trong nước và ngoài nước; mời các chuyên gia nước ngoài sang giúp đào tạo cán bộ và điều trị TBBB, tổ chức quân y và đội ngũ cán bộ quân y đã có sự thay đổi lớn. Bước đầu hình thành hệ thống quân y Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân chủng Hải quân. Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật, chỉ trong 3 năm sau khi kết thúc chiến tranh, chuyên ngành ngoại khoa đã tự lực giải quyết cơ bản được các loại di chứng vết thương chiến tranh với chất lượng tốt, thời gian rút ngắn một nửa, với số lượng thương binh tăng khoảng 20 lần so với sau kháng chiến chống Pháp. Thành tựu trên đã góp phần quan trọng vào công tác giải quyết chính sách cho TBBB sau chiến tranh - một vấn đề hết sức nặng nề của đất nước. Thực hiện quan điểm cần kiệm, tự lực, sáng tạo trong sản xuất, tiếp tế thuốc và dụng cụ, trang bị quân y; ngành Quân y đã cung cấp kịp thời, phục vụ việc cứu chữa, điều trị TBBB. Với nguồn thuốc, trang bị được pha chế và sản xuất tại chỗ, Ngành đã chủ động, kịp thời cung cấp cho đơn vị, đây là một thành tích to lớn của cán bộ, chiến sĩ quân dược.
Thượng tướng Lê Hữu Đức-Thủ trưởng BQP và các đại biểu thăm gian trưng bày cơ số quân y tại Hội nghị đào tạo và nghiên cứu y học quân sự toàn quân năm 2015. Ảnh: Minh Hoài.
Ghi nhận và biểu dương thành tích của cán bộ, chiến sĩ quân y, ngày 31/7/1967, Hồ Chủ tịch đã gửi thư khen ngợi: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, ngành Quân y ta đã có nhiều cố gắng và đã lập được thành tích trong việc cứu chữa TBBB cũng như trong việc giữ gìn sức khỏe bộ đội. Quân y đã cùng với ngành Y tế nhân dân chế được nhiều thuốc hay, tìm được nhiều cách chữa giỏi, góp phần tổ chức hướng dẫn cho bộ đội cách ăn, ở tốt và đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều cán bộ, nhân viên tốt. Nhiều cán bộ, nhân viên quân y đã nêu cao tinh thần dũng cảm, tận tụy cứu chữa đồng đội. Nhiều đơn vị quân y đã có thành tích xuất sắc. Cán bộ, nhân viên quân y còn tham gia cứu chữa, chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các nơi đóng quân. Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đồng chí…”.
Sau ngày đất nước thống nhất, ngành Quân y tiếp tục phấn đấu tổ chức bảo đảm quân y cho Quân đội và cùng với toàn quân, toàn dân vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử với quy mô, cường độ và phương diện mới, đó là nhanh chóng chấn chỉnh tổ chức, chuyển hướng nhiệm vụ, bảo đảm quân y cho chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc; giúp cách mạng Campuchia xóa bỏ nạn diệt chủng, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Bước vào thời kỳ đổi mới, CNH- HĐH đất nước: Toàn Ngành tập trung nâng chất lượng phục vụ bộ đội và cứu chữa TBBB lên một bước cao hơn, đồng thời sẵn sàng đáp ứng cho chiến đấu. Hệ thống quân y toàn quân, từ tuyến quân y cơ sở đến tuyến quân y chiến lược đã được chỉ đạo phát triển đồng bộ. Hệ thống vệ sinh phòng dịch đã được củng cố; cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị từng bước được đầu tư và xây dựng hiện đại; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế với quân y các nước trong khối ASEAN và trên thế giới... Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, sẵn sàng bảo đảm tốt quân y trong mọi tình huống, ngành Quân y mà trực tiếp là Cục Quân y đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương- Bộ Quốc phòng biên soạn lại Điều lệ công tác Ngành, Điều lệ xử trí vết thương chiến tranh, phòng chống dịch, chế độ bệnh viện, chế độ bệnh xá... phát động và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng đơn vị quân y 5 tốt”; tham mưu cho Chính phủ ban hành quyết định về xây dựng lực lượng y tế dự bị động viên, kết hợp quân dân y, các nghị định, thông tư hướng dẫn về khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế… góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bộ đội và nhân dân.
Với những cống hiến thật sự to lớn, 70 năm qua, ngành Quân y đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó: 02 tập thể được tặng Huân chương Sao Vàng; 04 tập thể được tặng Huân chương Hồ Chí Minh; 92 đơn vị và 59 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 16 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, 31 cán bộ được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 92 cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân và 1438 cán bộ được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; hàng trăm tập thể và hàng ngàn cán bộ, nhân viên quân y được tặng thưởng các phần thưởng cao quý khác.
Sự trưởng thành và phát triển của ngành Quân y 70 năm qua luôn gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, sự chăm sóc của Bác Hồ kính yêu, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương- Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, Bộ Tổng tham mưu và cấp ủy Đảng các cấp trong toàn quân cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ quý báu của Bộ Y tế... Đây cũng là nhân tố quyết định, tạo cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ trong Ngành, dù trong hoàn cảnh, giai đoạn cách mạng nào cũng luôn ra sức khắc phục khó khăn, vượt qua gian khổ, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”, làm việc quên mình, bằng tri thức và lao động khoa học kỹ thuật sáng tạo, nối tiếp nhau lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, làm sáng ngời thêm hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Thiếu tướng, TS VŨ QUỐC BÌNH-Cục trưởng Cục Quân y-BQP