Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, tuyển quân đợt I/2012, Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã thí điểm triển khai cấp phát trước quân trang chiến sỹ mới (CSM) tại các địa phương thuộc Quân khu 2 (bao gồm 14 mặt hàng: 01 bộ quân phục chiến sỹ, 01 đôi giày vải, 01 đôi tất, 01 khăn mặt, 01 mũ cứng, 01 quân hiệu, 01 dây lưng, 01 ba lô, 01 túi lót ba lô, 01 áo xuân thu, 01 ni lon, 01 áo ấm chiến sỹ 3 lớp, 01 vỏ chăn và 01 màn tuyn). tuyển quân đợt II/2012, TCHC tiếp tục thí điểm triển khai tại Quân khu 2 và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các quân khu còn lại thực hiện thí điểm triển khai tại 2 tỉnh trong quân khu để rút kinh nghiệm.

Sau 1 năm thực hiện thí điểm thành công và rút kinh nghiệm, từ tuyển quân đợt I/2013, TCHC chỉ đạo triển khai đồng loạt việc cấp phát thẳng quân trang ở tất cả các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Đối với các đơn vị phía Bắc cấp 12 mặt hàng (không cấp vỏ chăn và màn tuyn như năm 2012); đơn vị từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào cấp 10 mặt hàng (không cấp áo xuân thu và áo ấm chiến sỹ 3 lớp). Tuyển quân  đợt I/2014, đơn vị phía Bắc cấp 13 mặt hàng (cấp thêm phù hiệu kết hợp binh nhì; thay áo xuân thu bằng bộ quần áo thu đông); các đơn vị từ phía Nam đèo Hải Vân trở vào cấp 11 mặt hàng (không cấp quần áo thu đông và áo ấm chiến sỹ 3 lớp). Để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, Cục Quân nhu đã chủ động sản xuất, tạo nguồn và cấp cho các quân khu sớm hơn so với trước đây, đồng thời cấp gối thêm từ 15-20% một số mặt hàng như: quân phục, giày vải và phân cấp cho các quân khu tổ chức đo may quân trang đặc cỡ để chủ động đổi kịp thời cho bộ đội; chỉ đạo các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ động hướng dẫn, tập huấn cho các địa phương cách nhận biết quân trang theo màu sắc quân binh chủng; cách đăng ký cỡ số quân phục, giày vải để bảo đảm vừa cỡ số cho CSM.

Thiếu tướng Phạm Quang Đối, Phó chủ nhiệm - Tham mưu trưởng TCHC động viên chiến sĩ mới trong ngày nhập ngũ tại thành phố Tam Kỳ - tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Hùng.

Về phía đơn vị giao quân, trong khi khám tuyển thanh niên diện nhập ngũ, các cơ quan quân sự địa phương đã chủ động cử cán bộ trực tiếp mang sẵn mẫu quân phục, giày vải có nhiều cỡ số để thanh niên mặc thử và đăng ký. Chủ động tiếp nhận, vận chuyển quân trang về cơ quan quân sự huyện (quận, thị xã) trước ngày giao nhận quân từ 2-3 ngày và cấp phát tận tay thanh niên nhập ngũ trước ngày giao quân 1-2 ngày. Do vậy, trong buổi lễ giao, nhận quân tổ chức tại các địa phương, các CSM đều mang mặc quân phục mới vừa, đẹp, thống nhất, chính qui, tạo khí thế trong ngày tòng quân, được chính quyền địa phương và nhân dân khen ngợi.

Đối với các đơn vị huấn luyện CSM, việc cấp phát quân trang (ngoài  số quân trang cấp tại địa phương) có nhiều cách làm mới mang lại hiệu quả. Nhiều đơn vị đã chủ động cấp một số mặt hàng quân trang, như: chăn, chiếu cói, màn, gối bằng cách để sẵn trên giường từng người để bộ đội sử dụng ngay sau khi về đơn vị, các mặt hàng quân trang còn lại được cấp phát tập trung sau khi khám phúc tra sức khoẻ, ổn định biên chế, tổ chức. Tuy nhiên, cách làm này cũng có bất cập là một số đơn vị nhận CSM ở xa, khi về đơn vị chưa tổ chức khám phúc tra sức khoẻ được ngay nên sau từ 2-4 ngày bộ đội mới có quân phục để thay ảnh hưởng đến sinh hoạt. Ở Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330 - Quân khu 9), việc cấp quân trang cho CSM có cách làm sáng tạo, ưu điểm hơn, đó là: Cách ngày nhận quân hơn 1 tháng, đơn vị đã chủ động phối hợp với cơ quan quân sự địa phương nắm nguồn, trích ngang của chiến sỹ vào đơn vị,  biên chế luôn về các tiểu đội, trung đội, đại đội. Căn cứ vào danh sách, cán bộ khung làm biển tên từng CSM của đơn vị mình dán sẵn vào đầu giường. Các loại quân trang của CSM (trừ giày vải và quân phục) cần sử dụng ngay được các trung đội, tiểu đội nhận về trước; riêng chiếu, chăn màn được giặt giũ sạch sẽ, phơi khô, gấp gọn, đặt trên giường từng chiến sỹ cùng với các mặt hàng quân trang khác cần sử dụng ngay (khăn mặt, tất, bát, đũa…) và kèm theo bản thống kê đầy đủ các loại quân trang theo tiêu chuẩn được hưởng trong suốt thời gian tại ngũ. Bản thống kê được ghi rõ từng cột: quân trang cấp tại địa phương cấp tại đơn vị cấp sau khi huấn luyện CSM cấp khi được thăng quân hàm binh nhất để bộ đội nắm, đối chiếu và quản lý tiêu chuẩn của mình. Ngay buổi chiều ngày nhận quân, đơn vị tổ chức khám phúc tra sức khoẻ và hôm sau cấp phát hết số quân trang còn lại theo hình thức cấp phát tập trung. Cách làm này đã giúp cho bộ đội có ngay quân trang để sử dụng, không ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Kể từ năm 2012, việc tuyển quân sẽ không được bù đổi, các địa phương phải chịu trách nhiệm về quân số CSM trước Bộ Quốc phòng, số bị loại trả về địa phương do không đủ tiêu chuẩn sức khoẻ rất hạn chế. Vì vậy, các mùa tuyển quân tới, hậu cần các đơn vị nhận CSM cần nghiên cứu vận dụng cách làm của Trung đoàn 3 (Sư đoàn 330- Quân khu 9); chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương để nắm chắc trích ngang, vóc dáng (chủ yếu chiều cao, cân nặng) để đăng ký cỡ số quân phục, giày, dép, mũ của chiến sỹ về đơn vị mình chính xác. Đề nghị chỉ huy đơn vị chỉ đạo cơ quan quân lực chủ động biên chế trước CSM về các tiểu đội, trung đội, đại đội và chủ động chuẩn bị đầy đủ quân trang cấp trước CSM để bộ đội có thể sử dụng được ngay không ảnh hưởng đến sinh hoạt.

Sau hơn 2 năm tổ chức triển khai cấp phát trước quân trang cho CSM cho thấy có nhiều ưu điểm nổi trội so với hình thức cũ. Nhiều đơn vị đã có cách làm hay, hiệu quả, cấp phát quân trang kịp thời cho CSM, bảo đảm vừa cỡ số, hạn chế đổi lại. Các đơn vị có thể nghiên cứu, vận dụng học tập lẫn nhau cho phù hợp với điều kiện đơn vị mình để phương thức cấp phát thẳng quân trang ngày càng hoàn thiện hơn.

Đại tá NGÔ VĂN DUẨN (Bộ Tham mưu-TCHC)