Hạn chế vận động khớp gối sau chấn thương là một trong những di chứng thường gặp sau các chấn thương hoặc phẫu thuật tại khớp gối hay gần khớp gối, được thể hiện ở một trong 3 hình thái: hạn chế gấp, hạn chế duỗi, hoặc hạn chế cả gấp lẫn duỗi. Để điều trị phục hồi chức năng hạn chế vận động khớp gối, ngoài các biện pháp phục hồi sức cơ, các bác sĩ thường sử dụng phương pháp vận động cưỡng bức khớp gối, đây là phương pháp cơ bản để phục hồi tầm vận động khớp. Trong đó, phương pháp sử dụng lực từ quả cân là phương pháp cưỡng bức khớp một cách liên tục và dễ dàng điều chỉnh lực tác động cho phù hợp. Tuy nhiên, việc tác động lực liên tục thường làm bệnh nhân rất đau, phải rút ngắn thời gian một lần điều trị, không được sử dụng lực tác động cao và khi khớp gối gấp được ít thì lực tác động không vuông góc với cẳng chân nên không tạo ra lực kéo tối ưu.

 Sử dụng máy kéo giãn cột sống và bộ giá đỡ hỗ trợ tại Khoa Phục hồi chức năng-Bệnh viện Quân y 354.

Ngoài phương pháp trên, hiện nay, các bác sĩ thường sử dụng lực tác động là lực do kỹ thuật viên dùng sức của bản thân tạo nên. Đây là phương pháp đơn giản và thuận tiện, không đòi hỏi phải có phương tiện trợ giúp nên có thể thực hiện trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Song, có nhược điểm là kỹ thuật viên phải mất rất nhiều công sức; không lượng giá được lực tác động cần thiết lên khớp. Để khắc phục những nhược điểm đó, vừa qua, Trung tá Mai Trung Dũng (Chủ nhiệm Khoa Phục hồi Chức năng- Bệnh viện Quân y 354) và các cộng sự đã tự nghiên cứu, thiết kế bộ giá đỡ hỗ trợ cho quá trình kéo làm chỗ tựa cho cẳng chân, cho phép định hướng lực kéo tác động vuông góc với cẳng chân và có thể lượng giá nhanh tầm vận động của khớp. Sáng kiến này sử dụng máy kéo giãn hiện có để thực hiện vận động cưỡng bức khớp gối nhằm giải phóng sức của kỹ thuật viên và tạo tâm lý yên tâm cho bệnh nhân. Đồng thời, có thể áp dụng tính năng kéo ngắt quãng của máy kéo giãn cột sống để kéo gấp khớp gối bị hạn chế vận động làm cho bệnh nhân đỡ đau cho phép tăng thời gian và lực tác động.

Máy kéo giãn cột sống gồm hai bộ phận: đầu kéo và bàn kéo, có lập trình chế độ kéo ngắt quãng có lực nền. Khi tiến hành kỹ thuật này, các bác sĩ Khoa Phục hồi Chức năng đã chỉ định lực kéo xấp xỉ bằng 1/5 trọng lượng cơ thể bệnh nhân, tuy nhiên trong lúc kéo có thể gia giảm để lực phù hợp với sức chịu đựng của bệnh nhân. Về lực nền, chọn lực bằng lực kéo trừ đi 2-3kg. Thời gian mỗi lần kéo 15-20 phút. Áp dụng sáng kiến này, có tác dụng tạo tâm lý yên tâm cho bệnh nhân; giải phóng được công sức của KTV khi thực hiện kỹ thuật. Việc áp dụng chế độ kéo ngắt quãng để kéo gấp khớp gối do có khoảng kéo và khoảng nghỉ hợp lý làm cho bệnh nhân đỡ đau, tăng khả năng chịu đựng, cho phép tăng lực kéo và thời gian kéo làm tăng hiệu quả điều trị. Ngoài ra, bộ khung giá hỗ trợ tự thiết kế cho phép lực kéo luôn thẳng góc với cẳng chân cho phép lực kéo tác động tối ưu, đồng thời làm chỗ tựa cho cẳng chân làm bệnh nhân đỡ mỏi trong lúc kéo, việc chia độ ngay trên khung cho phép lượng giá nhanh kết quả điều trị. Qua thí điểm, đánh giá trên 10 bệnh nhân hạn chế vận động gấp khớp gối đơn thuần 1 bên, được điều trị bằng phương pháp kéo gấp khớp gối trên máy kéo giãn cột sống với chế độ ngắt quãng và có khung giá hỗ trợ tại Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện 354, có thể nhận thấy: Độ gấp khớp gối trung bình trước điều trị: 450 ± 190; và sau 30 ngày điều trị là 102,50 ± 16,50. Trước điều trị số khớp gối hạn chế vận động nặng là 4/10, mức độ vừa là 6/10, và không có bệnh nhân mức độ nhẹ; sau điều trị các khớp nặng đã hết, chỉ còn 2 trường hợp bị vừa; 3 trường hợp bị nhẹ và còn lại 5 trường hợp bình thường. Như vậy sau 30 ngày điều trị, tầm vận động khớp gối trong các bệnh nhân điều trị đã được cải thiện rõ ràng. Quá trình điều trị không có bệnh nhân nào bị tai biến, biến chứng.

Theo Trung tá Mai Trung Dũng, giải pháp kỹ thuật này có thể áp dụng rộng rãi ở những cơ sở Phục hồi chức năng đã được trang bị máy kéo giãn cột sống. Sáng kiến đã đạt giải Nhì tại Hội thao tuổi trẻ kỹ thuật Y tế Thủ đô Hà Nội năm 2013; đạt giải Nhì tại Hội thi tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2014.

CHIẾN VĂN