Trong hoạt động quân sự, trạng thái nhiễm lạnh có thể gặp trong nhiều hoàn cảnh như: bộ đội huấn luyện, chiến đấu trên vùng núi cao, vào mùa đông, đặc biệt là hoạt động tiến hành trong môi trường nước như hoạt động của thợ lặn, bộ đội đặc công nước… Bình thường, nhiệt độ của cơ thể người trung bình là 36,5±0,5oC, nhiệt độ ngoài da trung bình khoảng 33oC, luôn cao hơn nhiệt độ nước biển hay nước hồ ao, sông suối. Khi bơi lặn dưới nước, cơ thể sẽ bị mất nhiệt rất nhanh (chủ yếu qua con đường dẫn truyền và đối lưu), do khả năng dẫn nhiệt của nước cao hơn 25- 30 lần  so với của không khí.

Thải nhiệt nhiều dẫn đến cơ thể bị mất nhiệt và phát triển trạng thái nhiễm lạnh. Mức độ nhiễm lạnh phụ thuộc nhiều yếu tố: nhiệt độ nước, tốc độ dòng chảy, thời gian chịu tác động, cách nhiệt của cơ thể (quần áo lặn: quần áo ướt, quần áo khô hay lặn vo...), mức độ hoạt động thể lực dưới nước, khả năng thích nghi với lạnh... Khi bơi lặn dưới nước, cơ thể sẽ tăng tạo nhiệt, nhưng do phải thường xuyên di chuyển, gặp dòng nước lạnh nên lượng nhiệt bị mất cao hơn so với khi đứng yên khoảng 30-50 %.

Đặc điểm chung của nhiễm lạnh:

Nếu nhiễm lạnh từ từ thì lúc đầu cảm giác rét run, nổi da gà, sau da trở nên tái nhợt và tím tái, tay chân tê cóng, các bắp thịt co rút, nhiệt độ cơ thể hạ dần, cử động khó khăn, nói khó, tim đập yếu, thở yếu. Còn khi xuống nước lạnh đột ngột có thể bị choáng lạnh, mất ý thức, dễ bị chết đuối nếu không được vớt lên kịp thời.

Người ta phân chia cụ thể ra 3 mức độ nhiễm lạnh:

Nhiễm lạnh mức nhẹ: Thân nhiệt giảm đến 34 - 35oC. Có những biểu hiện chung như run rẩy, cảm giác tê bì, nổi da gà, môi, tai, mũi tím tái, run nhẹ môi và cằm dưới, da xanh tái ở các chi, co giật nhẹ các cơ mặt sau cẳng chân đau đầu, chóng mặt, cảm giác yếu mệt, buồn đi tiểu hoặc đi tiểu không kiểm soát, nhịp thở chậm, tăng hoặc giảm nhịp tim, huyết áp.

Nhiễm lạnh mức trung bình: Nhiệt độ lõi giảm xuống đến 32- 33oC. Có thêm các biểu hiện như thở yếu, người run rảy không thể kiểm soát. Cảm giác buồn ngủ, đau ở các cơ và khớp. Nhịp tim và nhịp thở chậm, huyết áp hạ, giảm khả năng phối hợp động tác và không thực hiện được nhiều thao tác cần thiết.

Nhiễm lạnh mức nặng: Nhiệt độ lõi (hậu môn) giảm đến 30- 32oC và thấp hơn. Có các biểu hiện: mất khả năng phối hợp vận động, rối loạn ý thức, mất ý thức. Ở người bị chết cóng có các biểu hiện như: da và niêm mạc tím tái, phù nhẹ  ngón tay, bàn chân, môi, mặt. Giọng khàn đặc, thở nhanh và nông, mạch chậm và rất yếu (khoảng 30 lần/phút), tụt huyết áp.

Xử lý cấp cứu, điều trị

Nếu phát hiện bệnh nhân bị nhiễm lạnh, cần nhanh chóng đưa nạn nhân vào chỗ kín gió, cởi bỏ quần áo, lau khô cơ thể, ủ ấm (mùa rét cần sưởi), đo nhiệt độ cơ thể (nhiệt độ hậu môn hay dưới lưỡi) để xác định mức độ nhiễm lạnh, cho uống nước chè đường nóng. Cho uống rượu cấp cứu (20ml) nếu có, ngoài ra không được uống bất kì loại rượu nào khác vì càng làm mất nhiệt do giãn mạch ngoại vi. Nội dung cấp cứu phụ thuộc vào mức độ nhiễm lạnh.

Trường hợp nhiễm lạnh ở mức nhẹ, chỉ cần lau khô cơ thể, thay quần áo khô cho nạn nhân, ủ ấm, cho uống nước chè đường, cà phê nóng. Nếu tình trạng cho phép thì yêu cầu nạn nhân tăng cường vận động để hâm nóng cơ thể. Dùng thuốc kháng sinh đề phòng các bệnh viêm đường hô hấp. 

Trường hợp nhiễm lạnh ở mức trung bình và nặng, cần sưởi ấm kết hợp duy trì hoạt động của các hệ thống tim mạch và hô hấp. Cho nạn nhân vào nơi kín, ấm, ngâm nạn nhân trong bồn nước có nhiệt độ 38- 40 oC, xoa nhẹ cơ thể nạn nhân bằng khăn mềm nhằm phục hồi trương lực mạch máu và hoạt động phản xạ của hệ thống thần kinh. Nếu không có bồn nước có thể dùng vòi sen tắm hoặc chườm nóng ở các vùng  gáy, tim, gan và thận. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ hậu môn. Nếu nạn nhân ở trạng thái ‎mất ý thức, cần làm sạch đường thở, hồi phục hô hấp (hô hấp nhân tạo) và kích thích tuần hoàn (xoa bóp tim ngoài lồng ngực). Các biện pháp thực hiện phải chậm so với cấp cứu đuối nước vì khi bị nhiễm lạnh quá trình chuyển hoá bị ức chế sâu. Đồng thời phải tiến hành các biện pháp làm tăng nhiệt độ môi trường xung quanh.


Trong trường hợp nhiễm lạnh nặng: lau khô người nạn nhân, dùng chăn ủ ấm và chuyển ngay đến cơ sở điều trị. Với thợ lặn, nếu nhiễm lạnh có kết hợp với bệnh giảm áp hay tai biến tổn thương phổi thì tất cả các biện pháp điều trị nhiễm lạnh được tiến hành  trong thời gian điều trị giảm áp trong buồng áp suất.


Các biện pháp dự phòng  

Để phòng nhiễm lạnh cần thực hiện tốt các biện pháp  mặc ấm, bảo đảm thời gian lao động hợp lý, nghỉ ngơi ở nơi kín gió. Không uống rượu bia trước khi xuống nước làm việc.

Khi bơi lặn, tránh chỗ gió quá mạnh khi vừa cởi áo quần hay vừa ở dưới nước lên; khởi động cơ thể trước khi xuống nước lạnh; xuống nước từ từ, ở dưới nước lên phải nhanh chóng lau khô người ngay; tránh nghỉ lâu thụ động ở ngoài lạnh, nhất là sau khi vận động mạnh. Làm quen với nước lạnh từ từ, tránh để ngập đầu dưới nước ngay nhằm dự phòng trường hợp choáng do nhiễm lạnh đột ngột. Bảo đảm đúng thời gian làm việc dưới nước theo quy định  (bảng dưới ).

Khi nhiễm lạnh cấp tính có thể dùng các thiết bị cấp cứu, nâng đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước và giảm tư thế tiếp xúc với môi trường nước (co gối và tay vào lồng ngực) hoặc nhiều người tập trung lại thành vòng tròn tăng tiếp xúc, cọ xát để tạo nhiệt.

Rèn luyện thường xuyên với lạnh kết hợp với rèn luyện thể lực và bảo đảm chế độ dinh dưỡng để nâng cao khả năng chịu lạnh. Khi rèn luyện cần thực hiện rèn luyện có hệ thống, từ thấp đến cao; rèn luyện từ mùa thu khi chưa lạnh nhiều cho đến cao điểm của mùa rét; rèn với không khí lạnh rồi đến nước lạnh, từ chỗ mặc quần áo nhẹ đến cởi trần, từ chỗ xoa nước lạnh vào người lau khô ngay, đến chỗ dội nước lạnh, rồi bơi nước lạnh từ ít phút đến hàng giờ, từ ở chỗ lặng gió đến chỗ có gió nên rèn luyện ở nhiều thời điểm khác nhau, cả đêm lẫn ngày ở nhiều hoàn cảnh khác nhau; phải rèn luyện thường xuyên liên tục rèn luyện hàng ngày với thời gian ngắn sẽ tốt hơn là rèn luyện với thời gian dài, nhưng ngắt quãng quá xa; kết hợp rèn lạnh với các động tác vận động cường độ vừa, đồng thời có nội dung rèn luyện thể lực toàn diện. Tránh các biện pháp thụ động như sưởi ấm, dùng thuốc chống lạnh.

Phương pháp dự phòng nhiễm lạnh khi hoạt động dưới nước hiệu quả nhất là dùng quần áo lặn ướt phù hợp với nhiệt độ nước tại thời điểm lặn. Nếu thấy dấu hiệu đầu tiên của nhiễm lạnh thì phải ngừng lao động và lên bờ để không bị nhiễm lạnh nặng hơn. Giảm mất nhiệt bằng cách: giảm vận động, co người giống tư thế của bào thai để giảm mất nhiệt.

 

Thời gian hoạt động dưới nước khi mặc bộ quần áo lặn ướt

 

Nhiệt độ nước (0C)

 

1-3

 

4-6

 

7-9

 

10-12

 

13-15

 

16-18

 

Thời gian hoạt động (giờ)

 

1

 

1,5

 

2

 

3,5

 

4

 

5

 

Thời gian nghỉ giữa các cuộc bơi lặn (giờ)

 

≥4

 

≥3

 

≥24

 

Tuy nhiên, khuyến cáo không xuống nước khi nhiệt độ nước <10oC

 

Thời gian hoạt động dưới nước không mặc bộ quần áo lặn

 

Nhiệt độ nước (0C)

 

28

 

25

 

22

 

19

 

=<18

 

Thời gian hoạt động (giờ)

 

4

 

2

 

1

 

0,5

 

Không cho phép lặn

 

Thời gian nghỉ giữa các cuộc bơi lặn (giờ)

 

0,5

 

1

 

1

 

1,5

 

Đại tá, PGS,TS ĐẶNG QUỐC BẢO (Học viện Quân y)