Là cán bộ trẻ, nhưng Lê Thành Công đã 8 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, trong đó có 1 lần là Chiến sĩ thi đua toàn quân; 13 lần được tặng Bằng khen, trong đó có 1 Bằng khen của Bộ Quốc phòng, 1 Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội. Đặc biệt, từ năm 2011 trở lại đây, Lê Thành Công đã 4 lần đạt giải Nhất và 1 lần đạt giải Ba trong cuộc thi “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân”; được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 4 lần tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”...

Năm 1999, tốt nghiệp trung học phổ thông, Lê Thành Công đã đăng ký thi và trúng tuyển vào Học viện Hậu cần, chuyên ngành Chỉ huy Tham mưu Hậu cần. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên suốt thời gian học viên, Công đã phải nỗ lực phấn đấu, tiết kiệm trong chi tiêu, cố gắng không để gia đình phải lo lắng cho mình. Nỗ lực phấn đấu của cậu học viên nghèo đã được đền đáp. Năm 2002, Công được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình, dành cho sinh viên nghèo vượt khó. Đó là nguồn khích lệ, động viên để Công cố gắng phấn đấu, vươn lên trong học tập và nghiên cứu khoa học. Trong 4 năm là học viên, Lê Thành Công đều là học viên giỏi; đạt giải Ba Olympic toàn quân các môn khoa học Mác - Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; 4 lần được Học viện Hậu cần tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua; 2 lần được Tổng cục Chính trị tặng danh hiệu “Thanh niên 3 đỉnh cao quyết thắng” cấp toàn quân; được Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen năm 2003. Năm 2004, anh tốt nghiệp với danh hiệu thủ khoa Học viện Hậu cần; là học viên duy nhất của Học viện được Bộ Quốc phòng phong quân hàm trung úy; được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen và tuyên dương tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. 

 

Do có nhiều thành tích nên sau khi ra trường, Trung úy Lê Thành Công được Học viện giữ lại và điều động làm cán bộ quản lý học viên. Ở cương vị mới, Lê Thành Công tiếp tục cố gắng thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ; trong đó có 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Với bầu nhiệt huyết của một sĩ quan trẻ, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh say sưa tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu để trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ của bản thân. Sau một thời gian làm công tác quản lý học viên, Lê Thành Công được cấp trên tin tưởng điều về làm giảng viên Bộ môn Hậu cần chiến đấu. Ở cương vị mới, anh càng có nhiều thời gian để tiếp tục nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tiễn. Nhận thấy bộ môn mình giảng dạy còn có những nội dung chưa thực sự gây hứng thú cho người học, anh đã mạnh dạn trao đổi với đồng nghiệp đi trước; sau đó, bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học Hậu cần chiến đấu cho đối tượng đào tạo Cử nhân hậu cần phân đội, chuyên ngành chỉ huy tham mưu hậu cần ở Học viện Hậu cần”. Là giảng viên trẻ, quân hàm mới chỉ thượng úy; trong khi đề tài nghiên cứu là đề tài khó và có nhiều nhạy cảm, liên quan tới nhiều đối tượng, nhiều cơ quan, đơn vị; vì vậy, quá trình nghiên cứu, anh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của bản thân và được sự hỗ trợ, giúp đỡ của chỉ huy, của đồng nghiệp, anh đã hoàn thành các nội dung của đề tài. Điểm thiết thực nhất là đề tài đã đưa ra được những đánh giá về chất lượng giảng dạy, đề ra được những giải pháp khắc phục; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Qua nghiệm thu, đề tài được đông đảo học viên, đồng nghiệp và lãnh đạo, chỉ huy các cấp đánh giá cao; đề tài đạt giải Nhất Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân năm 2011 và được áp dụng rộng rãi trong giảng dạy môn học hậu cần chiến đấu tại Học viện Hậu cần.

Từ thành công bước đầu đáng khích lệ ấy, Lê Thành Công tiếp tục dành nhiều thời gian, tâm huyết cho công việc nghiên cứu khoa học. Năm 2012, đề tài “Biện pháp bảo đảm vật chất trung đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự ở địa hình đồng bằng” của anh đạt giải Nhất Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo cấp Học viện và đạt giải Ba Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân. 3 năm liên tiếp (2013, 2014, 2015), Lê Thành Công đều có đề tài nghiên cứu đạt giải Nhất tại Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo cấp Học viện và Hội thi Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân; tiêu biểu là các đề tài: “Biện pháp tổ chức sử dụng lực lượng, bố trí hậu cần trung đoàn bộ binh vận động tiến công” ; “Biện pháp trinh sát hậu cần trung đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự ở địa hình rừng núi”; “Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nội dung hỏi đáp về hậu cần chiến đấu”... Với những thành tích ấn tượng đó, Lê Thành Công tiếp tục được Học viện Hậu cần tặng 2 danh hiệu Chiến sĩ thi đua cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen khác; được Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng 4 huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo”.

Ngoài các đề tài trên, Lê Thành Công còn tích cực tham gia viết 3 đầu tài liệu, giáo trình trực tiếp phục vụ công tác giảng dạy của Bộ môn; mỗi năm đều có các bài báo đăng trên các tạp chí nghiên cứu khoa học trong và ngoài Học viện Hậu cần. Mỗi đề tài, bài báo đối với Công đều có ý nghĩa, giá trị, cảm xúc riêng. Song, đến nay, anh tâm đắc nhất với đề tài: “Biện pháp trinh sát hậu cần trung đoàn bộ binh tiến công địch phòng ngự ở địa hình rừng núi”. Bởi nó mang tính hiệu quả và có giá trị thực tiễn cao. Hiện nay, đề tài này đã được đưa vào ứng dụng trong huấn luyện cho các đối tượng học viên có liên quan tại Học viện Hậu cần. Đây còn là tài liệu tham khảo, có thể sử dụng trong diễn tập cho các trung đoàn bộ binh ở các đơn vị trong toàn quân; nhất là đối với các trung đoàn bộ binh đóng quân ở địa hình rừng núi.

 Trò chuyện với tôi, Lê Thành Công chia sẻ: “Tôi luôn xác định giảng dạy và nghiên cứu khoa học là 2 nhiệm vụ trọng tâm; có mối quan hệ chặt chẽ, hỗ trợ nhau phát triển. Muốn các công trình, đề tài thuyết phục được các cấp, mang tính hiệu quả cao, trước hết, tôi luôn chọn các đề tài xuất phát từ những đòi hỏi thực tế công tác, đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Tránh tâm lý nghiên cứu chỉ để cho có “tiêu chí”, nghiên cứu cho xong “nhiệm vụ”. Như vậy vừa lãng phí thời gian, vừa tốn công sức và kinh phí”.

Khi được hỏi về những dự định sắp tới, Thiếu tá Lê Thành Công tiết lộ: “Trước mắt, mình phải cố gắng hoàn thành xong chương trình đào tạo Cao học Hậu cần Quân sự trong năm 2016; phấn đấu tiếp tục học tập, nâng cao trình độ để giảng dạy và nghiên cứu khoa học được tốt hơn. Sau đó, tiếp tục tìm kiếm các đề tài có tính ứng dụng cao hơn; bảo đảm không chỉ ứng dụng được ở Học viện Hậu cần mà còn có thể ứng dụng được ở những đơn vị phù hợp trong toàn quân...”.

VĂN CHIỂN