Trung đoàn 82 (Quân khu 2) là đơn vị bộ binh đủ quân làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Quân số ăn của Trung đoàn đông, lượng tiêu thụ lương thực, thực phẩm (LTTP) hàng ngày rất lớn. Trong khi đó, giá LTTP trên địa bàn đóng quân cao hơn nhiều so với vùng xuôi và rất khó khai thác.
Đổi thay từ một chủ trương
Để chủ động trong tạo nguồn LTTP và giữ ổn định đời sống bộ đội, năm 2007, Trung đoàn đề ra chủ trương đẩy mạnh TGSX theo mô hình 5 cơ bản (gồm: vườn, ao, chuồng, giàn, đường nội bộ và trạm chế biến cơ bản). Trước hết, Trung đoàn tiến hành quy hoạch lại khu TGSX; mở rộng thêm diện tích chuồng trại chăn nuôi, vườn, giàn, ao cá. Quá trình qui hoạch, mở rộng diện tích, cải tạo vườn, ao, chuồng, đơn vị gặp không ít khó khăn. Do đất đai xung quanh đơn vị phần lớn là đất bạc màu, có độ dốc lớn; nguồn nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt rất hiếm, nhất là mùa khô; kinh phí trên cấp hạn hẹp. Để khắc phục khó khăn trên, trung đoàn chỉ đạo cơ quan Hậu cần tính toán kỹ các chỉ tiêu về diện tích từng khu vực; lập sơ đồ qui hoạch chi tiết; dự trù kinh phí, công lao động… để báo cáo cấp trên phê duyệt. Sau khi sơ đồ qui hoạch được thông qua, các đơn vị, bộ phận nghiêm túc triển khai thực hiện dưới sự giám sát, chỉ đạo của cơ quan Hậu cần Trung đoàn.
 |
Nhờ phát triển mạnh nuôi thả cá, năm 2011, Trung đoàn đã tự túc được 47% nhu cầu cá tươi phục vụ bữa ăn bộ đội. Ảnh: CTV
|
Trên cơ sở sơ đồ qui hoạch, Trung đoàn tổ chức cho bộ đội tận dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ tiến hành san ủi mặt bằng và phân chia các khu vực chuyên canh riêng như: khu trồng cây lấy củ, quả; khu trồng rau ăn lá, giàn cây leo; vườn ươm, vườn gia vị... Đồng thời, tổ chức cho bộ đội lấy phân xanh, rơm, rạ, bùn ao và lấy đất phù sa ven sông về rải lên luống rau để tạo độ mùn cho đất. Cùng với qui hoạch, san lấp mặt bằng, việc triển khai làm hệ thống mương dẫn nước từ trên núi về đến tận các ô, thửa vườn rau cũng được khẩn trương tiến hành. Do vậy, sau khi qui hoạch, cải tạo đất xong, đơn vị đã có thể trồng trọt được ngay. Bên cạnh đó, Trung đoàn tổ chức bộ đội tự khai thác cát, sỏi ở sông, suối, thu gom vật liệu (vôiv, vữa, gạch vỡ…) từ các công trình xây dựng và trích quĩ đơn vị mua xi măng, sắt thép tạo ra những giàn cây leo (có cột bê tông) và đường bê tông chạy xung quanh khu vực vườn tăng gia. Song song với việc qui hoạch vườn rau, Trung đoàn đã trích hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn tăng gia trên cấp và quĩ vốn đơn vị, kết hợp với công sức bộ đội để xây dựng các khu chuồng chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, mở rộng diện tích ao nuôi cá. Ngoài diện tích ao hiện có, Trung đoàn đã tổ chức cho bộ đội ngăn một phần dòng sông Nậm Rốm làm ao nuôi cá và trữ nước phục vụ chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời mượn địa phương hơn 2 ha đất để mở rộng diện tích trồng lúa, ngô, khoai, sắn làm nguồn thức ăn chăn nuôi.
Tính từ năm 2007-2011, ngoài nguồn kinh phí trên cấp, Trung đoàn đã đầu tư trên 850 triệu đồng và huy động hơn 50 nghìn ngày công lao động của bộ đội; khai thác được trên 2000 m3 cát sỏi; san lấp, nạo vét trên 3000 m3 đất đá trong khu vực tăng gia tập trung. Nhờ đó, đến nay, Trung đoàn đã hoàn chỉnh khu TGSX tập trung hoàn chỉnh, qui hoạch hợp lý, vững chắc, diện tích mở rộng gấp 3 lần so với năm 2007, với trên 40 ha vườn trồng rau chuyên canh; hơn 2.100 m2 giàn cây leo; 40 ha ao nuôi cá và trên 900m2 chuồng chăn nuôi (lợn, bò, vịt) để phát triển mạnh TGSX, cải thiện đời sống bộ đội.
Hiệu quả kinh tế đem lại
Từ việc qui hoạch, mở rộng diện tích đất đai trồng trọt và xây dựng chuồng trại chăn nuôi theo mô hình 5 cơ bản, hiện nay, Trung đoàn 82 tự túc 100% định lượng rau xanh (trong đó rau cao cấp như: bắp cải, su hào, các loại đậu, cà, bí … chiếm tới 45-50%; 100% nhu cầu cây giống (mỗi năm tiết kiệm từ 70m-100 triệu đồng chi phí mua cây giống); duy trì đàn lợn thường xuyên từ 580-650 con (tăng gấp 2 lần so với năm 2007), trong đó trên 50 con lợn nái sinh sản, tự túc được 100% nhu cầu về con giống không phải mua ngoài thị trường. Năm 2011, ngoài việc tiết kiệm được hơn 1 tỉ đồng do không phải mua lợn giống ngoài thị trường (tương đương 900 con lợn giống; đơn vị còn bán ra ngoài thị trường gần 100 con lợn giống, thu về 145.300.000 đồng. Cùng với việc tổ chức chăn nuôi lợn, Trung đoàn nuôi trên 3.500 con gia cầm (tăng gấp 5 lần so với năm 2007), trong đó có 1500 con vịt đẻ trứng, trên 50 con trâu, bò các loại tạo thêm nguồn dự trữ thực phẩm quan trọng phục vụ bữa ăn bộ đội.
Nhờ đẩy mạnh chăn nuôi và trồng trọt, chỉ tính riêng năm 2011, Trung đoàn đã thu hoạch trên 65 tấn thịt qui xô lọc ; hơn 175 tấn rau xanh; 15,2 tấn cá tươi; trên 300.000 quả trứng và trên 5 tấn lương thực các loại. Đến nay, Trung đoàn đã tự túc được 100% định lượng thịt lợn qui xô lọc và rau xanh; 47 % định lượng cá; 36 % định lượng thịt gia cầm; 60 % định lượng trứng; nhiệt lượng bình quân đạt 3.256 kcal /người /ngày. Giá thực phẩm đưa vào bữa ăn bộ đội luôn rẻ hơn so với thị trường cùng thời điểm: rau từ 50-60%, thịt lợn 10- 15%, gia cầm 7-10 % và cá 20-25%. Năm 2011, Trung đoàn đã tiết kiệm trên 648 triệu đồng từ việc sử dụng sản phẩm TGSX và tiết kiệm chất đốt. Giá trị sản phẩm thu hoạch từ TGSX, dịch vụ đạt bình quân 834.000 đồng /người tăng 46% so với năm 2007.
Từ kết quả TGSX, hàng năm, ngoài việc thu hồi vốn tái sản xuất, chi phí củng cố chuồng trại, vườn, giàn, Trung đoàn còn trích từ 300-350 triệu đồng đưa vào ăn thêm cho bộ đội các ngày lễ tết, ngày truyền thống. Ngoài ra, Trung đoàn còn chi trên 70 triệu đồng cho các hoạt động văn hoá tinh thần và tặng quà gia đình thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Do có thêm nguồn kinh phí bổ sung từ nguồn thu TGSX, đến nay, 100% bếp ăn của Trung đoàn đã được trang bị máy vi tính, máy in để phục vụ công tác chuyên môn, nghiệp vụ.
Với những kết quả đạt được, Trung đoàn 82 đã trở thành một đơn vị điển hình tiên tiến của Quân khu 2 trong công tác TGSX, cải thiện đời sống bộ đội và là một địa chỉ làm kinh tế giỏi, giúp đồng bào địa phương nơi đóng quân tham quan học tập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo trên địa bàn Tây Bắc Tổ quốc.
Lương Thảo