Cuối năm 938, lấy cớ giúp Kiều Công Tiễn chống Ngô Quyền, vua Nam Hán là Lưu Cung sai con là Lưu Hoằng Thao chỉ huy thủy binh theo đường biển vào xâm lược nước ta. Đồng thời tự mình dẫn một đạo quân khác đóng ở Hải Môn (Quảng Đông, Trung Quốc), sẵn sàng tiếp ứng.

Trước tình hình trên, Ngô Quyền quyết tâm tổ chức một trận đánh quyết định nhằm đánh bại quân xâm lược Nam Hán ngay từ đầu. Tháng 12 năm 938, từ Châu Ái (Thanh Hóa), Ngô Quyền gấp rút tiến quân ra Bắc để giết Kiều Công Tiễn (tướng dưới quyền Dương Đình Nghệ phản quốc). Do nắm chắc đường tiến quân của tướng giặc Hoằng Thao, Ngô Quyền đã nhanh chóng tổ chức huy động lực lượng chặt gỗ, đẽo cọc, đầu bịt sắt nhọn cắm xuống những nơi hiểm yếu của đáy sông Bạch Đằng (gần cửa biển) thành một hệ thống trận địa cọc ngầm lợi hại. Bố trí sẵn lực lượng quân thủy, bộ mai phục ở sát cửa sông Bạch Đằng.

Khi đoàn chiến thuyền của Hoằng Thao vào Vịnh Hạ Long, trong lúc nước thủy triều đang dâng cao, Ngô Quyền hạ lệnh cho các chiến thuyền nhẹ ra đánh và giả thua để dụ quân địch đuổi theo, đi đúng vào trận địa chiến đấu đã được dự định trước. Sau khi đoàn thuyền của quân Nam Hán vượt qua trận địa cọc ngầm đã bố trí sẵn, quân ta tổ chức đánh cầm cự với giặc. Đợi đến khi thủy triều rút xuống mạnh, hệ thống cọc ngầm đầu bịt sắt nhọn nhấp nhô mặt nước, cũng chính là lúc các chiến thuyền và toàn bộ lực lượng quân ta đánh quật trở lại. Trước sức tấn công ồ ạt của ta, quân Nam Hán không địch nổi, quay đầu rút chạy ra phía biển, thuyền đâm phải cọc nhọn bị vỡ tung, đắm rất nhiều, đội hình rối loạn, tan vỡ, quân lính chết đuối hơn một nửa. Thừa thắng, các chiến thuyền nhẹ của ta truy kích giết được Hoằng Thao, toàn bộ quân xâm lược bị tiêu diệt gọn. Vua Nam Hán đóng quân ở Hải Môn và đang gấp rút điều quân sang tiếp viện, nghe tin con chết trận đành “thương khóc, thu nhặt quân còn sót mà rút lui”. Ý đồ xâm lược của quân Nam Hán bị đè bẹp.

Qua tài liệu lịch sử còn lại có thể hiểu khái lược về công tác tổ chức bảo đảm hậu cần (BĐHC) của trận đánh này. Mặc dù thời gian chuẩn bị gấp rút, tháng 12 năm 938, Ngô Quyền kéo quân từ Châu Ái ra Bắc và tổ chức trận đánh, trong khi đó, địa bàn tác chiến ở nơi hẻo lánh rất khó khăn trong tổ chức BĐHC nhưng Ngô Quyền đã giải quyết tốt việc BĐHC cho trận đánh Bạch Đằng, dựa trên các yếu tố sau:

Chủ động xây dựng hậu phương vững mạnh, chọn nơi đứng chân, dựng đất thuận lợi làm cho quân ta ngày càng lớn mạnh để mưu cầu việc lớn. Châu Ái là vùng đất mà Ngô Quyền đã chăm lo xây dựng kinh tế suốt trong hơn 7 năm (từ năm 931 đến năm 938) từ khi giữ chức Thứ sử. Người dân Châu Ái có truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm, chăm chỉ làm nghề nông, giàu có với những sản vật phong phú: lúa gạo, hoa quả, muối ăn, nhiều loại cây thuốc quý chữa bệnh, nghề trồng bông se sợi có ở nhiều nơi; khoáng sản có sắt ở núi Tuần Thiêm, huyện Ngọc Sơn xưa kia.

Tháng 01 năm 932, Dương Đình Nghệ và bộ tướng của mình là Ngô Quyền đã từng tập hợp hơn 3.000 quân lính, tích trữ nhiều vật chất ở Châu Ái rồi từ đó mở cuộc tiến công ra Châu Giao đuổi Lý Tiến, giết tướng giặc Trần Bảo, quét sạch quân Nam Hán, giành lại nền tự chủ cho đất nước. Nếu không xây dựng hậu phương vững chắc và sự chuẩn bị chu đáo từ 7 năm về trước thì khi bước vào cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ 2 này, Ngô Quyền không thể nhanh chóng huy động được sức người, sức của và tổ chức cơ động nhanh (chủ yếu bằng đường thủy) bảo đảm cho tác chiến trong trận Bạch Đằng.

Nhanh chóng tăng cường sức mạnh cho đội quân thủy. Quân xâm lược Nam Hán có thế mạnh là: quân đông, nhiều chiến thuyền lớn. Nhưng có điểm yếu là một đạo quân xâm lược, phải hành quân đường dài bằng thuyền biển, khí hậu, thời tiết thất thường quân lính mỏi mệt, ốm yếu, lạ nước, lạ đường, gặp khó khăn về tiếp tế hậu cần. Ngược lại, phía ta, tuy chiến thuyền nhỏ hơn, nhưng đã được Ngô Quyền chủ động cho tăng cường phương tiện, công cụ chiến đấu cho đội quân thủy bằng cách tập trung sửa chữa, đóng mới hàng loạt chiến thuyền, huấn luyện kỹ, tạo ra  lực lượng thủy quân mạnh. Chiến thuyền của ta - “mông đồng” dài và nhẹ (chở được 25 binh sĩ và 25 tay chèo) có khả năng cơ động linh hoạt, “nhanh như gió” rất thuận tiện cho tác chiến. Mặt khác, quân ta chủ động đánh giặc trên địa bàn sông nước quen thuộc, nắm chắc quy luật thuỷ triều, thời tiết... Trên cơ sở đó, Ngô Quyền quyết định lấy thủy quân làm lực lượng nòng cốt tiêu diệt quân xâm lược.

Tổ chức huy động, phát huy sức mạnh hậu cần tại chỗ. Sau một chặng đường hành quân dài khoảng 200 km, đoàn quân của Ngô Quyền vừa hăng hái đánh thù trong (giết Kiều Công Tiễn), vừa bắt tay chuẩn bị lực lượng nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân địch ở cửa sông Bạch Đằng. Bí mật đưa quân và trang bị đến bố trí sẵn ở vùng cửa biển Bạch Đằng, sau đó nhanh chóng huy động tập kết lực lượng vật chất hậu cần, nhất là huy động lương thực, thuyền bè... Nhân dân địa phương đã nhiệt tình cùng quân đội nhanh chóng và bí mật chặt gỗ, vót nhọn, đầu bịt sắt, sau đó chở đến vùng cửa sông được chọn làm nơi cắm bãi cọc thành hệ thống trận địa cọc ngầm rất lợi hại. Đây là một trong yếu tố rất quan trọng giành chiến thắng trong trận này. 

Đánh giá thành công trong BĐHC trận Bạch Đằng năm 938, nhà sử học Lê Văn Hưu - thời Trần đã khái quát, đó là do tài trí thao lược “mưu giỏi, đánh giỏi” của Ngô Quyền cùng sự đóng góp to lớn, hiệu quả về sức người, sức của của nhân dân địa phương vùng cửa sông Bạch Đằng. Kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược là cuộc kháng chiến chính nghĩa bảo vệ đất nước, do đó được nhân dân  hết lòng ủng hộ.

Sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, lập triều Ngô (939 - 968), mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc sau hơn nghìn năm Bắc thuộc. Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938 và năm 1288) cùng với chiến thắng Như Nguyệt năm 1077, Chi Lăng - Xương Giang năm 1237, Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789... là những chiến công hiển hách trong lịch sử hào hùng của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn cổ vũ to lớn để các thế hệ người Việt Nam bảo vệ vững chắc Tổ quốc cùng những giá trị thiêng liêng mà các bậc tiền nhân đã truyền lại.


Đại  tá, Ths TRẦN ĐÌNH QUANG (Phòng Khoa học Quân sự-TCHC)