Những năm gần đây, phong trào tăng gia sản xuất (TGSX) của bộ đội biên phòng có bước chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt mới được triển khai đem lại hiệu quả kinh tế cao, thiết thực cải thiện đời sống bộ đội. Một trong số đó là mô hình nuôi cá hồi, cá tầm của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BCH BĐBP) tỉnh Lai Châu.
Những con cá hồi đầu tiên ở con suối Pờ Sa
Sau gần một ngày đường, vượt hàng chục ngọn núi, đèo với quãng đường trên 500 km, chúng tôi đã có mặt ở trại nuôi cá hồi, cá tầm của BCH BĐBP tỉnh Lai Châu ngay bên cạnh con suối Pờ Sa (thuộc xã Pa Vây Sử - Phong Thổ- Lai Châu). Trước mắt tôi, hơn chục chiếc bể bê-tông được xây liên hoàn với nhau. Trong mỗi bể, hàng trăm con cá hồi, cá tầm đang tung tăng, lượn lờ trong làn nước mát lạnh.
Đại tá Nguyễn Văn Tuất – Chỉ huy trưởng BCH BĐBP Lai Châu cho chúng tôi biết “cơ duyên” dẫn các anh đến với mô hình nuôi cá hồi tại đây. Trong những lần đi kiểm tra Đồn Biên phòng 293- Vàng Ma Chải- đứng chân trên địa bàn xã Pa Vây Sử, các anh nhận thấy: Nơi đây, độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển, quanh năm mát lạnh, lại có con suối nước lạnh Pờ Sa không bao giờ cạn… Khí hậu có nét giống như vùng ôn đới, xứ lạnh châu Âu. Sau những lần kiểm tra ấy, các anh đã dần hình thành ý tưởng nuôi cá hồi, cá tầm – một loại cá khó nuôi nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ ý tưởng trên, Đảng uỷ, chỉ huy BCH BĐBP tỉnh đã bàn bạc và thống nhất quyết tâm nuôi cá hồi, cá tầm để phát triển kinh tế. Tiếp đó, BCH BĐBP tỉnh đã trình đề án nuôi cá hồi, cá tầm lên Bộ Tư lệnh BĐBP và được Bộ Tư lệnh cho vay hơn 1 tỷ đồng để xây bể, mua sắm máy móc, dụng cụ, con giống và thức ăn. Ngay sau khi có vốn và được chính quyền địa phương cấp 2ha đất ven dòng suối Pờ Sa, BCH BĐBP tỉnh đã thành lập bộ phận nuôi cá hồi với 5 cán bộ, nhân viên. Sau 3 tháng khẩn trương thi công, trại cá hoàn thành với 6 bể nuôi, mỗi bể có thể tích từ 45-50m3. Thời điểm này, hai nhân viên của trại cũng vừa kết thúc lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá tại Trung tâm nuôi thuỷ sản lạnh Sa Pa trở về. Mọi công việc chuẩn bị đã xong, tất cả sẵn sàng. Tháng 10 năm 2008, 7.000 con cá hồi, cá tầm được nhập từ Trung tâm nuôi thuỷ sản lạnh Sa Pa về trong niềm háo hức, mong đợi của nhiều người. Những con cá hồi, cá tầm xuất hiện đầu tiên bên dòng suối Pờ Sa được bắt đầu từ đó.
 |
Khu vực nuôi cá hồi, cá tầm của BCH BĐBP Lai Châu
|
Thất bại là “mẹ” của thành công
Đại uý Bùi Quang Huy, nhân viên phụ trách kỹ thuật của trại chia sẻ với chúng tôi câu chuyện về những ngày đầu nuôi cá hồi đầy gian nan, vất vả. Anh kể: Lứa cá giống đầu tiên nhập về, nuôi rất suôn sẻ. Nhìn đàn cá lớn lên trông thấy, ai cũng phấn khởi, hào hứng. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, cuối năm ấy, thời tiết, khí hậu chợt đột ngột thay đổi, nhiệt độ môi trường tăng cao. Do không có kinh nghiệm nên mọi người đều rất lúng túng, không biết xử trí thế nào. Đàn cá chết nổi trắng bụng trong bể. Ngày ngày phải vớt bỏ hàng chục ki-lô-gam cá chết mà lòng cán bộ, nhân viên nặng trĩu. Các đồng chí trong BCH BĐBP tỉnh như ngồi trên đống lửa. Khi các kỹ sư Trung tâm nuôi thuỷ sản lạnh Sa Pa sang “giải cứu” thì đàn cá đã chết tới gần một nửa. Nguyên nhân được xác định là do nhiệt độ nước tăng cao, lượng ô- xy hoà tan trong nước giảm, lượng tạp chất trong nước quá mức cho phép. Trong khi đó, máy bơm nước tuần hoàn, máy tạo ô- xy… không đủ, khiến cá chết hàng loạt. Sau cuộc “ra quân trận đầu” thất bại, BCH BĐBP tỉnh thuê hẳn một kỹ sư ở lại trại gần 2 tháng trời để theo dõi sự phát triển, sinh trưởng của cá và hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm cho cán bộ, nhân viên ở đây. Trại còn được đầu tư hơn trăm triệu đồng mua bổ sung máy bơm nước, lọc nước, máy tạo ô - xy… và mở hẳn một “đường dây nóng” với bộ phận kỹ thuật của Trung tâm nuôi thuỷ sản lạnh Sa Pa, sẵn sàng tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cách xử trí tình huống từ xa. Với sự hỗ trợ nhiệt tình của Trung tâm, đàn cá đã phát triển trở lại bình thường.
Tưởng qua được cái đận “thời tiết dở chứng”, nào ngờ đến vụ thu hoạch cá lại xảy ra tình huống nan giải, do lượng cá tiêu thụ trên thị trường rất chậm. Không có xe chuyên dụng nên cá không vận chuyển được xa, chỉ có vài nhà hàng, khách sạn lớn tiêu thụ, với số lượng “khiêm tốn”. Còn dân nghèo trong vùng, hàng ngày lo chạy ăn từng bữa, đâu dám mua 200.000 đồng/kg cá về để “thưởng thức”. Cá không bán được nhưng vẫn phải nuôi. Trọng lượng cá tăng không đáng kể, trong khi đó, thức ăn lại tốn hơn. Vụ này, tuy lãi không đáng kể nhưng để lại nhiều kinh nghiệm bổ ích trong việc nuôi loại cá “khó tính” này.
Tích luỹ được kinh nghiệm và được Bộ đầu tư trên 1,5 tỷ đồng, BCH BĐBP tỉnh quyết định xây thêm 8 bể nuôi và mua 1 xe tải để vận chuyển cá sau thu hoạch tới các thị trường xa hơn. Đồng thời chủ động mở rộng tiếp thị tới các thị trường có khả năng tiêu thụ lớn như thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tháng 8 năm 2009, trại tiếp tục đầu tư trên 200 triệu đồng mua 12.000 con cá giống với nhiều lứa khác nhau để có thể cho thu hoạch quanh năm. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, chủ động thị trường tiêu thụ, các lứa cá sau này, thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2011, trung bình mỗi năm, trại thu hoạch từ 5,2- 6,5 tấn cá, trị giá từ 1,2- 1,6 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2011, với 15.000 con cá giống, trại thu hoạch khoảng 6,5 tấn cá thương phẩm, trị giá trên 1,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gồm: khấu hao vốn cố định, chi phí mua con giống, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi… còn lãi hơn 250 triệu đồng. Hiện nay, trại luôn duy trì từ 1,7-2 tấn cá thương phẩm, có những con cá tầm trọng lượng lên tới 16-18 kg, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dự kiến đến quí II/2012, trại sẽ thu hồi, trả hết vốn vay và lúc đó sẽ cho lãi ròng.
Để thương hiệu “cá hồi, cá tầm bộ đội biên phòng” vươn xa
Trao đổi với tôi, Thượng tá Nguyễn Xuân Thuỷ – Chủ nhiệm Hậu cần BCH BĐBP tỉnh trăn trở: Hiện nay, trại đang phải nhập 100% con giống của Trung tâm nuôi thuỷ sản lạnh Sa Pa; thức ăn cho cá cũng nhập toàn bộ từ nước ngoài nên chi phí rất cao và không chủ động. Cá hồi, cá tầm của trại bán ra thị trường mới chỉ dừng lại ở việc bán nguyên con, chưa qua chế biến nên giá bán còn thấp. Vì vậy, chủ trương của đơn vị là trước mắt sẽ huy động thêm nguồn vốn, từng bước đầu tư mở rộng quy mô nhằm tăng sản lượng, đủ khả năng cung cấp cho các thị trường lớn. Đồng thời chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật cao để sản xuất, tự túc con giống; từng bước tự túc một phần thức ăn cho cá. Thời gian tới, trại đầu tư mua sắm máy móc hiện đại để chế biến phi lê cá, ruốc cá các loại, làm nước mắm, sản xuất cá hộp, trứng cá hồi… đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường cao cấp; mua sắm xe lạnh để có thể vận chuyển cá đến các thị trường xa khi cần thiết. Cùng với đó, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu để sản phẩm cá hồi, cá tầm vươn tới các thị trường trong nước và nước ngoài…
Tối hôm đó, chúng tôi được cán bộ, nhân viên của trại chiêu đãi món lẩu cá hồi. Nhâm nhi chén rượu ngô với những lát cá hồi vị ngọt, thơm phức trong cái rét đầu Đông ở vùng núi Tây Bắc, chúng tôi càng cảm phục ý chí, nghị lực của những người lính biên phòng nơi đây. Họ không chỉ vững vàng cây súng giữ vững từng mảnh đất biên cương mà còn là những người năng động, giỏi giang trong làm kinh tế. Tận mắt chứng kiến những thành quả mà cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu đạt được, chúng tôi tin rằng, những dự định của các anh sẽ trở thành hiện thực trong một ngày không xa./.
Thiếu tá Lương Đình Thảo