Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, các doanh nghiệp trực thuộc Tổng cục Hậu cần được sắp xếp lại và đổi mới: có doanh nghiệp phát triển thành tổng công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ - công ty con (Tổng Công ty 28); một số doanh nghiệp được điều động về trực thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đầu mối khác (Tổng Công ty Đông Bắc, Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội… ). Thực hiện chủ trương cổ phần hóa, nhiều công ty, xí nghiệp đã được chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Hiện tại, khối DN thuộc Tổng cục Hậu cần có 01 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn là Tổng Công ty 28; 6 công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là Công ty cổ phần X20, 22, 26, 32 và Armephaco. Nếu tính cả tổ hợp các công ty con của các doanh nghiệp trên thì tổng cộng là 12 công ty với trên 10.000 lao động, phân bố trên các vùng, miền cả nước. Trong số đó, có 01 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm và trang thiết bị y tế, 01 doanh nghiệp về kim, cơ khí, lương khô, thực phẩm,… còn lại chủ yếu là dệt may, da giày. Đây là lĩnh vực sản xuất lưỡng dụng, sản phẩm phục vụ quốc phòng chủ yếu là quân trang, quân lương, trang thiết bị nhà ăn, nhà bếp, dụng cụ cấp dưỡng, đồ dùng doanh trại, tham gia thị trường hàng hóa tiêu dùng. Các doanh nghiệp này chủ yếu tự cân đối nguồn vốn, không còn được sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, quốc phòng như trước.
Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của quân đội, những năm gần đây, phương thức tạo nguồn vật chất hậu cần cũng có nhiều thay đổi theo hướng: tăng cường phân cấp, tiền tệ hóa; đa dạng hóa nguồn cung cấp, mở rộng mua sắm, thông qua đấu thầu…Yêu cầu về sản phẩm quốc phòng phải có chất lượng cao hơn theo hướng bền, đẹp, thống nhất, chính quy; đồng thời phải đáp ứng tốt và phù hợp theo nhu cầu sử dụng của bộ đội trong sinh hoạt, công tác cũng như trong các hoạt động huấn luyện, tác chiến đặc thù…
 |
Dây chuyền xe sợi bông của Tổng công ty 28. Ảnh: CTV. |
Để đáp ứng yêu cầu trên, các doanh nghiệp hậu cần (DNHC) đã chủ động, tích cực, linh hoạt xây dựng và triển khai nhiều chiến lược, chương trình, kế hoạch, dự án, giải pháp trong sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu và đạt được nhiều thành tựu, liên tục tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong môi trường mới. Đặc biệt là hoàn thành nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, tiếp tục góp phần đắc lực cho công tác bảo đảm hậu cần trong xây dựng quân đội chính quy, hiện đại. Các DHHC đã dành hàng ngàn tỷ đồng để nâng cấp, thay mới, hiện đại hóa hạ tầng, nhà xưởng, thiết bị công nghệ,.. phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Tổng Công ty 28 đã đầu tư đồng bộ dây chuyền dệt, nhuộm với công nghệ tiên tiến, có công suất 8 triệu mét/năm; thay thế, hiện đại hóa toàn bộ thiết bị ngành may ở công ty mẹ và các công ty con… trở thành một tổ hợp doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu mạnh trong ngành dệt may Việt Nam. Công ty Cổ phần X20 sắp xếp lại các cơ sở sản xuất, đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị của các xí nghiệp may, dệt vải, dệt kim. Công ty Cổ phần 22 cũng có sự chuyển biến tích cực, chủ động nghiên cứu mẫu mã, nâng cao chất lượng các loại lương khô, hàng kim, cơ khí. Công ty Cổ phần 26, 32 thay thế công nghệ sản xuất giày vải, giày da thủ công bằng các dây chuyền đồng bộ với các thiết bị cơ bản từ I-ta-ly-a, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, thay mới, cải tiến công nghệ sản xuất hàng tạp trang, đồ nhựa, mũ, phù hiệu, cấp hiệu. Công ty Cổ phần Armephaco xây dựng, nâng cấp tất cả các xí nghiệp sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-WHO... Đến nay, năng lực sản xuất dệt, may, da giày của các DNHC có thể đáp ứng cơ bản nhu cầu về quân trang bảo đảm cho toàn quân cả thường xuyên và trong các tình huống phát sinh, đột xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động phối hợp với các cục chuyên ngành liên tục nghiên cứu, cải tiến, sáng chế và trực tiếp sản xuất, cung cấp vải may quân phục, các mẫu quân trang K03, K07, K08, giày, mũ, phù hiệu, cấp hiệu, các mặt hàng dã ngoại, nghi lễ, dụng cụ cấp dưỡng, doanh cụ, thuốc men, dụng cụ y tế,... có chất lượng cao, bền, đẹp, có tính năng tác dụng phù hợp với thực tế sinh hoạt, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội chính qui, từng bước hiện đại.
Dự báo những năm tới, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có bước hồi phục và có xu hướng tăng trưởng tích cực nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, liên kết kinh tế khu vực với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được đẩy mạnh trong xu thế toàn cầu hóa. Từ 2015, Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các quy định theo Hiệp định WTO và sớm triển khai các cam kết mới như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Việt Nam - EU, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN… Chúng ta cũng đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch 5 năm 2011–2015 và tổ chức đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII… Cơ chế, chính sách về kinh tế, thương mại, doanh nghiệp… sẽ có nhiều thay đổi để hội nhập sâu, rộng hơn với thế giới và khu vực. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề mới với nhiều cơ hội, thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức,... đòi hỏi các DNHC phải năng động, chủ động, linh hoạt, sáng tạo và trách nhiệm, minh bạch hơn để hoạt động có hiệu quả, phát triển, tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững. Đồng thời, tiếp tục phục vụ đắc lực, thiết thực, hiệu quả cho công tác bảo đảm hậu cần, xây dựng quân đội chính qui, từng bước hiện đại.
Theo lộ trình, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp đổi mới theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và quy định pháp luật về doanh nghiệp. Về lâu dài, sẽ tổ chức theo hướng tập trung, giảm số lượng, tăng qui mô, qui tụ theo ngành nghề, nhóm sản phẩm và có cơ chế, chính sách, giải pháp hữu hiệu để bảo toàn năng lực sản xuất hậu cần (duy trì cơ sở sản xuất quốc phòng nòng cốt hay động viên). Vì vậy, phải đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng; thực hiện đột phá với trọng tâm là tái cơ cấu, xây dựng thương hiệu, tập trung vào các nội dung: Pháp luật, Đoàn kết, Hiệu quả, Cạnh tranh, An toàn, Trách nhiệm theo chỉ đạo của Bộ. Tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng quản trị, đáp ứng cả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường,… để giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng thị phần; bảo đảm tốt việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách.
Đối với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng, các DNHC phải phát huy truyền thống, bám sát khách hàng quân đội, với các sản phẩm chuyên dụng như quân trang, quân lương, doanh cụ, thuốc men và trang thiết bị, dụng cụ y tế... để phục vụ bộ đội, góp phần xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng-an ninh. Ưu tiên dành các nguồn lực tốt nhất để đáp ứng ở mức cao nhất, tiến tới có những ưu đãi về giá cả, điều kiện cung cấp cho khách hàng quân đội. Phối hợp chặt chẽ với các cục chuyên ngành, cơ quan, viện nghiên cứu và các đơn vị không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, chế tạo sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng của bộ đội theo yêu cầu xây dựng quân đội ngày càng chính quy, hiện đại.
Tập trung đầu tư có chiều sâu, ưu tiên cho công nghệ và các khâu trọng yếu nhằm tạo ra sự đột phá, khác biệt đi đầu, tạo ra ưu thế rõ rệt về sản phẩm. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ cấu tổ chức, xây dựng và thực hiện tốt chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, người lao động. Tạo sự gắn bó về lợi ích và trách nhiệm của mọi cá nhân bằng các chính sách bảo đảm việc làm, quyền lợi vật chất, tinh thần như lương, thưởng và cơ hội thăng tiến, cơ hội được đào tạo; có cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao và các nguồn nhân lực mới. Hoàn thiện hệ thống thông tin, chủ động áp dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử; thi hành chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Đặc biệt, phải triển khai đầy đủ các nội dung, chương trình hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện và các tổ chức quần chúng hoạt động có nền nếp, đúng điều lệ, phát huy tác dụng tốt đến sản xuất kinh doanh, xây dựng doanh nghiệp, đơn vị đảm bảo an toàn. Thực hiện tốt các mặt công tác hành chính, hậu cần, chăm lo sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quan tâm xây dựng, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp để cán bộ, nhân viên, người lao động yêu mến doanh nghiệp, yên tâm công tác.
Với bề dày truyền thống của mình, cùng sự đoàn kết, sáng tạo, bản lĩnh của những doanh nhân quân đội, tin tưởng rằng, các DNHC sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, góp phần xây dựng quân đội ngày càng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thiếu tướng NGÔ THÀNH THƯ (Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần)