Vụ phóng này diễn ra không lâu sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua gói biện pháp trừng phạt thứ 8 đối với Bình Nhưỡng, sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hồi đầu tháng này.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống khu vực cách mũi Erimo trên đảo Hokkaido khoảng 2.000km về phía đông. Theo ông Suga, hiện Nhật Bản vẫn chưa có thông tin về thiệt hại đối với các tàu thuyền và máy bay. Đài NHK đưa tin Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho rằng dựa trên tầm bắn, tên lửa Triều Tiên vừa phóng đi là một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), có thể là loại tương tự tên lửa Hwasong-12 mà nước này từng phóng qua lãnh thổ Nhật Bản hồi tháng trước.

leftcenterrightdel
Tên lửa Hwasong-12 xuất hiện trong một cuộc diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. Ảnh: AP 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản của Triều Tiên được thực hiện với tính toán nhắm tới vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Phát biểu với báo giới, ông Onodera cho biết tên lửa đã bay được 3.700km, tức là đủ tầm bắn tới Guam vốn nằm cách Triều Tiên 3.400km. Theo quan chức trên, không thể nói chắc về mục đích của Bình Nhưỡng, song cân nhắc tới những đe dọa trước đó của Triều Tiên về việc bắn tên lửa đạn đạo tới gần hòn đảo Thái Bình Dương này, có cơ sở để cho rằng Triều Tiên tiến hành vụ phóng mới nhất này có tính toán đối với đảo Guam. Ông Onodera cũng cảnh báo "các hành động tương tự từ phía Bình Nhưỡng có thể sẽ còn tiếp tục".

Trước đó, quân đội Hàn Quốc nói rằng Triều Tiên đã phóng một tên lửa "không xác định" từ quận Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng hướng về phía đông. Ước tính tên lửa Triều Tiên đã bay được 3.700km - quãng đường xa nhất trong các vụ phóng từ trước đến nay, với độ cao tối đa đạt 770km. Theo phía Hàn Quốc, đây là tên lửa đạn đạo thứ 19 được Triều Tiên phóng đi trong năm nay. Ngay sau đó, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành diễn tập tên lửa đạn đạo trên biển Nhật Bản. Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã triệu tập một phiên họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Hội đồng tham mưu trưởng liên quân (JCS) cho biết, Hàn Quốc và Mỹ đang theo dõi chặt chẽ tình hình.

Ngay sau vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, giới chức ngoại giao cho biết HĐBA LHQ sẽ tiến hành họp khẩn theo đề nghị của Mỹ và Nhật Bản. Nhiều quốc gia cũng đã lên tiếng phản đối trước hành động này của Bình Nhưỡng. Chính phủ Nhật Bản cho rằng động thái này của Triều Tiên là hành động khiêu khích không thể chấp nhận được. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, khẳng định rằng đối thoại với Bình Nhưỡng trong tình hình hiện nay là “điều không thể", đồng thời cảnh báo Seoul sẽ có hành động đáp trả mạnh. Trước đó, ngày 14-9, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết nước này đang xem xét cung cấp viện trợ trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên thông qua các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hiện giới quan sát đang hoài nghi về quyết định trên sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo lần thứ hai trong chưa đầy một tháng qua. Nhiều nhà phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên đã "giội một gáo nước lạnh" vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong vấn đề viện trợ.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg kêu gọi một "phản ứng toàn cầu" đối với vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên. Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, ông Stoltenberg cho rằng vụ phóng tên lửa là "một sự vi phạm liều lĩnh các nghị quyết của LHQ và một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế" và cần tới một phản ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo phía Trung Quốc, việc kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên không nên làm tổn hại tới các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và hòa bình.

HÙNG HÀ