Theo Channel 12, các nhà đàm phán Israel đang tỏ ra bi quan trước khả năng đạt được một thỏa thuận giữa Israel với các bên trung gian để sau đó chuyển cho Hamas. Kế hoạch của Mỹ đưa ra đề xuất “bắc cầu” mới trong 2 hoặc 3 ngày tới hiện cũng được coi là bất khả thi.
Được biết, trong nhiều tháng qua, Mỹ cùng các bên trung gian là Ai Cập và Qatar nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas. Nhiều cuộc đàm phán diễn ra luân phiên tại Qatar và Ai Cập, song chưa đạt kết quả. Lý giải điều này, Channel 12 đánh giá, cơ hội đạt được thỏa thuận đã bị “chôn vùi” bởi tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc tiếp tục duy trì quyền kiểm soát của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đối với Hành lang Philadelphi dọc biên giới Gaza-Ai Cập, lập trường vốn không được nêu rõ trong đề xuất hồi tháng 5.
|
|
Những ngôi nhà bị phá hủy bởi giao tranh ở khu vực phía Nam dải Gaza. Ảnh: Reuters
|
Hành lang Philadelphi, còn gọi là trục Salah Al Din, được xác định là một phần quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Israel và Hamas. Vấn đề kiểm soát hành lang này trở thành điểm bất đồng chính trong tiến trình đàm phán. Israel đã thiết lập quyền kiểm soát tại khu vực này từ hồi cuối tháng 5 vừa qua, bất chấp sự phản đối của Ai Cập và nhiều quốc gia Arab khác.
Ông Netanyahu cho rằng, Hành lang Philadelphi đóng vai trò là tuyến đường cung cấp vũ khí cho Hamas. Bởi vậy, nhà lãnh đạo này nhiều lần nhấn mạnh, các lực lượng Israel sẽ không rút khỏi Hành lang Philadelphi hoặc cho phép triển khai lực lượng quốc tế tại khu vực này. Trong khi đó, Hamas tuyên bố chỉ chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với Israel nếu Tel Aviv rút quân hoàn toàn khỏi Hành lang Philadelphi. Những quan điểm cứng rắn của hai bên đã khiến cuộc đàm phán lâm vào bế tắc và làm cho hy vọng về giai đoạn tạm ổn định ở Trung Đông cũng dần trở nên xa vời.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Israel đã hứng chịu những chỉ trích từ cả trong nước và quốc tế về việc chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin với phong trào Hamas. Ngay cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, đồng minh thân cận của Israel, cũng cho rằng Thủ tướng Israel “làm chưa đủ” để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Nội bộ Israel cũng không hài lòng về nỗ lực giải cứu con tin của chính phủ hiện nay. Một số quốc gia khu vực Trung Đông như Saudi Arabia, Qatar, Jordan thì cáo buộc Thủ tướng Netanyahu tìm cách đánh lạc hướng dư luận và cản trở những nỗ lực hòa giải chung nhằm đạt được lệnh ngừng bắn.
Tại cuộc họp khẩn ngày 8-9 thảo luận về cuộc xung đột ở Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra trong khu vực, đại diện các nước thành viên Liên đoàn Arab đã bày tỏ ủng hộ quan điểm phản đối sự hiện diện của quân đội Israel tại Hành lang Philadelphi, yêu cầu Israel kiềm chế và tránh làm gia tăng thêm căng thẳng cũng như bất ổn trong khu vực, khẳng định kiên quyết phản đối mọi hành vi vi phạm các nghị quyết quốc tế và có nguy cơ làm tình hình leo thang.
Cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas bùng phát hồi tháng 10 năm ngoái đã cướp đi mạng sống của khoảng 41.000 người thuộc cả hai phía, hầu hết là dân thường, đồng thời đẩy toàn khu vực Trung Đông vào một cục diện khủng hoảng phức tạp, rối ren. Các chuyên gia cho rằng, kéo dài thời gian đạt được thỏa thuận ngừng bắn cũng đồng nghĩa với việc xung đột sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội. Đáng lo ngại hơn, cuộc xung đột Hamas-Israel đang có nguy cơ lan rộng và đẩy Trung Đông vào một vòng xoáy bạo lực mới.
GIA HUY
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.