Theo CNN, sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel hôm 7-10, Qatar bị các quan chức Israel, chính trị gia Mỹ và truyền thông chỉ trích vì đã chuyển hàng trăm triệu USD viện trợ tài chính cho Gaza, nơi Hamas nắm quyền quản lý. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cáo buộc Qatar nằm trong số những nước phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công hồi tháng 10 và cho rằng quốc gia này đang hỗ trợ Hamas. Theo ông, Qatar trao cho Hamas 30 triệu USD mỗi tháng và lực lượng này đã sử dụng số tiền đó để tăng cường, củng cố quyền kiểm soát đối với dải Gaza.
 |
Người tị nạn Palestine nhận thực phẩm cứu trợ tại Rafah, dải Gaza. Ảnh AFP/TTXVN
|
Tuy nhiên, Qatar bác bỏ cáo buộc của các quan chức Israel, cảnh báo rằng những tuyên bố khiêu khích này có thể làm suy yếu nỗ lực hòa giải và thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Qatar phủ nhận những khoản tiền họ chuyển tới Gaza là dành cho Hamas, khẳng định chúng nhằm mục đích viện trợ để trả lương nhân viên chính quyền tại khu vực bị bao vây. Hamas thời điểm đó cũng cho biết khoản tài trợ này được dùng để trả lương nhân viên chính phủ cũng như phục vụ các mục đích y tế tại Gaza.
Ngày 11-12, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulaziz al-Khulaifi tuyên bố Qatar sẽ tiếp tục chuyển tiền cho Gaza nhằm hỗ trợ vùng đất, như những gì họ đã làm suốt nhiều năm qua. “Chúng tôi sẽ không thay đổi lập trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp đỡ và hỗ trợ liên tục cho anh chị em Palestine”, ông nhấn mạnh. Ngoại trưởng Al-Khulaifi nói rằng Qatar “sẽ tiếp tục tham gia với các đối tác khu vực và quốc tế để bảo đảm rằng những khoản tiền đó có thể tiếp cận được những người dễ bị tổn thương nhất và các cơ sở hạ tầng quan trọng nhất”.
Thỏa thuận cho phép Qatar chuyển tiền cho Gaza qua lãnh thổ Israel được chính quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phê chuẩn vào tháng 8-2018. Trước những phản đối trong nước, Thủ tướng Israel nói rằng thỏa thuận được thực hiện với sự phối hợp của các chuyên gia an ninh để mang lại bình yên cho những ngôi làng Israel ở phía Nam, đồng thời ngăn chặn thảm họa nhân đạo tại Gaza.
Sau đó, vào năm 2021, Israel đã chấm dứt chính sách nói trên dưới thời Thủ tướng Naftali Bennett. Cựu thủ tướng Bennett cho biết, khi còn làm Bộ trưởng Giáo dục, ông đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc cho phép Qatar chuyển tiền tới Gaza. Ông đã ngừng cho phép chuyển các vali tiền mặt vào biên giới Gaza vì tin rằng đó là “sai lầm khủng khiếp”. Theo ông, Hamas sẽ dùng những vali tiền đó để chống lại Israel. Ông thậm chí đặt câu hỏi “tại sao chúng ta lại phải cấp tiền để họ tấn công chúng ta?”.
Khi đó, các khoản thanh toán bằng tiền mặt đã dừng lại, nhưng việc chuyển tiền tới Gaza vẫn tiếp diễn, kể cả dưới thời chính quyền Thủ tướng Bennett, và được nối lại sau khi ông Netanyahu tiếp tục lên nắm quyền. Hiện nay, thỏa thuận cho phép chuyển tiền tới Gaza là một phần lý do khiến nhiều người Israel đổ lỗi cho ông Netanyahu về vụ đột kích hôm 7-10 của Hamas. Họ tin rằng khoản tiền đó là “nguồn dưỡng khí” giúp Hamas mạnh hơn và khiến cuộc tấn công trở nên chết chóc hơn.
Trong bối cảnh nguồn tiền viện trợ cho Gaza bị nghi ngại, ngày 12-12, Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ cho biết một nửa dân số Gaza đang chết đói và cho đây là tình trạng “không thể chấp nhận”. Trong khi đó, Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng cảnh báo “nạn đói đang rình rập tất cả mọi người dân”. Theo các quan chức LHQ, có tới 1,9 triệu người, tương đương 85% dân số Gaza, đã phải di dời, trong khi những điều kiện ở các khu vực phía Nam, nơi họ chuyển đến, hiện không khác gì “địa ngục”. Người dân Gaza cho biết những người bị buộc phải sơ tán liên tục chết vì đói và lạnh, cũng như vì giao tranh.
HẠNH NGUYÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.