Theo Capgemini, số lượng "cá nhân có giá trị ròng cao" (HNWI) - được định nghĩa là những người có tài sản lưu động tối thiểu 1 triệu USD - đã tăng 5,1% trong năm ngoái lên 22,8 triệu người. Tổng tài sản của nhóm HNWI đạt 86,8 nghìn tỷ USD vào năm 2023, tăng 4,7% so với năm trước đó.

Như vậy, số lượng HNWI và tổng tài sản của nhóm này đang ở mức cao nhất kể từ khi Capgemini bắt đầu thu thập dữ liệu thường niên vào năm 1997.

leftcenterrightdel

Ngân hàng đầu tư Credit Suisse ở Thụy Sĩ chuyên giúp quản lý tài sản của nhiều người giàu có nhất thế giới. Ảnh: Reuters 

"Tài lộc" của nhóm HNWI tăng lên theo đà tăng của thị trường chứng khoán. Cụ thể, chỉ số Nasdaq tại thị trường New York (Mỹ) đã tăng 43% trong năm 2023, trong khi chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 24%. Tại thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 tăng 16%, trong khi chỉ số DAX tăng 20% tại Frankfurt (Đức).

Theo báo cáo, số lượng HNWI và tài sản của họ đều giảm hơn 3% trong năm 2022 - một năm bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị. Tài sản của nhóm này ở thời điểm đó cũng ghi nhận mức suy giảm lớn nhất trong một thập kỷ do giá cổ phiếu sụt giảm. 

Năm 2023 sau đó "đã mang lại tăng trưởng kinh tế và cải thiện vận may cho các lĩnh vực đầu tư lớn để đảo ngược tình trạng suy thoái”. Báo cáo nêu rõ: “Bất chấp sự bấp bênh về lãi suất và lợi suất trái phiếu tăng cao, giá trị cổ phiếu vẫn đi lên cùng thị trường công nghệ, được thúc đẩy bởi cảm hứng đối với trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động tiềm tàng của lĩnh vực này đối với nền kinh tế”. 

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, số người giàu có và tình trạng bất bình đẳng trên thế giới ngày càng gia tăng đã làm dấy lên các cuộc tranh luận về việc bắt buộc người giàu phải đóng thuế một cách công bằng.

Hiện có Brazil và Pháp kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với những người giàu nhất thế giới.

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.