 |
Núi lửa Anak Krakatoa, nằm ở eo biển Sunda. Eo biển này nằm giữa các đảo của Indonesia là Java và Sumatra, nối biển Java với Ấn Độ Dương. Ảnh: GOOGLE MAPS |
Theo Sutopo Purwo Nugroho, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý thiên tai Indonesia, trận sóng thần tràn vào khu vực eo biển Sunda của nước này lúc 21 giờ 30 phút, giờ địa phương, ngày 22-12. Trước đó không có thông tin về một trận động đất nào xảy ra nên theo Cơ quan Quản lý thiên tai Indonesia, nhiều khả năng hoạt động phun trào của núi lửa ngoài khơi Indonesia đã tạo ra đợt sóng thần này.
Trên Facebook, người đàn ông có tên Oystein Lund Anderson viết, anh đang ở bãi biển để chụp ảnh núi lửa Krakatau thì thấy một cơn sóng lớn đánh vào. "Tôi phải chạy, sóng trào vào trong đất liền 15-20m. Cơn sóng tiếp theo còn tràn vào khu vực khách sạn tôi đang ở và làm ngập những chiếc xe trên con đường ở phía sau", Oystein kể lại. "Tôi di tản được gia đình đến vùng cao hơn qua các con đường rừng và các ngôi làng, nơi chúng tôi được người dân địa phương giúp đỡ”, Andersen cho biết thêm.
 |
Sóng thần tàn phá khu vực biển Carita ngày 22-12. Ảnh: Le Monde |
Tại bãi biễn Carita, nơi thu hút rất nhiều du khách, Muhammad Bintang, 15 tuổi, cho biết, cậu cùng nhóm bạn ra ngắm biển ban đêm lúc 21 giờ thì bất ngờ thấy nước dâng cao hơn bình thường. Vài phút sau, những con sóng đen ngòm tấn công lên bãi biển, chúng tôi chỉ biết quay đầu chạy thật nhanh khi có thể”. Trời tối om vì toàn thành phố bị mất điện”, Muhammad Bintang kể lại.
Thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy, sóng thần đã khiến ít nhất 62 người thiệt mạng, gần 600 người bị thương và nhiều người mất tích. Ngoài ra, sóng thần cũng gây thiệt hại nặng nề về tài sản khi nó san phẳng và phá hủy 430 ngôi nhà, 9 khách sạn và hàng chục tàu bè ở khu vực bãi biển phía Nam đảo Sumatra và cực Tây đảo Java.
Cơ quan Khí tượng và Địa chất Indonesia (BMKG) cho hay, sóng thần có độ cao khoảng 0,9m tràn vào khu vực Serang, độ cao sóng ở các khu vực khác như Pandeglang và Nam Lampung là 0,28-0,36m. Theo trang mạng lapresse.ca, ban đầu, nhà chức trách Indonesia đưa ra rằng, có những con sóng lớn nhưng không phải sóng thần và kêu gọi người dân không nên hoảng sợ. "Đó là một sai lầm, chúng tôi xin lỗi", ông Sutopo Purwo Nugroho viết trên Twitter.
 |
Người dân sơ tán tại một nhà thờ sau khi sóng thần xảy ra. Ảnh: Reuters |
Giới chức Indonesia cho biết, sóng thần không xảy ra sau một trận động đất mà có thể do thủy triều dâng bất thường vào thời điểm trăng non và lở đất dưới đáy biển do hoạt động tại đảo núi lửa Anak Krakatau. Anak Krakatau (nghĩa là Con của Krakatau) là một núi lửa nhỏ mới nổi lên khỏi mặt nước 50 năm trước, kể từ sau đợt phun trào của núi lửa Krakatau năm 1883, làm hơn 36.000 người thiệt mạng. Anak Krakatau là một trong 127 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Núi lửa Anka Krakatau đã có dấu hiệu hoạt động từ nhiều tháng qua, nhưng vì nó ở xa đất liền nên nhiều người cho rằng nó vô hại.
Indonesia là một quốc đảo tập trung 17.000 hòn đảo nhỏ và nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng kiến tạo va chạm nên là một trong những nước hứng chịu nhiều vụ phun trào núi lửa và động đất nhất thế giới. Ngày 28-9 vừa qua, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter đã gây ra sóng thần, quét qua thành phố Palu, làm 2073 người thiệt mạng, 5000 người đến nay vẫn mất tích.
Trước đó, năm 2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter ở ngoài khơi Sumatra đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở nhiều quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó Indonesia có 168.000 nạn nhân.
PHƯƠNG LINH