Một nhóm các nhà khoa học Mỹ vừa công bố nghiên cứu cho thấy cá trê và rắn biển với kích thước lớn đã từng sinh sống tại đây. Vùng biển có độ sâu 50m và từng trải rộng 3.000km2 trước kia giờ trở thành sa mạc cát khô cằn bao phủ đến 10 quốc gia ở Bắc Phi.
Nhà cổ sinh vật học Maureen O’Leary đến từ Đại học Stony Brook (New York, Mỹ), đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết nhóm của bà đã tiến hành nghiên cứu dựa trên ghi chép của các đội thám hiểm Anh ở sa mạc thuộc lãnh thổ Mali vào những năm đầu 1980 cũng như những hóa thạch thu thập được ở khu vực trên.
 |
Các hóa thạch được tìm thấy ở Mali và được phục dựng thành các sinh vật biển cổ đại. |
Bộ sưu tập hóa thạch này thuộc về sở hữu của chính phủ Mali nhưng hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ dưới hình thức cho mượn để nghiên cứu khoa học.
Theo bà O’Leary, khoảng 50-100 triệu năm trước, vùng phía bắc Mali trông giống như lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ ngày nay. Khu vực này có rừng ngập mặn và sự hiện hữu của các loài động vật thân mềm.
Vào cuối kỷ Phấn Trắng (Cretaceous) và đầu kỷ Cổ Cận (Paleogene), các loài thân mềm đã tiến hóa thành những sinh vật biển khổng lồ, như cá trê dài 1,6m, rắn biển dài 12m và loài cá xương pycnodont dài 1,2m.
 |
Hình ảnh giới thiệu các sinh vật biển từng sinh sống tại khu vực sa mạc Sahara trước kia. |
Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho rằng, đó là nhờ hiện tượng island gigantism (hiện tượng khổng lồ ở đảo), có nghĩa là trong môi trường sống không có hoặc có rất ít loài săn mồi, hay khu vực này rất giàu thức ăn nên chúng cứ “vô tư” phát triển kích thước, hoặc là cả hai.
Thậm chí vào năm 1902, giới khảo cổ học còn tìm thấy hóa thạch 36 triệu năm tuổi của một con cá voi nằm giữa sa mạc Sahara trên lãnh thổ Ai Cập. Khi tìm kiếm thêm hóa thạch ở khu vực này, người ta tiếp tục phát hiện nhiều xương cá voi hơn trong một vùng trũng mà về sau có tên là Wadi Al-Hitan, có nghĩa là Thung lũng cá voi.
Do đó, các nhà khoa học có thêm cơ sở cho nhận định rằng, những hoạt động kiến tạo địa chất dữ dội trong lịch sử hàng triệu năm đã làm đáy biển trồi lên và biến khu vực này thành lục địa như ngày nay.
KHÁNH NGÂN (theo The Guardian)