Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc Wang Yiwei nêu rõ, khi Trung Quốc tiếp tục phát triển thịnh vượng, mô hình thành công của nước này mang đến những cơ hội và nguồn cảm hứng mới cho cộng đồng quốc tế.
“Với việc chủ động, tích cực tăng cường đầu tư vào các nước đang phát triển và đưa ra cách tiếp cận toàn diện hơn đối với hiện đại hóa, Trung Quốc đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh với các quốc gia trên thế giới”, Tân Hoa xã dẫn lời ông Wang lý giải.
Tại Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 1-7-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc đã hoàn thành mục tiêu “100 năm đầu tiên” là xây dựng xã hội toàn diện khá giả và đang tiến những bước hướng tới mục tiêu “100 năm thứ hai” là xây dựng Trung Quốc trở thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt. Ngày nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ hiện đại, với mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, mạng lưới đường cao tốc và các cụm cầu cảng tầm cỡ thế giới; các tuyến đường hàng không và hàng hải cũng đã kết nối đến mọi nơi trên thế giới. Trung Quốc cũng đã đạt được nhiều thành tựu về hàng không vũ trụ, tự động hóa công nghiệp, ứng dụng công nghệ 5G, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo...
 |
Công nhân trên công trường lắp đặt các hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời tại khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
|
Tuy nhiên, Tân Hoa xã cho biết, cách làm của Trung Quốc hướng đến đôi bên cùng có lợi, cùng nhau phát triển, tất cả người dân đều thịnh vượng. Đơn cử, trong 40 năm thực hiện công cuộc hiện đại hóa, Trung Quốc được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công nhận đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho hơn 800 triệu người trên thế giới và trở thành hình mẫu cho các quốc gia về xóa đói giảm nghèo trên diện rộng.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ghi nhận, trong những năm gần đây, Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều tiến bộ trong công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tổ chức Global Energy Monitor đánh giá, kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về năng lượng tái tạo của Bắc Kinh là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện cam kết của nước này về giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn này, Trung Quốc đưa ra mục tiêu ít nhất một nửa nhu cầu điện tăng lên sẽ được cung cấp bởi năng lượng tái tạo. Kế hoạch mới hướng tới công suất lắp đặt năng lượng tái tạo đạt 1,8 triệu GW vào năm 2025, từ đó năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng 35% tổng sản lượng điện của vào năm 2025.
“Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động với thời cơ và thách thức đan xen, mô hình đổi mới, hiện đại hóa của Trung Quốc là bài học kinh nghiệm quý giá các nước trên thế giới nói chung và các nước đang phát triển nói riêng”, Tân Hoa xã khẳng định.
VIỆT TRUNG (theo Tân Hoa xã)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.