leftcenterrightdel
Phiên tòa xét xử Tập đoàn hóa chất Monsanto (Ảnh: Monsanto Tribunal) 
Theo thông tin từ trang web chính thức của Tòa án Quốc tế về Monsanto, ngày càng có nhiều người trên thế giới nhận thức được rằng: Hình thức sản xuất hóa học của công ty này đã làm ô nhiễm môi trường, thúc đẩy quá trình mất đa dạng sinh học và góp phần đáng kể vào sự ấm lên toàn cầu.

Cũng theo trang web nói trên, ngay từ đầu thế kỷ 20, công ty Monsanto có trụ sở ở Mỹ đã phát triển một số sản phẩm cực độc, bao gồm: Chất PCB, một trong 12 chất gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người và động vật; chất “2,4,5 T”, một thành tố tạo nên chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã rải ở Việt Nam trong chiến tranh và tiếp tục gây ra các dị tật khi sinh cũng như bệnh ung thư cho tới tận ngày nay; chất diệt cỏ Lasso, hiện đã bị cấm ở châu Âu; RoundUp-chất diệt cỏ được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và cũng là nguyên nhân của các scandal về sức khỏe, môi trường lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Nói chung, những sản phẩm của công ty Monsanto được xác định là gây tổn hại lâu dài cho môi trường, đồng thời dẫn đến tình trạng bệnh tật, tử vong cho hàng ngàn người.

Trong phiên tòa, 5 vị thẩm phán quốc tế nổi tiếng đã nghe phần trình bày của 30 nhân chứng và chuyên gia đến từ 5 châu lục. Trong số những điều khoản xem xét, tòa kết luận rằng, các hoạt động của Monsanto đã ảnh hưởng tiêu cực đến quyền của con người trong 4 lĩnh vực, bao gồm: Quyền được có môi trường khỏe mạnh, quyền tiếp cận với thực phẩm, quyền sống khỏe mạnh và quyền tự do trong nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, theo ý kiến của các nhà phê bình, Monsanto còn áp dụng một “chiến lược che giấu có hệ thống” nhằm phớt lờ các tác hại đối với con người và môi trường mà các sản phẩm của công ty này gây ra. Để thực hiện “chiến lược” đó, Monsanto đã sử dụng rất nhiều “tiểu xảo” như vận động hành lang các cơ quan quản lý và chính phủ, nói dối, tài trợ cho nghiên cứu khoa học giả, thao túng giới truyền thông…

Từ vụ án Monsanto, các thẩm phán cũng đưa ra những kết luận và khuyến nghị mang tính “bước ngoặt” về hoạt động, trách nhiệm của các doanh nghiệp và những bước phát triển cần thiết trong luật quốc tế. Các thẩm phán cho rằng, mặc dù hiện nay đã có nhiều công cụ bảo vệ môi trường, song vẫn tồn tại khoảng cách giữa các cam kết và công tác bảo vệ môi trường thực sự. Bởi vậy, cần phải cải thiện luật quốc tế để bảo vệ môi trường tốt hơn và đưa tội hủy diệt môi trường vào diện điều chỉnh của luật. Các doanh nghiệp đa quốc gia phải bị coi là các bên có trách nhiệm và phải chịu sự phán xét của Tòa án Hình sự Quốc tế nếu như vi phạm các quyền cơ bản.

Theo pháp luật hiện có thì chưa thể truy tố hình sự một công ty như Monsanto hay ban lãnh đạo của công ty này vì các tội chống lại sức khỏe con người và sự nguyên vẹn của môi trường. Tuy nhiên, nếu tội hủy diệt môi trường được công nhận trong luật hình sự quốc tế thì các hoạt động nói trên của Monsanto hoàn toàn có thể cấu thành tội hủy diệt môi trường.

Tòa án Quốc tế về Monsanto được tổ chức bởi các thành viên  thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Vì là phiên tòa công dân nên kết luận của tòa chỉ là kiến nghị tham vấn, không có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, những kiến nghị tham vấn đó sẽ được chuyển đến Liên hợp quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc và Tập đoàn Monsanto. Ngoài ra, các nạn nhân của Công ty Monsanto hoàn toàn có thể sử dụng những kết luận và luận điểm pháp lý được đưa ra tại phiên tòa để sau này tiến hành khởi kiện Monsanto.

Quan trọng hơn nữa, phiên tòa xét xử Công ty Monsanto chắc chắn sẽ có tác dụng “đánh động” dư luận, thúc đẩy thực thi pháp luật, đồng thời mở đường cho các cuộc chiến pháp lý nhằm vạch trần tội hủy hoại môi trường và cuộc sống con người của một số công ty, doanh nghiệp đa quốc gia.

TRUNG DŨNG