Dấu tay các binh sĩ Trung Quốc thời Thế chiến II được phóng to

Nguồn tin của hãng AFP dẫn lời Trưởng phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản Y-a-xu-hi-xa Si-ô-ra-ki cho biết, trong hai ngày 26 và 27-12, một phái đoàn gồm 10 quan chức Nhật Bản sẽ tới Bắc Kinh để hội đàm với phía đồng nhiệm Trung Quốc về việc tiến hành cuộc nghiên cứu chung đầu tiên về vấn đề lịch sử nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước và hoá giải những bất đồng trong quá khứ.

Dự án nghiên cứu lịch sử chung được khởi xướng từ tháng 10 vừa qua trong chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê tới Bắc Kinh và hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Tiếp theo đó, tại buổi hội đàm song phương bên lề Hội nghị các lãnh đạo kinh tế APEC-14 ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng A-bê đã bày tỏ mong muốn đưa quan hệ Trung - Nhật trở thành quan hệ chiến lược và cùng có lợi.

Quan hệ giữa hai cường quốc châu Á có những bất đồng sâu sắc xung quanh việc diễn giải sự kiện lịch sử phát xít Nhật chiếm đóng Trung Quốc trong những năm 1931-1945. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn còn cảm thấy chua xót về những tổn thất về người và của mà phía Nhật Bản đã gây ra trong chiến tranh. Đó cũng chính là lý do gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt giữa hai nước về cuốn sách giáo khoa lịch sử. Bắc Kinh nói rằng, có 300 nghìn dân thường đã thiệt mạng khi phát xít Nhật tàn phá một thành phố ở phía đông Trung Quốc. Trong khi đó, phía Tô-ki-ô chỉ thừa nhận có 140 nghìn nạn nhân trong sự kiện này.

Ngoài tranh chấp về cuốn sách giáo khoa lịch sử, việc cựu Thủ tướng Nhật Côi-dư-mi nhiều lần đến viếng ngôi đền gây tranh cãi Y-a-xu-cu-ni ở trung tâm thủ đô Tô-ki-ô, nơi tưởng niệm 2,5 triệu người chết trong chiến tranh, gồm cả 14 tội phạm chiến tranh, cũng làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã tẩy chay các chuyến thăm song phương hoặc cuộc gặp cấp cao với phía Nhật Bản bên lề các hội nghị quốc tế chỉ nhằm mục đích phản đối những chuyến thăm đền Y-a-xu-cu-ni của Thủ tướng Côi-dư-mi.

Tại cuộc họp báo ở Tô-ki-ô, Giáo sư Si-ni-chi Ki-tao-ca thuộc Trường Đại học Tổng hợp Tô-ki-ô, người được chỉ định làm trưởng phái đoàn của Nhật Bản sẽ tới Bắc Kinh vào tuần tới, cho biết sự khác biệt trong việc diễn giải vấn đề lịch sử giữa Nhật Bản và Trung Quốc hiện vẫn còn quá lớn. Vì vậy, mối quan tâm đầu tiên của Nhật Bản là tìm cách thu hẹp khoảng cách này bằng cách phân loại vấn đề và theo đuổi một cuộc thảo luận mang tính học thuật. “Tôi không nghĩ rằng, tập trung vào khía cạnh xấu của lịch sử là cách hiểu đúng về lịch sử. Tô-ki-ô không muốn áp đặt cách hiểu một chiều”, ông Ki-tao-ca nói.

Cùng ngày, trong buổi tiếp nguyên Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản Cô-i-chi Ca-tô đang ở thăm Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đường Gia Triền cho biết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhất trí về nguyên tắc sẽ sang thăm Nhật Bản vào năm tới. Đây sẽ là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc, sau chuyến thăm của Chủ tịch Giang Trạch Dân từ năm 1998 đến nay.

LINH OANH (tổng hợp)