Từ ngày đó đến nay đã 30 năm. Những tội ác mà chế độ diệt chủng do Pôn Pốt cầm đầu gây ra cho nhân dân Cam-pu-chia và nhân dân các tỉnh ở biên giới Tây Nam Việt Nam vẫn hằn sâu trong ký ức nhân loại. Với những nhân chứng lịch sử, qua các tài liệu thu được, qua các báo chí, phim ảnh, nhân dân Cam-pu-chia, nhân dân Việt Nam càng biết rõ, hiểu sâu hơn nguồn gốc sinh ra cái quái thai, mất hết tính người, tội ác của chúng nói sao cho hết. Tuy chế độ diệt chủng đã bị đập tan, nhiều tên đầu sỏ đã chết, nhưng lịch sử nhân loại không thể bỏ qua những tội ác mà chúng đã thực hiện. Tòa án Quốc tế đã mở phiên tòa xét xử chúng.
Ôn lại hệ thống các sự kiện ở Cam-pu-chia, trước ngày 17-4-1975, Pôn Pốt đã thực hiện việc thanh trừng nội bộ, giết hại hàng loạt những cán bộ chủ chốt của Đảng Cộng sản Cam-pu-chia, những cán bộ đã được học tập ở Việt Nam. Sau ngày 17-4-1975, khi Pôn Pốt chiếm được Phnôm Pênh, chúng bắt đầu thực hiện chính sách mới và ra lệnh tất cả nhân dân phải rời khỏi thành phố. Đàn ông, đàn bà, già, trẻ, sư sãi, nhà giáo, nhà buôn, sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ bị lính Pôn Pốt lùa đi như những bầy nô lệ, sống tập trung ở từng trang trại, lao động tập thể. Pôn Pốt ban hành Hiến pháp mới, trong đó cấm các Tôn giáo hoạt động, phế truất Quốc trưởng Xi-ha-núc và giam lỏng Nhà vua tại Hoàng Cung.
Chủ trương xây dựng xã hội mới: không chợ, không tiền, không trường học, không trí thức, không tôn giáo, không đô thị… nhân dân không có quyền nói, chỉ được cúi đầu tuân lệnh Ăng-ka và hồi hộp, lo âu, chờ đợi cái chết đến lượt mình bất cứ lúc nào.
Theo thống kê của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, trong thời gian Pôn Pốt cầm quyền, chúng đã giết hại hơn 2,7 triệu người, trong đó có nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều bác sĩ, dược sĩ, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức. Nhiều trường học, bệnh viện và cơ sở y tế, các ngôi chùa thờ Phật, thờ đạo Thiên chúa và đạo Hồi bị phá hủy hoặc biến thành nhà kho, thành trại giam. Cuộc diệt chủng đối với chính đồng bào mình bắt đầu và ngày càng rùng rợn.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta thắng lợi, ngày 30-4-1975 miền Nam vừa được giải phóng, nhân dân ta đang tập trung sức để hàn gắn vết thương chiến tranh, thì tập đoàn Pôn Pốt đã tiến hành những hoạt động quân sự chống Việt Nam, mở đầu là đổ quân vào đảo Phú Quốc, rồi đánh chiếm đảo Thổ Chu, bắt đi và thủ tiêu hơn 500 dân thường Việt Nam. Ngày 30-4-1977, đúng vào dịp Việt Nam kỷ niệm 2 năm giải phóng miền Nam, Pôn Pốt đã đồng loạt mở cuộc tấn công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Tính từ tháng 5-1975 đến tháng 3-1978, chúng đã giết hại và làm bị thương hơn 10.000 dân thường Việt Nam. Hàng ngàn trường học, bệnh viện, nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của dân cũng bị chúng cướp sạch, phá sạch, đốt sạch.
Bên trong đất nước Cam-pu-chia, trước sự khủng bố và kìm kẹp dã man của Pôn Pốt đã làm bùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ diệt chủng ở khắp nơi. Hàng vạn dân Cam-pu-chia đã chạy thoát sang tị nạn ở Việt Nam. Một số đảng viên cộng sản chân chính sớm nhận rõ bản chất phản động của Pôn Pốt như các ông Sai Phu Thoong, Hêng Xom-rin, Chia Xim, Hun Xen, Bu Thoong đã tập hợp những thanh niên yêu nước và huấn luyện vũ trang cùng với những người lãnh đạo nổi dậy chống Pôn Pốt ở các địa phương, xây dựng lại Đảng Nhân dân Cam-pu-chia. Ngày 2-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia với Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia làm nòng cốt lãnh đạo, đã thành lập và ra mắt nhân dân ở Xnuôn, thuộc tỉnh Crô-chê. Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đề nghị với Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, cứu giúp cả một dân tộc”. Trước yêu cầu của bạn, nhân dân ta phải làm gì, những người anh em đã đoàn kết cùng nhau chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nay đang bị bọn phản bội là Tập đoàn Pôn Pốt diệt chủng và chính chúng cũng là nguồn gốc gây ra cuộc chiến tranh man rợ ở biên giới Tây Nam Việt Nam. Chừng nào còn chế độ diệt chủng Pôn Pốt thì dân tộc Cam-pu-chia còn đắm chìm trong thảm họa diệt chủng và Việt Nam không bao giờ có hòa bình và ổn định để xây dựng. Việt Nam đã tự kiềm chế và nhiều lần đề nghị với Pôn Pốt cùng nhau đàm phán để giải quyết xung đột một cách hòa bình, kể cả những đề nghị thông qua trung gian như Liên hợp quốc, phong trào Không liên kết để hai bên gặp nhau thương lượng, nhưng Pôn Pốt đã cự tuyệt và tiếp tục cuộc chiến tranh, cho nên nhân dân Việt Nam theo tiếng gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia, Mặt trận dân tộc cứu nước Cam-pu-chia và quyền bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình. Ngày 23-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược đập tan cuộc tấn công toàn tuyến biên giới của quân Pôn Pốt, và sau đó chuyển sang phối hợp cùng các lực lượng vũ trang của Cam-pu-chia mới được xây dựng, đồng loạt tiến công vào sào huyệt của Pôn Pốt ở Phnôm Pênh, bọn đầu sỏ đã tháo chạy, Phnôm Pênh được giải phóng vào ngày 7-1-1979. Trên nhiều hướng khác, lực lượng quân sự của chúng phần lớn đã bị tiêu diệt, đến ngày 17-1-1979, sau 25 ngày tất cả các thành phố, thị xã, thị trấn trên đất nước Cam-pu-chia, lực lượng cách mạng đã làm chủ, chế độ diệt chủng đã bị đập tan và xóa bỏ. Những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đi tới đâu cũng được nhân dân đón tiếp bằng sự vui mừng không kể xiết. Nhiều người già có, trẻ có chưa thoát khỏi nỗi kinh hoàng, khi gặp bộ đội Việt Nam họ đã òa lên khóc và sẵn sàng giúp đỡ các lực lượng truy đuổi Pôn Pốt. Cán bộ, chiến sĩ Việt Nam càng xúc động trước sự đau khổ cùng cực của nhân dân Cam-pu-chia; sự dã man kinh tởm của chế độ Pôn Pốt khi tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra còn khủng khiếp gấp bội, ngoài sức tưởng tượng của con người.
Trên toàn bộ đất nước Cam-pu-chia vừa được giải phóng, bộ đội, chuyên gia Việt Nam và cán bộ Cam-pu-chia đã giúp hàng triệu người dân đang bị đói khát, xóm làng tan hoang không còn nhà ở, phải gấp rút cứu đói, cứu đau, giúp dân sản xuất, làm lại nhà cửa, bệnh xá, khôi phục chùa chiền v.v.. Các chiến sĩ Việt Nam căm thù bọn Pôn Pốt giết hại đồng bào mình nhưng không có hành động trả thù nào đối với hàng binh và tù binh của chế độ Pôn Pốt, biết trân trọng và bảo vệ các di tích lịch sử quý giá như: chùa vàng, chùa bạc… thể hiện tính nhân văn cao đẹp của Đội quân Cách mạng chân chính. Nhân dân Cam-pu-chia gọi bộ đội Việt Nam là “Bộ đội nhà Phật” đã giúp nhân dân Cam-pu-chia thực hiện một cuộc hồi sinh vĩ đại.
Chế độ Pôn Pốt diệt chủng tuy đã bị đập tan, nhưng lực lượng của Pôn Pốt một số chạy thoát tản ra rừng núi và trong nội địa, chúng bắt đầu phản kích, tổ chức khủng bố nhân dân, nguy cơ chế độ diệt chủng quay trở lại hằng ngày đè nặng lên tâm lý nhân dân Cam-pu-chia. Trước tình hình đó, với lực lượng mới của Cam-pu-chia còn non trẻ, chưa thể tự bảo vệ được. Chính phủ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia đã chính thức yêu cầu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở lại chưa thể rút về Việt Nam ngay. Nếu rút về ngay trong thời điểm ấy có nghĩa là bỏ mặc nhân dân Cam-pu-chia lại rơi vào thảm họa và hiển nhiên là cuộc diệt chủng mới còn tàn bạo gấp bội lần, quân Pôn Pốt sẽ áp sát biên giới tiếp tục cuộc chiến tranh tội ác chống Việt Nam.
Theo yêu cầu của bạn, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định quân tình nguyện Việt Nam, chuyên gia Việt Nam ở lại thêm một thời gian giúp nhân dân Cam-pu-chia chống chế độ diệt chủng quay trở lại và ta sẽ rút dần từng đợt. Cho đến ngày 27-9-1989 thì chúng ta hoàn toàn rút hết quân đội và chuyên gia Việt Nam về nước. Trên thực tế, sau khi ta rút hoàn toàn, Nhà nước, quân đội nhân dân Cam-pu-chia còn phải tốn thêm 10 năm nữa mới làm tan rã hoàn toàn lực lượng Pôn Pốt, và Tòa án Quốc tế mới lập phiên tòa xét xử tội ác diệt chủng của chúng. Nhân dân thế giới càng hiểu rõ hơn tội ác man rợ, diệt chủng của Pôn Pốt và càng khâm phục sự nhân đạo, chính nghĩa hiếm có của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam, đã cứu một dân tộc láng giềng thoát khỏi thảm họa diệt chủng, thực hiện hồi sinh dân tộc trong thế kỷ XX.
Đất nước Cam-pu-chia đã hồi sinh, đang sống trong hòa bình, xây dựng và phát triển, Vương quốc Cam-pu-chia tái lập, Nhà vua Xi-ha-núc đã thoái vị và vua Xi-ha-mô-ni lên nối ngôi tiếp tục những ý tưởng cao đẹp yêu hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng của Quốc vương Xi-ha-núc trước đây. Nhân dân Cam-pu-chia đã có cuộc sống mới ấm no, tự do, hạnh phúc, đang hòa nhịp cùng bè bạn quốc tế xây dựng và phát triển không ngừng, đưa đất nước tiến lên ngày càng giàu đẹp.
Chúc tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Cam-pu-chia và Việt Nam mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Ngày 4 tháng 1 năm 2009
LÊ KHẢ PHIÊU