Người dân Trung Quốc tham gia trồng rừng. Ảnh: gfd.com.vn

Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) được kì vọng sẽ có những cam kết tầm vĩ mô cho việc bảo vệ “hành tinh xanh”. Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố đến năm 2020 sẽ cắt giảm 40% đến 45% lượng khí thải. Trong khi đó, những người nông dân tại một huyện  ở Tây Nam Trung Quốc đã có những hành động nhỏ nhưng hết sức thiết thực để cứu môi trường sống. “Tôi nhớ khi còn trẻ, chúng tôi thường chặt cả cây con về làm củi. Nhưng bây giờ, thậm chí cây to chúng tôi cũng không động đến”, anh Li Xue, một người dân huyện Lôi Sơn, tỉnh Quý Châu nói.

Huyện Lôi Sơn nằm ở thượng nguồn hai con sông lớn của Trung Quốc là Dương Tử và Châu Giang. Đây là nơi từng một thời được coi là khu vực có hệ sinh thái dễ bị tổn thương nhất Trung Quốc. Nhờ chiến dịch trồng rừng cùng các biện pháp bảo vệ rừng hiệu quả của chính quyền địa phương và người dân trong những năm gần đây, độ che phủ của rừng ở Lôi Sơn đã lên tới 70%, tăng 11% so với cách đây 10 năm. “Hiện nay chúng tôi thường xuyên nhìn thấy lợn rừng đi cả đàn, trước đây thì họa hoằn lắm mới trông thấy một con”, Li Xue cho hay.

Theo ông Lí Thiên Hữu, Phó trưởng phòng Lâm nghiệp huyện Lôi Sơn, chính quyền địa phương bắt đầu khoán đất lâm nghiệp cho nông dân từ năm 2007. Đến thời điểm hiện tại, khoảng 190 nghìn nông dân đã tự làm chủ rừng với diện tích lên tới gần 85 nghìn héc-ta. “Đây giống như một “ngân hàng xanh” mà chúng tôi đã lập ra. Qua việc khai thác gỗ, trồng rừng và du lịch sinh thái, người dân đã giàu lên trông thấy”, ông Lí Thiên Hữu nói. Chính quyền huyện Lôi Sơn cũng có chính sách hỗ trợ tiền mặt cho nông dân để quản lí đất rừng được khoán. Việc trồng cây Litsea đã mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân Lôi Sơn. Loại cây này có khả năng phát triển nhanh trên đất cằn. Quả của nó vừa có thể ăn, vừa có thể chiết xuất làm dầu thực vật.

Trước đây, chính quyền địa phương ở Trung Quốc chủ yếu dùng biện pháp “cứng”, sử dụng kiểm lâm để bảo vệ từng cánh rừng. Hiện nay, rừng được bảo vệ bằng biện pháp “mềm”. Người dân được đặt vào vị trí trung tâm. Họ được khuyến khích, hỗ trợ đưa ra sáng kiến vừa bảo vệ vừa làm kinh tế từ rừng. Chính những mô hình như “ngân hàng xanh” ở huyện Lôi Sơn đã nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nông dân Trung Quốc.

Trước kia, làng Chuanya ở huyện Đại Phương, tỉnh Quý Châu năm nào cũng gặp thảm họa lở đất do phá rừng quá nhiều. Hiện tại, đất trắng ở đây đã được phủ xanh 68,52%, đưa diện tích rừng lên hơn 2.000 héc-ta. “Chúng tôi đã thấm thía quá đủ nỗi đau do việc phá rừng”, anh Dương Tiên Phú, người nông dân nhận khoán 40 héc-ta đất cằn để trồng cây và rau, nói.

Ở tỉnh Thanh Hải, Tây Bắc Trung Quốc, điểm xuất phát của ba con sông lớn là Dương Tử, Hoàng Hà và Lan Thương, chính quyền đã tăng kinh phí hỗ trợ trồng rừng từ 11USD/héc-ta lên 22USD/héc-ta để thúc đẩy nông dân làm kinh tế rừng. “Những gia đình nào nhận khoán nhiều thì có thể nhận được tiền hỗ trợ lên tới 7.353USD một năm”, ông Hoàng Giang Dũng, một cán bộ Sở Lâm nghiệp Thanh Hải cho biết. Theo ông Hoàng Giang Dũng, năm tới, chính quyền tỉnh sẽ giao việc quản lí, khai thác khoảng 1,46 triệu héc-ta đất rừng với thời hạn 70 năm cho nông dân.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, việc bảo vệ rừng ở Trung Quốc cũng nảy sinh không ít vấn đề.   Ông Lí Thiên Hữu, Phó trưởng phòng Lâm nghiệp huyện Lôi Sơn đã đề nghị tăng mức hỗ trợ của nhà nước bởi số tiền người dân được nhận hiện nay là quá thấp đối với hộ gia đình nghèo. Bên cạnh đó, vì chính quyền hạn chế việc chế biến gỗ nên cũng có trường hợp thôi trồng rừng chuyển sang kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ để có thu nhập cao hơn. 

Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc, từ năm 1980 đến năm 2005, nhờ việc trồng rừng, các cánh rừng ở Trung Quốc đã hấp thụ khoảng 4,68 tỉ tấn khí các-bon. Việc phá rừng được kiểm soát cũng làm giảm 430 triệu tấn khí các-bon. Lượng khí các-bon này tương đương 8% lượng khí thải công nghiệp trong cùng giai đoạn. Ông Gia Chí Bang, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp quốc gia Trung Quốc kết luận, Trung Quốc đã chủ động đương đầu với hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông Lí Thiên Hữu thì cho rằng, những con số, những khái niệm trên là quá phức tạp với người bình thường. “Cái mà người nông dân quan tâm nhất là làm sao vừa trồng được thêm rừng vừa có thu nhập cao hơn”, ông Lí Thiên Hữu nói.

VIỆT BÁCH