Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow không muốn phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân.
Sputnik ngày 23-11 đưa tin, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al Arabiya, ông Dmitry Medvedev khẳng định mặc dù Nga có năng lực sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết, song không ai trong giới lãnh đạo Nga lại "tìm cách làm như vậy". "Moscow không bao giờ muốn vũ khí hạt nhân được sử dụng", ông Dmitry Medvedev tuyên bố.
 |
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: TASS
|
Trước Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Dmitry Medvedev, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng tuyên bố Nga ủng hộ mạnh mẽ mọi nỗ lực ngăn chặn xung đột hạt nhân. Các phát biểu của giới chức cấp cao Nga được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi của Nga hôm 19-11 vừa qua.
Theo TASS, nguyên tắc cơ bản của học thuyết này là “việc sử dụng vũ khí hạt nhân là biện pháp cuối cùng để bảo vệ chủ quyền của nước Nga”. “Sự xuất hiện của các mối đe dọa và rủi ro quân sự mới đã thúc đẩy Nga làm rõ các điều kiện sử dụng vũ khí hạt nhân. Đặc biệt, học thuyết sửa đổi mở rộng phạm vi các quốc gia và liên minh quân sự chịu sự răn đe hạt nhân, cũng như danh sách các mối đe dọa quân sự mà sự răn đe đó được thiết kế để đối phó”, TASS nêu rõ.
Học thuyết hạt nhân sửa đổi nhấn mạnh Nga có quyền xem xét đưa ra phản ứng hạt nhân đối với một cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường đe dọa chủ quyền của nước này, hoặc một vụ phóng máy bay chiến đấu, tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn của đối phương nhằm vào lãnh thổ Nga, vượt qua biên giới Nga và một cuộc tấn công vào đồng minh Belarus.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định rằng vũ khí hạt nhân chỉ là biện pháp răn đe, nhưng nhấn mạnh sự trả đũa là điều không thể tránh khỏi nếu Nga bị tấn công.
NHẬT MINH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Tối 21-11 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận quân đội nước này đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik tấn công một nhà máy sản xuất thiết bị không gian của Ukraine.
Quân đội Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) siêu vượt âm mới nhất Oreshnik trong hoạt động quân sự tại Ukraine.