 |
Các chuyên gia Liên Xô chụp ảnh kỷ niệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ảnh: hoinguoiviet.vn |
Nhân kỷ niệm 58 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Liên Xô trước đây (Liên bang Nga hiện nay) và Việt Nam (30-1-1950/30-1-2008), mới đây Nga đã phát hành cuốn sách nhan đề “Theo hướng Việt Nam” của tác giả I-go Ô-nhi-tốp, một trong những chuyên gia Nga đầu tiên về Việt Nam từng có thời gian dài làm việc ở các cương vị trọng trách của Bộ Ngoại giao Liên Xô và Ban đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.
Cuốn sách đã nêu lại bối cảnh lịch sử dẫn đến sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô trước đây và Việt Nam, đó là thời điểm hơn 4 năm sau kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, cuộc chiến mà trong đó Liên bang Xô-viết đã giành thắng lợi quyết định trước phát-xít Đức và quân phiệt Nhật Bản. Tại Việt Nam, khi đó là những ngày tháng căng thẳng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những tiếp xúc giữa Mát-xcơ-va với các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã bị gián đoạn không lâu trước khi nổ ra Chiến tranh thế giới lần thứ hai, khi hầu hết các học viên Việt Nam tại các trường học của hệ thống do Quốc tế Cộng sản điều phối đã rời Liên Xô năm 1938. Khoảng những năm 1942-1943, Ban lãnh đạo Liên Xô đã cử một chiến sĩ Cộng sản Quốc tế đi Việt Nam, đó là ông Vương Thúc Tình, một trong những người đã tham gia cuộc chiến đấu chống phát-xít để phòng thủ Mát-xcơ-va, nhưng ông Vương Thúc Tình đã hy sinh trên đất Trung Quốc. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới nhà lãnh đạo Liên Xô Xta-lin một bức điện, phân tích về bối cảnh Việt Nam, ngay sau đó tại tất cả các hội nghị và đại hội Quốc tế, các đại diện của Liên Xô bắt đầu lên tiếng phát biểu ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Vào thời gian đó, Mát-xcơ-va cũng cố gắng thu xếp các kênh để nhận thông tin chân thực về những gì đang diễn ra ở Việt Nam và Đông Dương nói chung.
Ngày 26-10-1946, phái đoàn Liên Xô do Đại tá Đô-brô-vin dẫn đầu đã đến Sài Gòn với nhiệm vụ nghiên cứu tình hình và tâm trạng các tầng lớp dân cư Đông Dương để chuẩn bị cho việc khai trương sau đó tại Việt Nam một cơ quan đại diện ngoại giao của Liên bang Xô-viết.
Năm 1947 đã bắt đầu có các tiếp xúc kín không thường kỳ giữa các đại diện Liên Xô và đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mùa thu năm 1947, tại Thụy Sĩ đã có cuộc gặp của đại diện Liên Xô với phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó là Bộ trưởng Y tế Việt Nam, ông Phạm Ngọc Thạch. Việt Nam nêu lên những yêu cầu giúp đỡ tài chính cũng như trao thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Xta-lin, đề nghị Liên Xô ủng hộ để đưa Liên hợp quốc tham gia giải quyết cuộc xung đột Pháp-Việt. Cuộc trao đổi ý kiến giữa hai nước có tính chất ổn định hơn sau khi Liên Xô mở cơ quan đại diện chính thức tại Thái Lan năm 1948. Chẳng bao lâu sau khi khai trương Sứ quán Liên Xô ở Băng-cốc, người phụ trách cơ quan thông tin Việt Nam tại Thái Lan từ năm 1947 là ông Nguyễn Đức Quý và một cán bộ thuộc cơ quan này tên là Lại Vĩnh Lợi đã đến thăm phái đoàn ngoại giao Liên Xô.
Năm 1948-1949, các tiếp xúc giữa Liên Xô và Việt Nam đã có những sự ăn nhịp rõ rệt. Cuối năm 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã có chuyển biến quan trọng, với lợi thế nghiêng về phía quân-dân Việt Nam. Sự thừa nhận quốc tế rất cần thiết để củng cố uy tín của Chính quyền Cách mạng Việt Nam. Việt Nam cần sự ủng hộ của phong trào quốc tế sự viện trợ về quân sự và vật chất. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp và đầy trách nhiệm, vì vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường đến Bắc Kinh, tại đó đã có cuộc hội đàm nghiêm túc với Ban lãnh đạo CHND Trung Hoa, có sự tham gia của đại diện Liên Xô. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Liên Xô để dự lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của đồng chí Xta-lin.
Ngày 16-1-1950, với bí danh “đồng chí Đinh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến Mát-xcơ-va. Tại đây, trong quá trình hội đàm, Ban lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc đã thông qua quyết định tích cực giúp đỡ Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á này. Ngày 18-1, Trung Quốc công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 30-1, Liên Xô tuyên bố công nhận Việt Nam, tiếp sau là CHDCND Triều Tiên, Tiệp Khắc, CHDC Đức, Ru-ma-ni, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, An-ba-ni...
Tại Mát-xcơ-va đã có cuộc hội kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Xta-lin. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đề nghị Liên Xô viện trợ vật chất, trước hết là vũ khí và đạn dược cho Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở Mát-xcơ-va đến cuối tháng 2-1950. Người trở về Tổ quốc với tư thế lãnh tụ của một đất nước được các quốc gia XHCN công nhận. Liên Xô đã cung cấp cho lực lượng yêu nước Việt Nam kháng chiến những vũ khí và trang bị quân sự. Thông qua địa bàn Trung Quốc, những vũ khí, khí tài khác từ Liên Xô gửi đến Việt Nam, trong đó có cả đại bác và những giàn tên lửa “Cachiusa” nổi tiếng, chính là thứ vũ khí sấm sét nhất mà Hồng quân Liên Xô đã dùng để chống quân đội phát-xít năm xưa, những vũ khí này đã góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô, ông Nguyễn Lương Bằng đến Mát-xcơ-va vào mùa Xuân năm 1952. Còn Đại sứ đầu tiên của Liên Xô trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 4-11-1954.
TTXVN