Theo AP, ngày 1-5, ông Blinken đã gặp các nhà lãnh đạo Israel ở điểm dừng cuối cùng trong chuyến thăm thứ 7 tới khu vực Trung Đông kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra vào tháng 10-2023 để cố gắng thúc đẩy thỏa thuận giữa hai bên. Trong cuộc gặp Tổng thống Israel Isaac Herzog tại Tel Aviv, ông Blinken tuyên bố Hamas sẽ chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thất bại nào trong việc đạt được thỏa thuận.

Nhận định về đề xuất mới, ông Blinken nhấn mạnh Israel đã thực hiện những thỏa hiệp “rất quan trọng” trong nỗ lực ngừng bắn và giờ đây việc hoàn thành thỏa thuận này phụ thuộc vào Hamas. Ngay trước khi rời Israel, ông Blinken cũng lưu ý  “không còn thời gian để mặc cả thêm nữa, thỏa thuận đã có ngay tại đây”.

leftcenterrightdel
Xe chở hàng viện trợ vào dải Gaza. Ảnh: Reuters 

Tuy nhiên, một rào cản lớn trong các cuộc đàm phán ngừng bắn là việc Israel kiên quyết thực hiện cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza, nơi có khoảng 1,4 triệu người Palestine đang trú ẩn. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ tiếp tục cuộc tấn công vào Rafah-thành trì cuối cùng của Hamas ở Gaza, dù có hoặc không có thỏa thuận ngừng bắn.

Sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết: “Chiến dịch ở Rafah không hề phụ thuộc vào bất cứ điều gì. Thủ tướng cũng đã làm rõ điều này với Ngoại trưởng Blinken”. Những người theo đường lối cứng rắn trong Chính phủ Israel đã phản đối bất cứ thỏa thuận nào nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công vào Rafah và xem đây là chiến thắng cho phía Hamas. 

Trong suốt chuyến thăm Trung Đông, với các điểm dừng trước đó ở Saudi Arabia và Jordan, ông Blinken đã kêu gọi Hamas chấp nhận đề xuất ngừng bắn mới, đồng thời gọi đó là “sự hào phóng cực kỳ” từ phía Israel. Mỹ và các nhà trung gian hòa giải khác là Ai Cập và Qatar đang thúc đẩy đề xuất mới với hy vọng có thể ngăn chặn một cuộc tấn công của Israel vào Rafah. Cộng đồng quốc tế đã cảnh báo thảm họa nhân đạo sẽ xảy ra nếu quân đội Israel tấn công Rafah.

Đề xuất mới này đưa ra 3 giai đoạn, trong đó mỗi giai đoạn kéo dài 6-7 tuần. Giai đoạn đầu tiên, Hamas sẽ thả phụ nữ và dân thường lớn tuổi người Israel để đổi lấy việc thả hàng trăm tù nhân Palestine trong các nhà tù của Israel. Quân đội Israel sẽ rút khỏi một con đường ven biển ở Gaza, sau đó rút khỏi trung tâm Gaza và những người di tản sẽ quay trở lại miền Bắc Gaza. Trong khi đó, các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu nhằm khôi phục “sự bình yên vĩnh viễn”.

Giai đoạn tiếp theo, Hamas thả tất cả con tin còn lại (binh lính và dân thường), đồng thời Israel rút lực lượng của mình khỏi Gaza. Giai đoạn cuối cùng sẽ chứng kiến việc trao trả thi thể các con tin đã tử vong và bắt đầu kế hoạch tái thiết kéo dài 5 năm. Kế hoạch đưa ra điều kiện Hamas chấp nhận không xây dựng lại kho vũ khí quân sự của mình. Trong nhiều tháng đàm phán, Hamas đã tuyên bố việc giải phóng tất cả con tin mà lực lượng này bắt giữ phải đưa đến việc chấm dứt xung đột vĩnh viễn và quân đội Israel phải rút khỏi Gaza. Hamas được cho là đang giữ khoảng 100 con tin người Israel.

Thỏa thuận ngừng bắn sẽ cho phép thực phẩm, thuốc men và nước uống được đưa vào Gaza, nơi xung đột đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo, đẩy miền Bắc Gaza đến bờ vực nạn đói và khiến khoảng 80% trong số 2,3 triệu người dân Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Phía Mỹ ghi nhận hiện đã có “tiến bộ đáng kể” trong nỗ lực tăng cường hàng viện trợ tới dải Gaza. Mới đây, Israel đã mở lại cửa khẩu Erez để chở hàng vào miền Bắc Gaza lần đầu tiên kể từ khi khu vực này chịu hư hại trong cuộc tấn công của Hamas ngày 7-10-2023.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.