Defense News cho biết, cứ mỗi 4 năm, Quốc hội Mỹ lại thành lập một nhóm chuyên gia độc lập đến từ cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa để đánh giá chiến lược quốc phòng của xứ cờ hoa. Họ đảm nhiệm tổng hợp và phân tích số liệu, cùng với trao đổi với các nhà lập pháp trong nước, giới chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, cũng như đồng minh và đối tác của Mỹ. Báo cáo mới nhất dài gần 100 trang của nhóm này nêu lên quan ngại rằng, Mỹ đã chuẩn bị lần cuối cho một cuộc xung đột quy mô lớn kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, nhưng hiện nay thì không như vậy.
Theo Defense News, lập luận trong báo cáo rất dễ hiểu, tương tự như mối quan hệ cung-cầu. Cụ thể, Mỹ đang đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn nhiều, với nhiều đối thủ quân sự sẵn sàng tham chiến hơn. Tuy nhiên, khi những mối đe dọa đó xuất hiện, hoặc thậm chí là các đối thủ hợp nhất, thì nước này lại không trở nên mạnh hơn theo tỷ lệ thuận.
|
|
Binh sĩ Mỹ thực hành huấn luyện trên thao trường. Ảnh: army.mil |
Thay vào đó, phần lớn nội dung trong chiến lược quốc phòng của Mỹ không có sự đổi mới, hoặc thậm chí có thời điểm “bộ máy” còn không hoạt động trơn tru. Báo cáo đưa một số dẫn chứng bao gồm các khoản ngân sách quốc phòng bị chia nhỏ, nhiều dự luật chi tiêu quốc phòng được thông qua quá muộn, khí tài cũ vẫn phổ biến hơn loại thế hệ mới, một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về những thách thức an ninh mà Washington phải đối mặt hoặc tỏ ra không quan tâm.
Hơn nữa, báo cáo cũng chỉ ra rằng cách tiếp cận “răn đe tích hợp”, vốn đang phát triển thành định hướng chiến lược quốc phòng chủ đạo mới của Mỹ, chưa được phát huy hiệu quả. Từ năm 2021, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã đề cập đến khái niệm này, dựa trên giả định Washington không còn chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để ngăn ngừa đối phương tấn công, mà còn đòi hỏi sự tích hợp sâu sắc hơn với đồng minh, đối tác và các công cụ sức mạnh quốc gia khác.
Muốn tạo dựng được một thế trận “răn đe tích hợp”, báo cáo cho rằng Mỹ cần chi nhiều hơn cho quốc phòng. Sử dụng thời kỳ Chiến tranh Lạnh như một phép so sánh, các tác giả cho biết dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, Mỹ sử dụng 6,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng. Thế nhưng hiện con số này chỉ còn chưa đến một nửa, dù rằng nước này vẫn là quốc gia chi tiêu quân sự lớn nhất toàn cầu. Báo cáo 4 năm trước đó đã từng đề xuất Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng lên 5% GDP song chưa thành hiện thực.
Mặt khác, một vấn đề cốt lõi mà báo cáo cho rằng đến luật pháp và ngân sách cũng chưa giúp giải quyết được đó là nhân sự. Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật ủy quyền quốc phòng quốc gia (NDAA) cho năm 2024 với ngân sách hằng năm tăng kỷ lục 886 tỷ USD. Tuy nhiên, khoản chi tiêu khổng lồ đó không giúp quân đội Mỹ củng cố được quy mô lực lượng. Dữ liệu của NDAA cho thấy, số quân nhân tại ngũ của Mỹ giảm từ mức 1,39 triệu của năm trước xuống còn 1,28 triệu người, do các đơn vị tuyển quân gặp khó khăn để kêu gọi người trẻ tuổi nhập ngũ.
Đơn cử theo Military, quân đội Mỹ tổng cộng đã tuyển dụng hụt khoảng 41.000 tân binh so với mục tiêu trong tài khóa 2023. Các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể kể đến việc giảm niềm tin vào quân đội, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe ngày càng tăng trong giới trẻ, tình trạng sa sút tinh thần sau hàng thập kỷ tham chiến ở nước ngoài, trong khi thị trường lao động khu vực tư nhân hấp dẫn hơn. Nếu những khó khăn trong việc tuyển quân tiếp tục kéo dài, quân đội Mỹ nhiều khả năng sẽ phải thực hiện một số điều chỉnh có thể bất lợi cho năng lực sẵn sàng chiến đấu của nước này.
VĂN HIẾU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.