Binh sĩ Anh tại Áp-ga-ni-xtan. Ảnh: AFP

Theo AP, ngày 24-8, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, ba lính Anh đã thiệt mạng tại miền Nam Áp-ga-ni-xtan do trúng bom của không quân Mỹ. Hai lính Anh khác cũng bị thương nặng trong sự vụ. Những binh sĩ này thuộc Trung đoàn Bộ binh Hoàng gia số 1, khi đang tuần tiễu tại thị trấn Ca-gia-ki, tỉnh Hen-man thì bất ngờ bị các tay súng Ta-li-ban phục kích vào đêm 23-8. Giao tranh diễn ra ác liệt và bộ binh Anh đã cầu cứu không quân Mỹ. Hai máy bay F-15 được điều đến giội bom xuống khu vực. Tuy nhiên, thay vì trúng vào vị trí của các tay súng Ta-li-ban thì bom lại trúng vào lính Anh. Hiện Bộ Quốc phòng Anh chưa công bố danh tính những binh lính xấu số nhưng cho biết người thân của họ đã được thông báo. Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết, một cuộc điều tra về sự vụ sẽ sớm được triển khai.

Hiện Anh có 7.000 binh sĩ ở Áp-ga-ni-xtan, chủ yếu đóng quân tại tỉnh Hen-man ở phía Nam. Với ba binh sĩ thiệt mạng nói trên, tính đến nay tổng cộng đã có 73 lính Anh thiệt mạng kể từ khi cùng Mỹ tấn công Áp-ga-ni-xtan hồi tháng 11-2001.

Đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Anh D.Brao cho hay, kể từ năm 1990, 12 lính Anh đã thiệt mạng do bị lính Mỹ “bắn nhầm”. Vụ việc ba binh sĩ Anh chết do trúng bom Mỹ là lần đầu tiên lính Anh bỏ mạng vì hỏa lực Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan. Những chiến dịch liên quân hỗn hợp Anh-Mỹ tại I-rắc thường xảy ra chuyện “quân ta bắn quân mình” do lỗi của các thiết bị kỹ thuật hoặc binh lính hai bên không nhận ra nhau. Sau cuộc điều tra vụ một lính Anh bị hai phi công Mỹ giết nhầm tại I-rắc năm 2003, các nhà lập pháp Anh đã lên tiếng kêu gọi quân đội hai nước nâng cao chất lượng hệ thống nhận dạng chung.

Trong thông tin liên quan, tờ Người bảo vệ (Anh) ngày 24-8 cho biết, kế hoạch rút lực lượng Anh khỏi căn cứ cuối cùng của họ ở thành phố Ba-xra của I-rắc, vốn bị trì hoãn lâu nay, sẽ được thực hiện trong vòng hai tuần tới. Theo các quan chức quốc phòng, một quyết định về nguyên tắc đối với việc rút quân đã được đưa ra và 500 binh sĩ Anh tại căn cứ Ba-xra đang chuẩn bị được rút đi.

Binh sĩ Anh cho rằng, sự có mặt của họ tại căn cứ này không có nhiều ý nghĩa về mặt quân sự mà chỉ khiến họ có nguy cơ bị tấn công. Theo ông K.Giôn, thành viên của Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Anh vừa trở về sau một chuyến thăm đến Ba-xra, các sĩ quan quân đội đã nói với ông rằng lý do duy nhất khiến họ tiếp tục ở lại miền Nam I-rắc là “mối quan hệ với Mỹ” và “những vấn đề nhạy cảm trong nước Mỹ”.

ĐẶNG NGUYỄN (tổng hợp)