Dự thảo Sách trắng đã đề ra các định hướng chiến lược cho quốc phòng từ năm 2020 đến năm 2030, nhấn mạnh Malaysia cần tập trung đối phó với với các vấn đề an ninh phi truyền thống như hoạt động khủng bố, vấn nạn cướp biển và an ninh hàng hải, tội phạm mạng và an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như cần phải ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực quốc phòng. Theo Bộ trưởng Mohamad Sabu, dự thảo được chuẩn bị và xây dựng dựa trên chính sách quốc phòng, thúc đẩy sức mạnh của người dân bằng cách áp dụng khái niệm công khai, minh bạch, toàn diện và tiến bộ, đồng thời kêu gọi tất cả người dân Malaysia cùng tham gia để đảm bảo Malaysia là một quốc gia an toàn, có chủ quyền và thịnh vượng. Về định hướng phát triển lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng Mohamad Sabu tuyên bố chính sách Công nghiệp quốc phòng sẽ tập trung vào 5 nội dung chính, gồm phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực và thâm nhập thị trường toàn cầu. Cùng với đó, ông cũng nhấn mạnh tới sự cải tổ quân đội Malaysia theo phương châm “Lực lượng vũ trang của tương lai”, trong đó đảm bảo sự hợp nhất, yếu tốt nhanh nhẹn và sự tập trung; sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Malaysia.
Đây là một bước ngoặt lịch sử của Malaysia khi lần đầu tiên nước này công bố dự thảo Sách trắng với định hướng chiến lược quốc phòng cho 10 năm tiếp theo.
TTXVN