Nhà lãnh đạo Nga cho hay, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,2% trong 10 tháng đầu năm 2023 và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5% vào cuối năm nay, vượt mức được ghi nhận trước xung đột tại Ukraine. Tổng thống Putin khẳng định, các quốc gia phương Tây đã áp đặt những biện pháp trừng phạt tài chính lên nước này kể từ tháng 2-2022, nhằm mục đích gây bất ổn cho nền kinh tế Nga, khiến đời sống người dân Nga gặp khó khăn. Tuy nhiên, những mục tiêu này của họ đã không đạt được. “Tất nhiên vẫn còn nhiều việc chúng tôi cần phải giải quyết... nhưng chúng tôi đã chứng minh rằng Nga có khả năng giải quyết những thách thức khó khăn nhất”, Tổng thống Putin tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại diễn đàn đầu tư. Ảnh: RIA Novosti

Theo ông, sự ổn định tài chính, khả năng tự chủ của hệ thống ngân hàng và thị trường chứng khoán là những yếu tố quan trọng trong chủ quyền kinh tế của đất nước. Bất chấp áp lực từ phương Tây, trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 11 năm nay, số lượng công ty nước ngoài hoạt động ở Nga không những không giảm mà thậm chí còn tăng thêm 1.500 doanh nghiệp.

Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng, nước này hiện là nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu. Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Nga đang dẫn trước tất cả các nước hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Nhiều chỉ số cho thấy chính sách kinh tế của Nga đang đi đúng hướng. Nga đang tích cực phát triển thị trường nội địa, hoạt động kinh doanh trong nước đang gia tăng, các ngân hàng hoạt động ổn định và bền vững. Tổng thống Putin cũng lưu ý rằng, tiền lương thực tế đã tăng 7% trong năm qua, trong khi thâm hụt ngân sách đã giảm xuống 0,5% GDP từ mức 2,1% vào năm 2022. “Nhìn chung, hệ thống tài chính Nga đang ở trạng thái hoàn toàn bình thường và lành mạnh”, ông Putin kết luận.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho hay, nền kinh tế Nga đang dần phục hồi sau khi rơi vào suy thoái 2,1% trong năm 2022. Theo nguồn tin này, Nga đã thành công tránh được đòn áp mức giá trần đối với dầu Nga mà các nước phương Tây đưa ra vào tháng 12 năm ngoái. Điều này giúp nền kinh tế Nga phục hồi tăng trưởng. Lý do phương Tây không thể kiềm chế được nguồn thu từ dầu mỏ của Nga là bởi Moscow đã chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ. Nga đã xây dựng “hạm đội đen” gồm các tàu chở dầu có thể hoạt động mà không cần bảo hiểm của phương Tây hoặc các dịch vụ khác. Điều này cho phép Moscow vẫn bán dầu với giá cao khi thị trường toàn cầu thắt chặt. Trong tháng 11, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng đã đóng góp 961,7 tỷ rúp (10,41 tỷ USD) cho ngân sách Nga. Điều đó thể hiện sự thay đổi rõ rệt so với đầu năm, khi doanh thu của Nga từ năng lượng chỉ ở mức 425,5 tỷ rúp.

Tuy nhiên, Reuters cũng cho rằng, nước Nga vẫn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động trầm trọng và một số vấn đề về kinh tế như sự suy yếu của đồng rúp, lạm phát tăng cao. Những điều này có thể là nguyên nhân kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong tương lai.

 HÙNG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.