Tốc độ hiệu lực của sắc lệnh hành pháp

Khi tổng thống ký sắc lệnh hành pháp, sắc lệnh đó có thể có hiệu lực ngay lập tức hoặc phải mất nhiều tháng mới có hiệu lực, tùy thuộc vào việc văn bản đó có yêu cầu cơ quan liên bang thực hiện hành động chính thức hay không.

Ví dụ, sắc lệnh cấm tạm thời toàn bộ người dân đến từ Iraq, Syria, Iran, Libya, Somalia, Sudan và Yemen - với ước tính tổng cộng 134 triệu dân dựa trên thống kê năm 2013 của World Bank - nhập cảnh vào Mỹ được ông Donald Trump ký ngày 27-1-2017 có hiệu lực ngay lập tức, vì nó viện dẫn luật liên bang năm 1952 trong đó nêu rõ trao cho tổng thống thẩm quyền cấm “bất kỳ nhóm người nước ngoài nào” vào xứ cờ hoa.

Các sắc lệnh hành pháp khác hướng dẫn các cơ quan liên bang hành động. Ví dụ, Tổng thống Joe Biden ngày 8-7-2022 ký sắc lệnh hành pháp nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các loại thuốc phá thai cho phụ nữ, sau khi Tòa án tối cao Mỹ đảo ngược phán quyết công nhận quyền này vào tháng trước đó. Điều này không có hiệu lực ngay lập tức, nhưng các cơ quan như Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ trong những tháng tiếp theo đã ban hành các quy định mới trong vài tháng sau quy trình xây dựng quy tắc thông thường, chẳng hạn như một quy định nhằm bảo vệ quyền riêng tư của những người phá thai.

Ông Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp vào ngày 26-6-2020. Ảnh: Getty Images 

Tổng thống không thể làm gì thông qua sắc lệnh hành pháp?

Mặc dù phạm vi quyền lực của tổng thống trong việc ban hành sắc lệnh hành pháp gây nhiều tranh cãi, nhưng quyền lực này có thể đến từ Điều II của Hiến pháp Mỹ, trong đó nói rằng tổng thống là chỉ huy tối cao của quân đội và là người đứng đầu nhánh hành pháp, hoặc từ các quyền hạn được Quốc hội trao rõ ràng cho tổng thống.

Tổng thống không thể tạo ra luật mới ngoài những quyền hạn đã được Hiến pháp hoặc Quốc hội trao cho ông chỉ bằng cách ban hành sắc lệnh hành pháp. Nếu một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang xây dựng quy trình thủ tục, thì bất kỳ quy tắc nào do các cơ quan đó ban hành đều phải tuân theo Đạo luật Thủ tục Hành chính liên bang.

Sắc lệnh hành pháp có thể gặp trở ngại pháp lý không?

Các sắc lệnh hành pháp có thể bị tòa án chặn vì vượt quá quyền hạn của tổng thống.

Đơn cử, ngày 26-4-2017, thẩm phán William Orrick III tại ở thành phố San Francisco, bang California đã chặn sắc lệnh hành pháp ký ngày 25-1-2017 của Tổng thống Donald Trump yêu cầu cắt giảm ngân sách liên bang đối với các thành phố không hợp tác với chính sách nhập cư của ông. Thẩm phán này cho rằng tổng thống không thể áp đặt các điều kiện mới về chi tiêu liên bang đã được Quốc hội phê duyệt. Sắc lệnh nhập cư của ông Donald Trump đã vấp phải các đơn kiện từ một số nhóm vận động pháp lý, bang và thành phố do Đảng Dân chủ kiểm soát. 

Một ví dụ nữa là vào ngày 30-11-2021, Thẩm phán Tòa án Trung cấp Terry Doughty tại thành phố Monroe, bang Louisiana ra phán quyết tạm thời dừng thực hiện 2 sắc lệnh yêu cầu bắt buộc 2 triệu người lao động trong lĩnh vực y tế phải tiêm vaccine Covid-19 - một phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát sự lây lan dịch bệnh của chính quyền Washington khi ấy. Liên quan đến đại dịch, ngày 23-3-2023, một tòa án phúc thẩm liên bang ở thành phố New Orleans, bang Louisiana cũng chặn sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden trong đó yêu cầu công chức liên bang tiêm vaccine Covid-19. Tòa án cho rằng những sắc lệnh này vượt quá quyền hạn của tổng thống do can thiệp vào quyết định y tế cá nhân.

MINH ANH (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.