Số liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA) của Mỹ ghi nhận lượng du khách Tây Âu lưu trú ít nhất 1 đêm ở “Xứ cờ hoa” trong tháng 3 vừa qua giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, phân tích dữ liệu ITA của Financial Times cho thấy lượng du khách từ một số quốc gia - trong đó có Ireland, Na Uy và Đức - giảm hơn 20%.
 |
Ngành du lịch Mỹ kỳ vọng năm 2025 sẽ là một năm tốt, nhưng lượng khách quốc tế đang giảm mạnh. Ảnh: MATTHEW MICAH WRIGHT
|
Theo ITA, tổng số du khách nước ngoài đến Mỹ trong tháng 3-2025 giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3-2021 do các quy định hạn chế trong đại dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành trang web đặt vé du lịch Omio - ông Naren Shaam - cho biết tỷ lệ hủy đặt chỗ đến Mỹ trong Quý I/2025 cao hơn 16% so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ hủy của du khách từ Anh, Đức và Pháp lên tới hơn 40%. Trong khi đó, Chủ tịch Delta Air Lines - ông Glen Hauenstein - cũng thừa nhận hãng hàng không này đã chứng kiến chiều hướng sụt giảm “đáng kể” trong lượng đặt chỗ của du khách Canada - nguồn du khách chính cho các điểm đến trong “mùa Đông có nắng” ở Mỹ, trong khi tập đoàn khách sạn Accor (Pháp) ghi nhận lượng đặt phòng của du khách châu Âu đến “Xứ cờ hoa” vào mùa Hè năm nay giảm 25%.
Ông Adam Sacks - Chủ tịch Tourism Economics - nhận định tình trạng suy giảm có thể phản ánh một phần sự gia tăng lượng du khách trong lễ Phục sinh, song lưu ý các số liệu khác, gồm dữ liệu từ các sân bay Mỹ và cửa khẩu đất liền từ Canada, đã chứng tỏ những tác động kinh tế tiềm tàng từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump.
Một số hãng hàng không và tập đoàn khách sạn đã cảnh báo về sự sụt giảm nhu cầu đối với du lịch xuyên Đại Tây Dương, tuyến đường bay có lợi nhuận cao nhất trên thế giới.
Tuần trước, hãng hàng không Virgin Atlantic đã đưa ra cảnh báo về sự suy giảm nhu cầu bay xuyên Đại Tây Dương của người Mỹ. Tương tự, Giám đốc điều hành Air France-KLM Ben Smith xác nhận hãng hàng không này buộc phải giảm giá vé hạng phổ thông cho đường bay xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh thị trường yếu đi. Các nhà phân tích tại Barclays dự báo lợi nhuận của các đường bay xuyên Đại Tây Dương sẽ “giảm đột ngột”. Tăng trưởng của ngành hàng không gắn chặt với nền kinh tế nói chung, do người tiêu dùng có xu hướng giảm nhu cầu bay khi lo ngại về suy thoái.
Chiều hướng sụt giảm lượng du khách đã và đang đặt ra nguy cơ đối với ngành du lịch Mỹ, vốn chiếm 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất thế giới. ITA ghi nhận trong năm 2024, du khách quốc tế đến Mỹ đã chi hơn 253 tỷ USD cho các chuyến đi và hàng hóa, dịch vụ liên quan, tương đương hơn 19% tổng số 1.300 tỷ USD chi tiêu cho du lịch tại “Xứ cờ hoa”.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.