 |
Một góc khu “Vườn công nghệ cao” Trung Quan Thôn.
Ảnh: Wikipedia |
Nằm ở phía Tây Bắc thủ đô Bắc Kinh, Trung Quan Thôn ngày nay được biết đến với cái tên “thung lũng Silicon”của Trung Quốc. Không chỉ là nơi tụ hội của những tập đoàn hàng đầu trên thế giới như Microsoft, IBM, Intel, hay Nokia, Trung Quan Thôn còn nổi tiếng là “vườn ươm” của những thương hiệu đẳng cấp quốc tế “thuần” Trung Quốc như Lenovo, Legend, Stone… Có thể nói, Trung Quan Thôn chính là thành tựu điển hình của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa mà quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới này đã theo đuổi trong suốt hơn hai thập kỷ qua.
Bệ phóng cho phát triển kinh tế
Kể từ khi tiến hành chính sách cải cách và mở cửa năm 1978, Trung Quốc đã coi việc đầu tư, nghiên cứu cải tiến khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, và cũng là con đường duy nhất để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, khó khăn. Bên cạnh đó, bài học từ “thung lũng Silicon” (Mỹ), nơi vốn là một vùng nông nghiệp nghèo nàn nhưng đã vươn lên thành một trong những khu vực thu hút “chất xám” đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế hàng đầu trên thế giới chỉ trong vòng vài chục năm, đã khiến cho các nhà quản lý Trung Quốc nhận thấy rằng việc xây dựng và phát triển các khu công nghệ kỹ thuật cao chính là “bệ phóng” cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước này.
Trung Quan Thôn đã ra đời từ thực tế ấy. Được thành lập năm 1988 với tên gọi Khu thí nghiệm phát triển ngành nghề công nghệ cao Bắc Kinh, đến nay, Trung Quan Thôn đã trở thành khu vườn khoa học công nghệ cao lớn nhất của Trung Quốc. Những năm vừa qua, tại khu vực này đã diễn ra những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng. Tới Trung Quan Thôn ngày nay, người ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nhận thấy sức sống sôi động đang diễn ra. Hầu hết các chuyên gia và nhà quản lý tại đây đều có tuổi đời xấp xỉ 30, năng động, nhiệt huyết và khao khát được cống hiến tâm sức cho đất nước.
Chiến lược bồi dưỡng, thu hút và tận dụng nhân tài về Trung Quan Thôn cũng được Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng. Giống như mô hình Trường đại học Stanford và Berkeley tại “thung lũng Silicon” của Mỹ, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng xung quanh Trung Quan Thôn một mạng lưới các viện nghiên cứu, trường đại học hàng đầu đất nước, trong đó tiêu biểu là hai trường đại học danh tiếng là Bắc Kinh và Thanh Hoa. Ngân sách hằng năm dành cho giáo dục của Trung Quốc lên tới 27 tỷ USD, trong đó một phần không nhỏ được đầu tư cho hai ngôi trường này. Điều đó cho thấy, nhiệm vụ bồi dưỡng và phát triển nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao đang được Chính phủ Trung Quốc coi là quốc sách hàng đầu trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Chính sách táo bạo thu hút vốn đầu tư
Thế nhưng giống như các nước đang phát triển khác, Trung Quốc cũng phải đối mặt với bài toán nan giải bắt nguồn từ sự thiếu hụt vốn đầu tư, phần lớn do tâm lý e ngại rủi ro của các nhà đầu tư. Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng, nếu không có những sự đột phá trong chính sách thu hút vốn đầu tư thì việc xây dựng và phát triển một cách có hiệu quả các khu trung tâm công nghệ cao sẽ chỉ là ý tưởng xa vời.
Những trăn trở ấy đã thôi thúc ban quản lý Trung Quan Thôn tìm tòi và đưa ra một ý tưởng táo bạo: Nhà nước sẽ góp khoảng 30% cổ phần với nhà đầu tư giúp họ thành lập doanh nghiệp chuyên lĩnh vực công nghệ cao. Việc tham gia cổ phần này vừa nhằm giải quyết những khó khăn về vốn vay cho doanh nghiệp vừa có tác dụng thúc đẩy các nguồn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực then chốt này. Tính đến cuối năm 2006, Trung Quan Thôn đã chi khoản tiền trợ cấp đầu tư mạo hiểm cho 25 dự án của 10 cơ cấu đầu tư. Trong hơn 5 năm kể từ khi thành lập, ban quản lý Khu vườn khoa học công nghệ Trung Quan Thôn đã đầu tư 50 triệu nhân dân tệ giúp 25 doanh nghiệp lập nghiệp tại khu vườn.
Thời gian qua, ban quản lý Trung Quan Thôn đã hợp tác với 4 tổ chức tín dụng trong và ngoài nước thành lập 4 quỹ đầu tư lập nghiệp với tổng số vốn lên tới hơn 500 triệu nhân dân tệ. Chính từ những nỗ lực ấy mà hàng loạt các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực mũi nhọn như điện tử viễn thông, vi mạch tổng hợp, công nghệ di động, phần mềm tin học và mạng internet… đã được thành lập và đi vào hoạt động ngày một hiệu quả.
Còn quá sớm để nói rằng Trung Quan Thôn có thể trở thành một “thung lũng Silicon” đích thực của châu Á. Nhưng với những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sống, điều kiện làm việc, cũng như các chính sách khuyến khích, đãi ngộ nhân tài của ban quản lý Trung Quan Thôn, “vườn công nghệ cao” này sẽ trở thành biểu tượng về thành tựu trong sự nghiệp đổi mới, phát triển nền kinh tế của Trung Quốc.
LÊ ANH PHƯƠNG