Bản báo cáo mới đây của FAO (Tổ chức Nông lương LHQ) đã chỉ ra rằng, muốn quản lý lâu dài tài nguyên rừng thì điều quan trọng là phải có một đánh giá định kỳ và chính xác...
 |
Rừng bị chặt phá nghiêm trọng |
Bản báo cáo mới đây của FAO (Tổ chức Nông lương LHQ) đã chỉ ra rằng, muốn quản lý lâu dài tài nguyên rừng thì điều quan trọng là phải có một đánh giá định kỳ và chính xác. FAO cũng rất lấy làm tiếc vì sự chậm trễ trong việc triển khai những công nghệ cũng như những biện pháp hiện đại về thống kê, phân tích, tổng hợp và quản lý các dữ liệu thu được từ đánh giá về tài nguyên rừng của một quốc gia nào đó.
Ông M.Sa-két, chuyên gia lâm nghiệp của FAO cho biết, năm 2006 có 6 nước đã hoàn thành bản báo cáo về đánh giá tài nguyên rừng với sự hỗ trợ của FAO, đó là Ca-mơ-run, Cốt-xta Ri-ca, Goa-tê-ma-la, Ôn-đu-rát, Li-băng và Phi-líp-pin. Năm 2000, FAO đã triển khai một dự án chỉ đạo đầu tiên tại Cốt-xta Ri-ca trong khuôn khổ “Chương trình hỗ trợ đánh giá tài nguyên rừng quốc gia”. Ông M.Sa-két cũng cho biết, lúc đó phần lớn các nước đang phát triển đều chưa có một biện pháp tối ưu nào để quản lí tốt tài nguyên rừng.
Hiện nay tại một số nơi trên thế giới, rừng đang có nguy cơ biến mất, gây ảnh hưởng rất lớn tới hệ động thực vật cũng như sự cân bằng sinh thái. Vì vậy, muốn quản lí lâu dài tài nguyên rừng thì theo FAO, một trong những biện pháp cần tập trung là thành lập các đối tác liên khu và xuyên quốc gia trên cơ sở cùng có lợi. Ông P.Hôm-gren, trưởng ban bảo vệ tài nguyên rừng của FAO cho rằng, điều cốt lõi dẫn đến thành công của chương trình là phải có sự giúp đỡ của các hạt kiểm lâm, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức phi chính phủ cũng như sự cộng tác của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà công nghiệp và của người dân để tạo ra sự hiệp đồng thống nhất trong thực hiện chương trình.
CH Công-gô là nước có khởi đầu thuận lợi. Với diện tích 227,61 triệu héc-ta rừng (chiếm 60% lãnh thổ) CH Công-gô là nước có khu bảo tồn rừng nguyên sinh lớn thứ 2 trên thế giới và chiếm tới 70% diện tích rừng nguyên sinh của châu Phi. Bà A.Bran-tôm, chuyên gia đánh giá tài nguyên rừng của FAO cho biết, trong 30 năm qua người ta chỉ thống kê được khoảng 25% diện tích rừng của CH Công-gô chủ yếu dùng trong công nghiệp khai thác gỗ. Vì vậy trong vòng một năm tới, trung tâm quốc gia thống kê và quy hoạch tài nguyên rừng Công-gô với sự tài trợ của FAO sẽ phải tiến hành một dự án nhằm đánh giá chính xác và hoàn chỉnh giúp xây dựng một hệ thống theo dõi lâu dài tài nguyên rừng góp phần phát huy tiềm năng kinh tế của đất nước.
CHU THĂNG(Theo French. Xinhuanet)