Theo thông báo của EU, gói trừng phạt mới gồm việc hạ trần giá dầu thô xuất khẩu của Nga sang các nước thứ ba xuống còn 47,6 USD/thùng, tương đương mức giảm 15% so với giá thị trường hiện tại. Cơ chế trần giá này, do Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khởi xướng từ năm 2022, nhằm hạn chế lợi nhuận từ xuất khẩu dầu - nguồn thu ngân sách lớn nhất của Nga. Dự kiến, kế hoạch có thể nhận được sự ủng hộ của các đối tác G7 như Anh và Canada, dù chưa đạt được đồng thuận từ phía Mỹ.

Cờ EU bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. 

Ngoài ra, EU cũng mở rộng danh sách trừng phạt hơn 100 tàu vốn bị nghi ngờ giúp Nga lách lệnh cấm vận. Các biện pháp mới cũng bao gồm lệnh cấm giao dịch liên quan đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và 2, vốn đã ngừng hoạt động, nhằm ngăn chặn khả năng tái khởi động trong tương lai.

Đáng chú ý, EU cũng đã quyết định áp đặt trừng phạt một nhà máy lọc dầu của Nga tại Ấn Độ và 2 ngân hàng Trung Quốc để siết chặt mạng lưới tài chính và năng lượng quốc tế đang tạo điểm tựa cho Nga. Bên cạnh đó, EU cũng cấm giao dịch đối với nhiều ngân hàng Nga và tăng cường kiểm soát xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng có thể sử dụng cho cả mục đích quân sự.

Gói trừng phạt được thông qua sau khi Slovakia rút lại quyền phủ quyết sau các cuộc đàm phán với Brussels. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết nước này đã nhận được các “đảm bảo” liên quan đến giá khí đốt trong bối cảnh EU có kế hoạch chấm dứt hoàn toàn nhập khẩu khí đốt từ Nga từ cuối năm 2027.

Cao ủy Chính sách Đối ngoại EU Kaja Kallas tuyên bố châu Âu sẽ không lùi bước trong việc hỗ trợ Ukraine và sẽ tiếp tục gia tăng áp lực cho đến khi Nga chấm dứt xung đột. Bà cho rằng mỗi lệnh trừng phạt đều làm suy yếu khả năng tham chiến của Nga.

Đây là vòng trừng phạt thứ 18 được EU ban hành kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào năm 2022. Các bộ trưởng EU dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục thông qua chính thức gói biện pháp vào cuối ngày 18-7 (giờ địa phương).

TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.