Ưu tiên đầu tiên là dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine. EU xác định sẽ tiếp tục cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết về chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho Ukraine. Đề ra mục tiêu sẽ ký các thỏa thuận an ninh với Ukraine vào cuối tháng 6 tới đây, EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh và tăng tốc cung cấp vũ khí dựa trên các nhu cầu cấp bách của Ukraine, nhất là về tên lửa, hệ thống phòng không, máy bay không người lái, đồng thời tiếp tục đáp ứng các nhu cầu trong trung và dài hạn của Kiev.

leftcenterrightdel
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Cung điện Hoàng gia Bỉ nhân dịp tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu, tháng 4-2024. Ảnh: AP 

Ưu tiên thứ hai là EU chi nhiều hơn và hiệu quả hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng. EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính đối với các doanh nghiệp quốc phòng của khối. Ngoài tăng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu của quân đội các nước thành viên và đối tác khi cần, EU cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng của khối cần chú trọng phát triển các năng lực tiên tiến, đi đầu về đổi mới công nghệ và khả năng cạnh tranh.

Ưu tiên thứ ba là tăng cường khả năng hành động của EU. EU ghi nhận những đóng góp quan trọng thời gian qua của các phái bộ quân sự và dân sự tại các khu vực trên thế giới, vốn hoạt động theo khuôn khổ Chính sách Quốc phòng và An ninh chung (CSDP) của khối. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận hành đầy đủ "năng lực phản ứng nhanh của EU" vào năm 2025, EU kêu gọi các nước thành viên tiếp tục đóng góp nhân lực và vật lực để thực hiện mục tiêu này. EU cũng nhắc lại quyết tâm hỗ trợ và đoàn kết với nhau trong trường hợp một quốc gia thành viên bị xâm lược.

Ưu tiên thứ tư là nâng cao khả năng tự cường của EU trong các lĩnh vực chiến lược. Theo đó, EU coi trọng việc tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện, răn đe và ứng phó các mối đe dọa như tấn công mạng hay thông tin sai lệch nhằm vào các nước thành viên và đối tác, nhất là trong bối cảnh diễn ra nhiều cuộc bầu cử tại EU trong thời gian tới. Các lĩnh vực không gian, hàng hải, hàng không, khí hậu cũng được xem là có vai trò đặc biệt quan trọng đối với "sự vận hành của xã hội, kinh tế, an ninh và quốc phòng của EU".

Ưu tiên thứ năm là mở rộng các quan hệ đối tác của EU. Theo đó, các quan hệ đối tác về hòa bình, an ninh và quốc phòng là "trụ cột không thể thiếu" trong các nỗ lực của EU nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh trên thế giới. EU cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, củng cố chủ nghĩa đa phương ở mọi cấp độ với Liên hợp quốc ở vị trí trung tâm. EU sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc và mở rộng các quan hệ đối tác trên cơ sở chia sẻ các giá trị và lợi ích. EU tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là "cần thiết cho an ninh và ổn định của châu Âu-Đại Tây Dương".

EU cũng kêu gọi các nước thành viên thực hiện 5 ưu tiên chính về an ninh và quốc phòng nói trên "như là một vấn đề cấp bách". "Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang ngày càng bị thách thức và các căng thẳng quốc tế có chiều hướng gia tăng... EU cần tăng cường nỗ lực phối hợp trong ngăn chặn và ứng phó nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng, cùng với các đối tác duy trì hòa bình và củng cố pháp quyền", EU nêu rõ.

VŨ HOÀNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.