QĐND - Những cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân mỏ Nam Phi diễn ra liên tiếp trong thời gian gần đây đã khiến nền kinh tế lớn nhất châu Phi đứng trước một mối bất ổn to lớn. Chính mâu thuẫn trong lao động và khoảng cách giàu nghèo quá lớn đã khiến cho làn sóng này lan rộng tới mức nguy hiểm, đến mức giới truyền thông nước này phải miêu tả như một "trận cháy rừng" mà cảnh sát và quân đội có thể sẽ lại được huy động để dập tắt...

Ngày 5-10, Tập đoàn khai thác bạch kim lớn nhất thế giới Anglo American Platinum (Amplats) đã sa thải 12.000 công nhân tham gia đình công tại Nam Phi, một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng đình công trên quy mô lớn đang lan rộng trên cả nước. Làn sóng đình công tại Nam Phi đã một lần nữa biến thành bạo lực sau khi xung đột xảy ra giữa công nhân và cảnh sát tại khu mỏ của Tập đoàn Amplats khiến một người thiệt mạng hôm 5-10. Trong khi đó, theo người phát ngôn của Liên đoàn thợ mỏ quốc gia Nam Phi (NUM) Lê-xi-ba Xê-sô-ca (Lesiba Seshoka), vào tối cùng ngày, một lãnh đạo của tổ chức này đã bị sát hại. Trước đó, hôm 2-10, việc lãnh đạo mỏ vàng lớn của Nam Phi là KDC West thuộc Tập đoàn Gold Fields cho biết, sẽ trục xuất hàng nghìn thợ mỏ vì đã tiến hành đình công suốt 3 tuần qua, làm gia tăng mâu thuẫn giữa giới chủ và thợ mỏ.

Hàng nghìn công nhân mỏ biểu tình ở một khu mỏ của Tập đoàn Amplats ở tỉnh Rustenburg, phía Tây Bắc Nam Phi hôm 5-10. Ảnh: Roi-tơ.

Làn sóng đình công của thợ mỏ Nam Phi bắt đầu từ trung tuần tháng 8 với tâm điểm là mỏ bạch kim Ma-ri-ca-na của Công ty Lonmin, sau đó lan sang các khu mỏ khác dọc vành đai mỏ gần thành phố Giô-han-ne-xbớc. Đình công kéo dài sáu tuần và chỉ tạm chấm dứt sau khi công nhân mỏ Ma-ri-ca-na và lãnh đạo Công ty Lonmin đạt thỏa thuận tăng lương. Tuy nhiên, trong các cuộc đình công đó, 45 người đã thiệt mạng và khoảng 80 người bị thương do đụng độ giữa cảnh sát và thợ mỏ. Còn cuộc đình công đòi tăng lương tại khu mỏ của Tập đoàn Amplats nổ ra từ ngày 12-9 với sự tham gia của khoảng 28.000 công nhân và chưa có dấu hiệu ngừng lại. Hồi trung tuần tháng 9, Lực lượng Quốc phòng Nam Phi (SANDF) cũng đã từng phải triển khai khoảng 1000 binh sĩ đến mỏ bạch kim của Công ty Lonmin nhằm giúp chấm dứt tình trạng bạo lực phát sinh từ các cuộc đình công của công nhân.

Theo các chuyên gia, các cuộc đình công gần đây ở Nam Phi làm nổi lên vấn đề tình trạng thất nghiệp cao và mức chênh lệch lớn giữa người giàu và người nghèo. Ngành khai thác mỏ tuy chiếm khoảng 1/5 GDP của Nam Phi nhưng được xem là một hình ảnh tiêu biểu cho những bất đồng kinh tế và mâu thuẫn xã hội tồn tại lâu nay ở quốc gia này. Chính chênh lệch quá lớn về thu nhập ở Nam Phi và sự ganh đua quyền lực giữa các công đoàn thợ mỏ là nguyên nhân dẫn đến đình công đe dọa ngành khai thác khoáng sản Nam Phi. Hiệp hội Công đoàn xây dựng và thợ mỏ bất mãn với Công đoàn thợ mỏ quốc gia Nam Phi bởi các lãnh đạo công đoàn này xa cách với thợ mỏ và có vẻ quan hệ gần gũi với đảng cầm quyền. Theo các nhà phân tích, có một thỏa thuận bất thành văn trong thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Đó là các công đoàn ủng hộ đảng cầm quyền Đại hội Dân tộc Phi (ANC), bù lại công nhân sẽ được hưởng lương cao hơn và các doanh nghiệp lớn được bảo đảm hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến các cuộc đình công nhuốm máu này chính là sự bất lực của chính phủ trong việc cải thiện các điều kiện sống của tầng lớp công nhân sau 18 năm chấm dứt chủ nghĩa A-pác-thai. A-đam Ha-bít (Adam Habib), chuyên gia phân tích thuộc Đại học Johannesburg cho rằng: “100 năm kể từ sau khi bắt đầu khai thác mỏ tại Nam Phi, thợ mỏ vẫn sống trong những điều kiện giống như vào đầu thế kỷ 20”. Nhà chính trị học I-bra-him Phây-cơ (Ebrahim Fakir) thuộc Đại học Nam Phi dự báo những vụ xung đột trong đình công sẽ còn trở nên thường xuyên hơn ở Nam Phi, bởi “chính phủ chẳng làm gì để thu hẹp những bất công, những chênh lệch về thu nhập, cải thiện các điều kiện lao động, sức khỏe, y tế trong các khu mỏ”.

Mặc dù đảng cầm quyền ANC đã chi hàng trăm tỷ USD xóa đói giảm nghèo nhưng chênh lệch giàu nghèo tại quốc gia này vẫn cao nhất nhì thế giới. GDP bình quân đầu người của Nam Phi là hơn 8000 USD/năm, nhưng vẫn có 40% dân số sống với mức thu nhập thấp hơn 3 USD/ngày. Người phát ngôn của ANC Ma-con-đê Ma-thi-oa (Makonde Mathiwa) mới đây cũng thừa nhận, nghèo đói và bất bình đẳng xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến những cuộc đình công đòi tăng lương của công nhân mỏ.

Làn sóng đình công lan rộng thời gian qua đã làm cho GDP của nền kinh tế lớn nhất châu Phi này giảm 5%. Các nhà phân tích kinh tế bày tỏ lo ngại nếu đình công lan sang lĩnh vực khai thác than thì mức độ sẽ hết sức nghiêm trọng, bởi nhiệt điện đang đóng góp tới 85% sản lượng điện của Nam Phi. Trong khi đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's mới đây đã hạ xếp hạng trái phiếu của Nam Phi từ mức A3 xuống mức trung bình Baa1 do những bất ổn về chính trị và kinh tế.

Hiện làn sóng bãi công vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhằm xoa dịu tình hình, Liên hiệp công đoàn thương mại có uy tín của Nam Phi là COSATU đã yêu cầu các chủ mỏ thương lượng lại hợp đồng với 120.000 lao động, trước khi những hợp đồng này hết hạn sau một năm nữa.

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, nỗ lực này là chưa đủ để đặt dấu chấm hết cho những tháng đầy biến động, mâu thuẫn lao động vừa qua và Nam Phi vẫn phải đối mặt với tình trạng bất ổn nếu như Chính phủ không giải quyết triệt để mâu thuẫn trong lao động và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng tới mức đáng báo động.

Ngọc Hà