Quan điểm trái ngược của ông Trump
Phát biểu tại buổi vận động tranh cử ở bang Nam Carolina hôm 10-2, cựu Tổng thống Trump đã chia sẻ với người dân về cuộc trò chuyện với lãnh đạo một quốc gia đồng minh NATO nhiều năm trước. Vị lãnh đạo này đã hỏi ông Trump rằng, nếu nước họ không chi đủ tiền cho quốc phòng theo quy định chung của NATO, liệu Mỹ có bảo vệ họ hay không, trong trường hợp họ đứng trước nguy cơ bị tấn công?
Trả lời câu hỏi này, ông Trump trả lời rằng, Mỹ sẽ không bảo vệ đồng minh NATO nếu họ không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính cho quốc phòng và để nước này tự đối mặt nguy cơ bị tấn công.
 |
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại Đại học Coastal Carolina ngày 10-2. Ảnh: Reuters
|
Phát ngôn của ông Trump ngay lập tức khiến dư luận dậy sóng. Ngày 11-2, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, quan điểm cho rằng các đồng minh NATO không bảo vệ lẫn nhau sẽ làm suy yếu an ninh của tất cả thành viên trong khối, bao gồm Mỹ. Ông Stoltenberg còn khẳng định, bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một thành viên NATO sẽ dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ toàn bộ liên minh.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Andrew Bates cũng lên án phát ngôn của ông Trump, cho rằng việc lợi dụng an ninh NATO để vận động tranh cử là hành động nguy hiểm và có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia Mỹ, đồng minh và sự ổn định toàn cầu.
Chia sẻ trên trang cá nhân X (trước đây là Twitter), Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz chỉ trích cựu Tổng thống Mỹ không nên dùng vấn đề an ninh NATO để phục vụ mục đích tranh cử.
Dấu hỏi về tương lai quan hệ đồng minh
Thực tế, không hiếm lần ông Trump đã đưa ra những phát ngôn “khuấy động” cả thế giới. Hồi năm 2014, các nước thành viên NATO đã nhất trí về mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024 nhằm bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên minh quân sự. Tuy nhiên, phần lớn các quốc gia thành viên chưa đáp ứng được điều này. Khi còn tại nhiệm, ông Trump từng yêu cầu các nước còn lại tăng chi tiêu quốc phòng để cùng gánh vác sứ mệnh chung nếu không Washington sẽ rút khỏi NATO.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Trump không ngại đưa ra những phát ngôn gây “mếch lòng” các đồng minh phương Tây. Với quan điểm “Nước Mỹ trước tiên”, ông luôn đòi hỏi sự công bằng trong quan hệ giữa Washington với các quốc gia đồng minh.
 |
Ông Trump có khả năng rất cao để tái đấu với Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 tới. Ảnh: Anadolu Agency
|
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây cùng cuộc xung đột dai dẳng ở Ukraine khiến vấn đề an ninh NATO trở thành chủ đề nhạy cảm. Giới quan sát nhận định, động thái của ông Trump có thể khiến nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đặt dấu hỏi về tương lai mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương sẽ đi về đâu trong trường hợp ông Trump trở lại nắm quyền.
Hiện ông Trump đang dẫn đầu đường đua giành đề cử của Đảng Cộng hòa với hai chiến thắng đầu tiên trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng này ở bang Iowa và New Hampshire. Cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley được đánh giá khó có khả năng chiến thắng, khi tầm ảnh hưởng của ông Trump trong Đảng Cộng hòa còn quá lớn.
Ông Trump có khả năng rất cao để tái đấu với Tổng thống Joe Biden vào tháng 11 tới. Cuộc khảo sát do Financial Times công bố mới đây cho thấy 42% người Mỹ ủng hộ ông Trump, trong khi chỉ có 31% lựa chọn ông Biden.
Dù đường đua tới Nhà Trắng còn khá xa, nhiều người đã nghĩ tới khả năng ông Trump có thể trở lại Nhà Trắng và chèo lái nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo. Trong bối cảnh thế giới biến động và nhiều xung đột như hiện nay, chính sách đối ngoại của Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo được rất nhiều người quan tâm.
HÙNG HÀ (Theo Reuters, Financial Times và Le Monde)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.