QĐND - Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) mới đây tuyên bố nước này sẽ cắt giảm 30% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong năm 2011. Lý do được đưa ra là với mức độ khai thác và xuất khẩu như hiện nay thì trong vòng 15 - 20 năm tới, Trung Quốc có nguy cơ cạn kiệt đất hiếm nặng và trung bình. Tuyên bố này khiến nhiều nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản và một số nước châu Âu lo lắng cho kế hoạch phát triển sản xuất, buộc phải đua đi tìm “đất hiếm” cho riêng mình.

Đất hiếm là thuật ngữ chỉ những nguyên tố rất quý hiếm, cực kỳ quan trọng trong các ngành công nghệ và kỹ thuật cao. Đất hiếm chứa 17 thành phần hóa học, bao gồm khoáng chất như dysprosium, terbium, thulium và yttrium, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ cao như điện tử, hàng không, năng lượng nguyên tử và chế tạo cơ khí. Đặc biệt, đất hiếm nặng và trung bình có giá trị cao hơn nhiều lần so với các loại đất hiếm nhẹ và được sử dụng trong các lĩnh vực công nghệ chế tạo tên lửa.

Một mẫu quặng đất hiếm. Ảnh: Reuters

Sinh thời, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình từng nói “Trung Đông có dầu mỏ thì Trung Quốc có đất hiếm”. Điều đó hoàn toàn có cơ sở bởi Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới, chiếm 97% lượng cung đất hiếm toàn cầu. Một số nước phát triển hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn đất hiếm do Trung Quốc cung cấp. Giá đất hiếm ở Trung Quốc tăng hơn 20% kể từ năm 1979. Năm 2009, giá đất hiếm trung bình là 8.500 USD/tấn.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý hiếm này nếu không biết sử dụng hiệu quả sẽ sớm bị cạn kiệt. Chính vì vậy, từ năm 2005, Bắc Kinh đã bắt đầu giảm 10% lượng đất hiếm xuất khẩu mỗi năm. Số liệu của MOC cho thấy, trong năm 2010 Trung Quốc đã giảm mức khai thác đất hiếm và cắt giảm 72% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong 6 tháng cuối năm, xuống còn 7.976 tấn. Đến ngày 19-10, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm 30% hạn ngạch xuất khẩu đất hiếm trong năm 2011 với lý do bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước cũng đang rất cần đến các kim loại hiếm.  Động thái này của Trung Quốc ngay lập tức đã "thổi" giá đất hiếm lên cao, đồng thời gây “sốc” cho các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Bởi lẽ Nhật Bản là nước nhập khẩu đến gần 60% lượng đất hiếm từ Trung Quốc, trong khi Mỹ nhập khẩu tới 20%, Hàn Quốc và Pháp nhập 6%… Thậm chí, một quan chức cấp cao Nhật Bản đã báo động rằng nếu đà này tiếp tục, kho dự trữ đất hiếm của Nhật có nguy cơ bị cạn kiệt ngay vào tháng 3 năm tới.

Trong khi chưa tìm được giải pháp tối ưu cho việc nhập khẩu “đất hiếm”, các công ty Nhật Bản đã lựa chọn một hướng đi khác là tìm kiếm “đất hiếm” từ phế thải điện tử để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước. Công ty tái chế phế thải điện tử Dowa Holdings (Nhật Bản) vừa xây thêm một nhà máy tái chế gồm một lò luyện cao gần 200m để nấu chảy những thiết bị điện tử cũ rồi tách lấy những kim loại và khoáng chất có giá trị. Công ty Kosaka Smelting and Refining cũng đang làm ăn phát đạt nhờ việc thu hồi một số kim loại hiếm như indi có trong màn hình tinh thể lỏng và antimon dùng trong các thiết bị bán dẫn. Theo Viện Khoa học vật liệu quốc gia Nhật Bản, mỗi tấn linh kiện điện tử cũ có thể tái chế được 150g đất hiếm.

Để tránh bị lệ thuộc vào Trung Quốc, một số quốc gia đang triển khai việc thăm dò và khai thác các mỏ đất hiếm ở các nước khác, trong đó có Ô-xtrây-li-a. Ô-xtrây-li-a sở hữu 46% lượng quặng đất hiếm của thế giới, nhưng chưa được khai thác đúng mức. Theo website Australianrareearths.com, năm tới, Tập đoàn Lynas sẽ trở thành nhà khai thác đất hiếm đầu tiên của Ô-xtrây-li-a đi vào hoạt động với mục tiêu sản lượng đến năm 2012 là 22.000 tấn, trị giá 1,1 tỉ USD theo giá hiện hành. Tuy nhiên, từ nay đến đó các nhà sản xuất có lẽ sẽ còn phải đương đầu với nguy cơ khan hiếm mặt hàng này.

Bình Nguyên