Trang mạng Breaking Defense đưa tin, đây là thông tin được Hanwha Ocean đưa ra trong một thông báo mới đây. "Việc tham gia hoạt động MRO của hải quân Mỹ sẽ là bước đệm quan trọng cho một bước tiến mới. Chúng tôi đã tiến hành công tác chuẩn bị, điều tra và phân tích ban đầu một cách toàn diện. Thông qua đó, chúng tôi tin rằng mình có thể tạo dựng niềm tin với hải quân Mỹ và đảm bảo lợi nhuận phù hợp bằng cách cung cấp kịp thời dịch vụ MRO có chất lượng", thông báo của Hanwha Ocean khẳng định.
|
|
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro (thứ 2, từ trái sang) thăm nhà máy Geoje của tập đoàn Hanwha Ocean, tháng 2-2024. Ảnh: Naval News |
Tờ The Chosun Daily cho biết theo hợp đồng, Hanwha Ocean thực hiện dịch vụ MRO đối với một tàu hỗ trợ hậu cần có trọng tải 40.000 tấn thuộc Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, vốn hoạt động tại Tây Thái Bình Dương. Tàu này dự kiến sẽ được đưa tới nhà máy Geoje của Hanwha Ocean ở gần thành phố Busan (Hàn Quốc) trong tháng 9 tới. Mặc dù giá trị hợp đồng không được Hanwha Ocean tiết lộ, song Breaking Defense đánh giá đây là một thắng lợi lớn đối với tập đoàn này.
Tờ The Chosun Daily xem việc Hanwha Ocean giành được hợp đồng nói trên là một cột mốc quan trọng, đánh dấu ngành công nghiệp đóng tàu của Hàn Quốc chính thức gia nhập thị trường MRO của hải quân Mỹ. Được biết Lầu Năm Góc đã phân bổ 13,6 tỷ USD cho hoạt động MRO của hải quân Mỹ trong năm nay.
Theo trang mạng Marine Insight, đây là lần đầu tiên một hãng đóng tàu Hàn Quốc giành được hợp đồng MRO của hải quân Mỹ. Hanwha Ocean giành được hợp đồng sau khi được hải quân Mỹ chứng nhận năng lực MRO, qua đó cho phép tập đoàn của Hàn Quốc tham gia các dự án MRO của lực lượng này. Quy trình chứng nhận năng lực MRO của hải quân Mỹ thường mất hơn 1 năm nhưng Hanwha Ocean chỉ mất có 7 tháng.
Trang mạng Marine Insight lưu ý rằng trước đó, Hanwha Ocean cũng đã mua lại nhà máy đóng tàu Philly của Mỹ. Việc mua lại Philly và giành được chứng nhận năng lực MRO của hải quân Mỹ đã nâng cao danh tiếng cũng như năng lực đóng tàu và MRO của Hanwha Ocean. "Hợp đồng đạt được với hải quân Mỹ là một bước đột phá để Hanwha Ocean gia nhập thị trường MRO của Mỹ, đồng thời củng cố vị trí của tập đoàn trên thị trường MRO toàn cầu, vốn được ước tính trị giá hơn 60 tỷ USD/năm", trang mạng Marine Insight khẳng định.
Tập đoàn Hanwha Ocean giành được hợp đồng đầu tiên về MRO với hải quân Mỹ trong bối cảnh Bộ trưởng Hải quân Mỹ Carlos Del Toro chủ trương mời các hãng đóng tàu của các nước đồng minh và đối tác thân thiết tham gia hợp tác trước thực trạng u ám của ngành công nghiệp đóng tàu chiến Mỹ. Theo trang mạng Breaking Defense, Bộ trưởng Carlos Del Toro đã và đang ráo riết vận động Hanwha Ocean và các hãng đóng tàu khác tại châu Á "tìm kiếm công việc tại thị trường Mỹ".
Trên thực tế, năng lực MRO của hải quân Mỹ thời gian qua liên tục bị đánh giá là “gặp nhiều vấn đề, gây trở ngại nghiêm trọng đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu”. Trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Chiến lược quốc phòng do Quốc hội Mỹ đánh giá ngành công nghiệp đóng tàu chiến của Mỹ đang gặp vấn đề “đặc biệt nghiêm trọng”. Theo báo cáo, ngoài năng lực đóng tàu chiến, Mỹ cũng không thể đảm bảo năng lực MRO “với tốc độ cần thiết”. Báo cáo nêu rõ, năng lực đóng tàu chiến cũng như MRO của hải quân Mỹ “về cơ bản là gây hoài nghi”. Một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ là Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ (GAO) cũng không ít lần khẳng định năng lực MRO của hải quân Mỹ “không hiện diện ở nơi cần thiết”.
"Khi mà ngành công nghiệp đóng tàu chiến của Mỹ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động và năng lực suy giảm, hợp tác với ngành đóng tàu tiên tiến của Hàn Quốc được xem là mang lại một ưu thế chiến lược. Hồi đầu năm 2024, Bộ trưởng Carlos Del Toro cùng giới chức cấp cao của hải quân Mỹ đã đến thăm các hãng đóng tàu của Hàn Quốc và thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với sự hợp tác này", tờ The Chosun Daily bình luận.
HOÀNG VŨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.