Thời khắc lịch sử

Cuộc xung đột vũ trang trong hơn 5 thập kỷ khiến ít nhất 260.000 người thiệt mạng, 60.000 người mất tích và 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn cuối cùng cũng đã chấm dứt. Từ nay FARC đã không còn có tên trong danh sách các nhóm nổi dậy còn hoạt động tại Colombia nói riêng và khu vực Mỹ Latinh nói chung.

Phát biểu tại một buổi lễ ở Pondores, phía Bắc Guajira, Tổng thống Santos nêu rõ: "Với việc từ bỏ vũ khí, cuộc xung đột này đã thực sự qua đi. Đây thực sự là một thời khắc lịch sử cho đất nước chúng ta". Tổng thống Santos bày tỏ sự kiện này sẽ đi vào lịch sử Colombia, mở ra một giai đoạn mới cho đất nước, song thừa nhận còn nhiều nghĩa vụ mà cả hai bên cùng phải thực thi. “Chúng ta đang được chứng kiến một thời khắc lịch sử, thời khắc chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt 53 năm qua... Khi chúng ta nhìn thấy chiếc container cuối cùng rời đi, cũng là lúc chúng ta thực sự hoàn tất giai đoạn cuối cùng của tiến trình từ bỏ vũ khí”, Tổng thống Santos nói.

leftcenterrightdel

Tổng thống Santos (bên trái) và các nhân viên Liên hợp quốc chứng kiến container vũ khí cuối cùng rời đi. Ảnh: Reuters. 

 

Một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao cho sự hòa giải là khi Tổng thống Santos khóa container cuối cùng chở vũ khí rời khỏi Pondores, một trong 26 khu vực mà FARC tập kết kể từ đầu năm. Khoảng 7.000 thành viên FARC đã hoàn thành việc giao nộp vũ khí cuối tháng 6 vừa qua. Số súng giao nộp sẽ được nung chảy để lấy nguyên liệu xây 3 tượng đài hòa bình.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa hai bên, Tổng thống Santos đã ký 3 sắc lệnh ân xá tổng cộng khoảng 7.400 thành viên FARC hoàn thành giao nộp vũ khí. Đầu tháng 8-2017, Liên hợp quốc (LHQ) bắt đầu tiêu hủy những container chứa hơn 7.000 vũ khí từ các vùng giải giáp ở Colombia, nơi các tay súng FARC giao nộp vũ khí theo thỏa thuận hòa bình với chính phủ.

FARC sắp hoạt động với tư cách một chính đảng

Theo ông Ivan Marquez, một trong những thủ lĩnh của nhóm nổi dậy và cũng từng tham gia tiến trình đàm phán nhằm đi tới thỏa thuận hòa bình ký hồi cuối năm ngoái, sự kiện này đánh dấu sự kết thúc của tiến trình kiểm chứng lệnh ngừng bắn và giải giáp vũ khí, đồng thời bắt đầu một tiến trình khác dài hơi hơn. Đó là tiến trình tái hòa nhập của FARC vào đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước.

 Sau khi hoàn tất việc giao nộp vũ khí, FARC sẽ chính thức hoạt động với tư cách một chính đảng vào ngày 1-9 tới. Theo đó, lực lượng này sẽ chính thức chuyển thành một đảng chính trị, bước tiến lớn trong quá trình hòa nhập đời sống dân sự theo một phần của thỏa thuận hòa bình được các bên ký kết vào năm ngoái. Ông Ivan Marquez nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ sớm tổ chức đại hội thành lập đảng chính trị mới được gọi là Lực lượng Cách mạng thay thế Colombia (ARFC)".

Thủ lĩnh cấp cao của FARC, ông Carlos Antonio Lozada, trong một phát biểu với báo chí nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ chính thức công bố việc trở thành một chính đảng vào ngày 1-9 tại Quảng trường Bolivar ở thủ đô Bogota". Cũng theo ông Lozada, FARC đang xây dựng các nội dung chi tiết về việc tham gia vào chính trường.

Trước đó, hôm 8-8, Hạ viện Colombia đã thông qua dự thảo luật cho phép bảo vệ các cựu tay súng FARC và chính đảng được hình thành từ tổ chức này sau khi đã đạt được thỏa thuận với chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos từ cuối năm 2016. Theo thỏa thuận hòa bình sửa đổi đã ký giữa Tổng thống Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono hồi tháng 11-2016, ngoài quyền được thành lập một chính đảng, tổ chức này sẽ có 5 ghế tại Thượng viện và 5 ghế tại Hạ viện. Tổng thống Santos đã khẳng định cam kết bảo vệ quyền tham gia hợp pháp vào đời sống chính trị của FARC. Ông cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng quốc tế giúp đỡ Colombia tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Trên đà thắng lợi, sau thỏa thuận với FARC, Chính phủ Colombia và nhóm vũ trang Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) tiếp tục tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn song phương tạm thời trước thềm chuyến thăm của Giáo hoàng Francis tới Colombia, dự kiến diễn ra vào tháng 9, cũng như bàn về lộ trình tái hòa nhập cộng đồng của các tay súng ELN.

Những thỏa thuận lịch sử đang mở ra hy vọng về một tương lai hòa bình cho người dân Colombia.

NGUYỄN HÒA